Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 10 năm 2021 | 9:5

Covid-19, cú huých chuyển đổi

Có lẽ chưa bao giờ việc tiêu thụ nông sản gặp khó như lúc này.

Nói vậy vì, đợt dịch Covid-19 thứ tư với biến chủng Delta lây lan nhanh, độc lực mạnh đã buộc chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi rộng (TP. Hồ Chí Minh cùng 5 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhiều địa phương khác), không ít địa phương thực hiện giãn cách tăng cường “ai ở đâu ở yên đó”. Tuy nhiên, do việc áp dụng không đồng bộ giữa các địa phương trong “luồng xanh” lưu thông hàng hóa khiến chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản đình trệ. Điều này tác động không nhỏ đến kinh tế khu vực trọng điểm sản xuất nông, thủy sản trọng yếu phía Nam (Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Sản lượng lúa gạo của vùng chiếm 50% tổng sản lượng lúa của cả nước; sản lượng thủy sản chiếm 65%, sản lượng trái cây chiếm 70%. Lượng gạo xuất khẩu chiếm 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước).

19.JPGChế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng). Ảnh: Huy Hùng.

 

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, 19 tỉnh, thành phố phía Nam chiếm 45% giá trị xuất khẩu của cả nước, tương đương với khoảng 9.000 tỉ đồng xuất khẩu mỗi ngày. Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý III/2021 âm 6,17%, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, trên 90.000 doanh nghiệp đã dời thị trường,…

Đại dịch Covid-19 đúng là đã tác động rất xấu lên kinh tế và xã hội nhưng lại là chất xúc tác, cú huých thúc đẩy sự chuyển đổi. Thực tế hơn 4 tháng chống đợt dịch lần thứ tư vừa qua cho thấy, Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đã nhận diện rõ hơn những khó khăn, thách thức; bước đầu có sự chuyển đổi về nhiều lĩnh vực.

Trước hết về định hướng chiến lược, trên cơ sở nắm chắc tình hình dịch bệnh và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Trung ương ngày 23/9, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ: Đạt “zero Covid” sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vaccine đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Tiếp đó, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việc phòng, chống dịch phải dựa trên trụ cột xét nghiệm, cách ly, điều trị, vaccine và ý thức của người dân nhưng cách ly, phong tỏa hẹp nhất có thể.

Và trong hơn 4 tháng qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực với tinh thần rất cao cho chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phòng chống dịch với quy mô lớn chưa từng có tiền lệ. Nhiều cách làm mới trên tinh thần chuyển đổi đã được triển khai, kết nối. Rõ nhất là việc kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho vựa nông - thủy sản - trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thương mại điện tử đã được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực. Số hóa đã được áp dụng trong quản lý, lưu thông, học tập, khám chữa bệnh,... giúp giảm áp lực, giảm thời gian, giảm chi phí,…

Tuy nhiên, còn nhiều, rất nhiều đơn vị, địa phương còn chậm trong chuyển đổi. Ví như việc phòng, chống dịch còn chưa đồng bộ giữa các địa phương, chưa thống nhất từ trung ương tới địa phương, quá nhiều mã QR code hay tư duy địa phương theo địa giới hành chính còn tồn tại khá sâu khi mà chúng ta đề cập đến liên kết vùng, kinh tế vùng… 

Thực hiện chiến lược “chung sống” an toàn với Covid-19, nghĩa là chúng ta vừa phải thích ứng an toàn, vừa phải kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Để thực hiện thành công chiến lược này, chúng ta phải linh hoạt phương thức tiếp cận và thực hiện chuyển đổi, nhất là nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số trong quản lý, đời sống, sản xuất, kinh doanh, học tập,... Khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi chính là nhận thức. Đại dịch Covid-19 tuy gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng lại là tác nhân thúc đẩy chúng ta chuyển đổi, cần tận dụng thời điểm này tốt nhất có thể. Nếu chậm, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau!

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top