Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 10 năm 2021 | 9:55

Để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19: Nhà vườn Sóc Trăng liên kết tiêu thụ sản phẩm

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết các nhà vườn, ảnh hưởng đến thu nhập và làm giảm động lực trong việc tái sản xuất cho mùa vụ tiếp theo.

Giá trái cây xuống thấp, lợi nhuận thu về không đáng kể, kèm theo đó là giá phân bón tăng, một số loại phân bón chuyên dùng trên cây trồng không có để mua, chắc chắn sẽ làm giảm năng suất trong quá trình xử lý cây cho trái… Đó là tâm sự chung của nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái ở Sóc Trăng khi gặp gỡ, trao đổi cùng chúng tôi.

 

nv-copy.JPG
Nhà vườn ở huyện Kế Sách thu hoạch bưởi da xanh. Ảnh: NT

 

Giảm giá

Là nhà vườn trồng nhiều loại cây ăn trái, anh Tô Văn Nghĩa (ấp Số 1, xã Đại Hải, huyện Kế Sách) bộc bạch: “Với giá bán các loại trái cây gồm: bưởi, cam sành tại vườn như hiện nay (giảm hơn 50%) thì nhà vườn không có lời, bởi chi phí vật tư đầu vào tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước”.

Anh Nghĩa có 5ha trồng bưởi da xanh và cam sành, trong đó có 2,5ha bưởi, cam đã cho thu hoạch trong nhiều năm, sản lượng hơn 120 tấn trái/năm.

Theo anh Nghĩa, bưởi da xanh năm rồi có giá bán 18.000 - 30.000 đồng/kg, cam sành 8.000 - 20.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Hiện tại, giá bưởi da xanh loại nhất bán tại vườn là 12.000 - 13.000 đồng/kg (trái 1,2kg trở lên), loại nhì 6.000 - 7.000 đồng/kg (trái 800g - 1kg). Còn cam sành thương lái mua xô 5.000 đồng/kg và dự đoán giá sẽ tiếp tục giảm mạnh, bởi cam đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, trong khi thị trường tiêu thụ hạn chế và việc lưu thông khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

“Nếu như năm 2020, vườn bưởi da xanh và cam sành của gia đình cho thu 500 triệu đồng, thì năm nay không thu lợi nhuận. Vì vậy, tôi đang phân vân khi đầu tư cho vụ tiếp theo…”, anh Nghĩa chia sẻ thêm.

Cũng là người có kinh nghiệm làm vườn, ông Phạm Hoàng Lương (ấp Hòa Phú, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách)  bộc bạch: “Đây là năm đầu tiên tôi bán chôm chôm có giá giảm sâu như thế trong hơn 7 năm qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19. Với 12 công (1 công = 1.000m2) chôm chôm Java và chôm chôm Thái, sản lượng khoảng 16 tấn trái/năm, trong vụ chôm chôm vừa qua, vườn thu hoạch ngay lúc thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên giá bán là 6.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước; còn chôm chôm Thái giá bán tại vườn 15.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 18.000 đồng/kg.

So với vụ chôm chôm năm 2020, vụ 2021 sản lượng trái đạt năng suất cao hơn, do thời tiết thuận lợi, tuy nhiên, giá bán thấp kèm giá vật tư đầu vào tăng cao nên gia đình thất thu hơn 200 triệu đồng. Hiện tại, tôi đang chuẩn bị sửa sang lại vườn, chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo nhưng một số loại phân bón chuyên dùng xử lý ra đọt chôm chôm mua không có hàng, đang lo lắng nếu tình trạng không có phân bón trên thì vụ mùa tới sản lượng trái sẽ giảm rất nhiều…”.

Liên kết để tiêu thụ

Thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến nhà vườn và các hợp tác xã (HTX). Ông Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX Cây ăn trái Trường Phát (xã Phú Hữu, huyện Long Phú), cho biết, thuận lợi của HTX là có liên kết với công ty tiêu thụ nên đầu ra của trái bưởi khá ổn định, nhưng giá bán không tốt như thời điểm bình thường. Theo đó, giá bưởi giảm 50% và giá nhãn giảm hơn 50% so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, để giảm áp lực cho công ty thu mua sản lượng bưởi lớn trong tình hình tiêu thụ khó khăn, HTX ngoài bán cho công ty, còn bán bưởi thông qua hình thức online và lượng bưởi bán online khá tốt, người tiêu dùng tin tưởng bởi khâu sản xuất đạt tiêu chuẩn, chất lượng thơm ngon.

Theo tính toán của nhiều thành viên HTX, trong mùa vụ trái cây 2021 không có lợi nhuận, do giá trái cây giảm và giá vật tư nông nghiệp tăng. Do đó, HTX đề xuất bộ, ngành liên quan hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vựa thu mua trái cây trong quá trình hoạt động, để họ phân phối hàng hóa giữa các địa phương, có như thế thì trái cây của hộ dân tiêu thụ thuận lợi hơn, có giá bán tốt hơn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp…

Sóc Trăng hiện có hơn 27.700ha cây ăn trái với đa dạng các loại trái cây đặc sản như: bưởi, cam, quýt, sầu riêng, vú sữa, nhãn, chôm chôm, xoài... Tỉnh đã xây dựng 76 mã vùng trồng cho các loại cây ăn trái vú sữa, xoài, nhãn, bưởi… với diện tích 438ha và có 4 công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ trái cây các loại như: vú sữa, xoài, bưởi, nhãn để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, sản lượng hàng trăm tấn/năm. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các HTX được doanh nghiệp liên kết bao tiêu giá bán theo đúng hợp đồng. Riêng với người dân bán bên ngoài, giá các loại trái cây đều giảm so cùng kỳ năm trước từ 40 - 50%.

Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trần Vĩnh Nghi khuyến cáo, trong mùa vụ tiếp theo, nhà vườn nên áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây ăn trái, nhằm giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cây ăn trái sau thu hoạch; thường xuyên cắt tỉa cành tạo tán, tạo độ thông thoáng cho cây phát triển. Chi cục sẽ tiếp tục xây dựng vùng trồng, khuyến cáo nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… và kết nối doanh nghiệp tiêu thụ cây ăn trái cho nhà vườn.

 

 

 

Thúy Liễu
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top