Để tạo diện mạo nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới (NTM)”, Thanh Hóa đã khuyến khích người dân thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng khu vườn mẫu khang trang, hiện đại.
Để tạo diện mạo nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới (NTM)”, nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã khuyến khích người dân thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng khu vườn mẫu khang trang, hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật và mang lại thu nhập cao.
Thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, lan tỏa điển hình nông dân
Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa Lôi Xuân Len chia sẻ: Để khuyến khích, động viên người làm vườn và trang trại xứ Thanh trong phát triển kinh tế VAC, xây dựng NTM, Hội tổ chức cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu” là rất cần thiết. Qua cuộc thi, vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu được chọn sẽ khẳng định được thương hiệu của mình. Hơn nữa, việc được chọn sẽ giúp chủ vườn và trang trại dễ dàng quảng bá sản phẩm ra thị trường.
Cuối tháng 01 vừa qua, sau khi có chủ trương đồng ý và hỗ trợ kinh phí từ UBND tỉnh, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị phát động cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu” tỉnh Thanh Hóa năm 2022.
Đây là cuộc thi hoàn toàn mới trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp về tích tụ đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp.
Cuộc thi cũng hướng tới thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, lan tỏa điển hình nông dân, chủ trang trại sản xuất, kinh doanh giỏi; đồng thời đồng hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong tiêu chí sản xuất, phát triển vườn hộ, vườn mẫu…
Theo thể lệ cuộc thi, sẽ có tổng số 63 giải thưởng, trong đó 27 giải “Vườn đẹp” và 21 giải “Trang trại kiểu mẫu” được lựa chọn trao giải nhất, nhì, ba và khuyến khích; 15 giải cho Hội Làm vườn và Trang trại cấp huyện xuất sắc trong tổ chức cuộc thi ở cơ sở…
Tổng kinh phí được ngân sách tỉnh hỗ trợ là 179 triệu đồng. Ban Tổ chức cuộc thi đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ để nâng cao giá trị giải thưởng.
Sau khi triển khai ở cấp huyện, cuộc thi cấp tỉnh sẽ diễn ra theo 3 vòng, trong đó: vòng 1 sẽ chấm theo hồ sơ và hình ảnh; vòng 2 chấm điểm trên thực địa; vòng 3, chủ vườn và chủ trang trại sẽ thuyết trình về các nội dung liên quan.
Thời gian triển khai trong năm 2022, trong đó vòng 1 dự kiến trước 30/10, vòng 2 trước 30/11 và vòng 3 trước 20/12.
Khuyến khích cải tạo vườn tạp
Bước chân vào khu vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Quen, thôn Tứ Luyện, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa), chúng tôi cảm nhận được sự đầu tư, tâm huyết của gia đình. Từ cổng vào là hàng đậu leo trĩu quả được trồng dọc theo con đường bê tông dẫn vào sân nhà; kế bên là vườn cây bưởi, đu đủ, ổi xanh tốt...; bên dưới hàng cây ăn quả là rau ngót, mồng tơi tạo thảm xanh mướt; cuối cùng của khu vườn là dãy chuồng trại chăn nuôi gà... Tất cả được ông Quen phân khu gọn gàng, đẹp mắt, giữa các khu có đường bê tông sạch sẽ, hệ thống nước tưới trải rộng khắp khu vườn.
Ông Quen cho biết: Gia đình có 1.200m2 vườn, trước đây là vườn tạp hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2020, khi xã Hoằng Đạo triển khai xây dựng vườn mẫu để hoàn thiện tiêu chí Vườn hộ trong xây dựng xã NTM nâng cao, gia đình đăng ký tham gia. Khu vườn trồng bưởi Diễn từ năm 2015, khi thực hiện xây dựng vườn mẫu, gia đình xây dựng đường đi lối lại, lắp hệ thống tưới tự động và đưa thêm một số loại cây ăn quả phù hợp và có giá trị kinh tế vào trồng xen với các loại rau. Đến nay, gia đình có trên 20 gốc bưởi, hàng chục cây ổi, 20 gốc đu đủ, chưa kể các loại rau. Tổng doanh thu hằng năm đạt khoảng 120 triệu đồng.
Phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu trên địa bàn xã Hoằng Đạo đã thu hút 56 hội viên tham gia, với khoảng 20 ha vườn mẫu trồng các loại cây ăn quả, như: bưởi Diễn, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ... Bình quân khoảng 700m2/vườn, thu nhập đạt 100 triệu đồng/vườn/năm trở lên.
Theo khảo sát sơ bộ, toàn huyện Hoằng Hoá có 15.395 vườn hộ với tổng diện tích 468,29 ha; trong đó, số vườn có diện tích từ 500m2 trở lên là 1.686 vườn; số vườn có diện tích 50 - 500m2 là 10.434 vườn; vườn có diện tích dưới 50m2 là 3.275 vườn. Đến cuối năm 2021, 100% số vườn tại các xã, thị trấn đạt tiêu chí sạch sẽ, gọn gàng tiến tới đẹp và hiệu quả; mỗi xã, thị trấn có 1 thôn, tổ dân phố hoàn thành cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu gắn với xây dựng thôn, tổ dân phố kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 30% số vườn hộ đạt tiêu chí vườn mẫu theo quy định của tỉnh và huyện; có 100% số thôn, tổ dân phố hoàn thành cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu gắn với xây dựng thôn, tổ dân phố kiểu mẫu.
Hỗ trợ làm vườn mẫu
Tại huyện Đông Sơn, bên cạnh việc phát động phong trào xây dựng vườn mẫu, UBND huyện còn thực hiện chính sách hỗ trợ 15 triệu đồng đối với vườn mẫu có quy mô từ 500m2 trở lên. Các vườn có quy mô từ 300 đến dưới 500m2 được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách xã, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/vườn để khuyến khích và đẩy mạnh phong trào.
Ông Lê Văn Hùng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Sơn, cho biết: Để nhân rộng mô hình vườn mẫu, từ năm 2021, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án cải tạo vườn hộ trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện áp chỉ tiêu đối với các xã về đích NTM nâng cao phải thực hiện chỉnh trang 70% vườn hộ, trong đó xây dựng 50% vườn mẫu. Đối với các xã về đích NTM kiểu mẫu, phải thực hiện chỉnh trang 100% vườn hộ, xây dựng 100% vườn mẫu.
Nhờ đó, với tổng số 7.212 vườn hộ trên toàn huyện, sau thời gian ngắn triển khai, nhân dân đã thực hiện cải tạo 2.227 vườn hộ và xây dựng được 408 vườn mẫu. Ngoài tạo cảnh quan đẹp, việc cải tạo, chỉnh trang, xây dựng khiến hiệu quả kinh tế của các vườn mẫu được nâng lên rõ rệt. Đối với vườn có quy mô từ 500m2 đến dưới 1.000m2, doanh thu đạt 50 - 100 triệu đồng/năm, lợi nhuận 25 - 50 triệu đồng/năm. Vườn có quy mô từ 300m2 đến dưới 500m2, doanh thu đạt 30 - 50 triệu đồng/năm, lợi nhuận 15 - 25 triệu đồng/năm.
Xây dựng vườn mẫu gắn với tiêu chí NTM
Theo thống kê của Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện triển khai, phát động phong trào xây dựng vườn mẫu gắn với thực hiện các tiêu chí NTM. Qua đó, đã cải tạo được khoảng 4.000 vườn tạp, mang lại thu nhập cho các hộ dân khu vực nông thôn.
Một số địa phương điển hình xây dựng được nhiều khu vườn mẫu chất lượng, như: huyện Như Thanh triển khai cải tạo 142 vườn tạp thành vườn mẫu có diện tích từ 500m2 trở lên/vườn; huyện Như Xuân cải tạo 45,4 ha vườn tạp để trồng cây ăn quả và xây dựng được 54 vườn mẫu...
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng vườn mẫu gắn với thực hiện xây dựng NTM, ngành Nông nghiệp đang từng bước đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của kinh tế vườn; các địa phương đã và đang hỗ trợ, hướng dẫn các hộ cải tạo đất, xây dựng vườn mẫu khoa học, phù hợp với quy hoạch tổng thể.
Bên cạnh đó, định hướng cho người dân sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, đảm bảo năng suất, chất lượng cao, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.