Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 11 năm 2021 | 9:17

Chuyển đổi số: Cần cách tiếp cận số

Để nông nghiệp chuyển đổi số thành công cần nhiều thứ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.

1. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (từ năm 2008 đến nay), nhiều giải pháp, chính sách về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với vị trí người nông dân là trung tâm được triển khai thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn mọi vùng miền được nâng cao, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp đáng kể. Đặc biệt, năng suất lao động tăng, xuất khẩu nông sản tăng mạnh cả về độ phủ, số lượng mặt hàng, giá trị kim ngạch,… Nhiều nguồn lực xã hội được huy động. Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ, nhất là những khi nền kinh tế gặp  “bão”.

Mặc dù đạt những thành tựu ấn tượng về nhiều mặt nhưng sản xuất nông nghiệp của ta năng suất lao động còn thấp, hàm lượng khoa học công nghệ và mức độ cơ giới hóa chưa cao, sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp; đời sống nhà nông, nhà vườn bấp bênh; kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu…

2. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn giàu có, nông dân văn minh. Để thực hiện nhiệm vụ này, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Định hướng chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Thông tin từ hội thảo cho biết, sắp tới, hai cơ quan này sẽ trình Ban chấp hành Trung ương dự thảo nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có đề cập tới một loạt vấn đề mới, như: thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận nhanh với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số,… xoay quanh ba trụ cột (Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân thông minh) nhằm tạo đột phá để có bước tiến mạnh mẽ hơn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian tới.

Hội thảo đưa ra nhận định: Để xây dựng thành công nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thì chuyển đổi số chính là khâu đột phá.

Có thể hiểu ngắn gọn, kinh tế số là nền kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao phân bổ nguồn lực, năng suất, mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Kinh tế số trong nông nghiệp tạo nên nền nông nghiệp minh bạch, yêu cầu quan trọng nhất của thị trường hiện nay.

Thêm nữa, mới đây, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, theo đó đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Như vậy, mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp đã rõ ràng.

td.JPG
Chuyển đổi số trong kinh tế nông nghiệp chỉ có thể thành công khi mối liên kết giữa các nhà nông, nhà vườn chặt chẽ trong HTX và mối liên kết giữa HTX với doanh nghiệp là mối quan hệ hữu cơ về lợi ích chung.

 

3. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của các công nghệ số, như: trí tuệ nhân tạo (Al), Blockchain, Internet vạn vật (IoT), các dịch vụ điện toán đám mây,… đã giúp không ít nhà nông, nhà vườn, chủ trang trại nâng cao năng suất lao động, quản lý hiệu quả hơn, nắm bắt nhanh yêu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng, đồng thời giảm chi phí về nhân công, tiết kiệm phân bón,… qua đó giảm giá thành.

Tuy nhiên, khó khăn là không nhỏ vì nhà nông, nhà vườn cũng như doanh nghiệp, chưa có sự gắn kết đủ để tạo ra sự thay đổi lớn.

Nói vậy vì, để nông nghiệp chuyển đổi số thành công cần nhiều thứ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Việc này nếu sản xuất nhỏ lẻ thì càng thêm khó vì đa số nhà nông, nhà vườn thiếu khả năng tài chính, kiến thức về kinh tế và số hóa chưa có thì việc đầu tư là khá khó khăn. Đó là chưa nói tới việc hệ thống dữ liệu còn rất mỏng…

Chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong kinh tế nông nghiệp nói riêng chỉ có thể thành công khi mối liên kết giữa các nhà nông, nhà vườn chặt chẽ trong hợp tác xã và mối liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp là mối quan hệ hữu cơ về lợi ích chung. Nếu chỉ Nhà nước lo thì việc chuyển đổi số khó có thể tạo đột phá vì sẽ chậm. Do đó, Nhà nước phải xây dựng cơ chế trên tinh thần số hóa để huy động mọi nguồn lực xã hội cho việc chuyển đổi này. Khi tất cả các bên tham gia cùng thắng thì chắc chắn chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ tạo nên đột phá mới.

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top