Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 12:48

Để mắc ca Việt thực sự là “nữ hoàng” quả khô

Để mắc ca thực sự là “nữ hoàng” quả khô, thành cây “tỷ đô”, còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi chính quyền các cấp, ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân, DN sản xuất - kinh doanh mắc ca bền vững.

Mục tiêu của Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đề án phấn đấu sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó, tỷ lệ sản phẩm mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.

Tuy nhiên, để mắc ca thực sự là “nữ hoàng” quả khô, thành cây “tỷ đô”, còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi chính quyền các cấp, ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh mắc ca bền vững.

Bài 1: Thị trường, lợi thế, lợi ích và khó khăn

Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cả nước hiện có 29 tỉnh trồng mắc ca với diện tích hơn 20.000ha, sản lượng năm 2021 đạt hơn 8.800 tấn hạt nguyên vỏ. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu mắc ca đạt 59,6 triệu USD với khối lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn mắc ca nguyên vỏ. Hiện, sản phẩm này được xuất sang hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Mắc ca là loại quả có thị trường tiêu thụ khá lớn, Việt Nam lại là vùng đất có điều kiện tự nhiên để phát triển loại cây trồng này.

Thị trường rộng mở

Theo đánh giá của các chuyên gia, hạt quả khô là ngành kinh tế rất lớn của thế giới. Trong đó, quả mắc ca chỉ chiếm 2% tổng sản lượng hạt quả khô, nhưng sản lượng tiêu thụ đang tăng đều hàng năm.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết, ngay sau tổ chức buổi lễ ra mắt Hiệp hội Mắc ca thế giới (WMO) và tham dự Hội nghị Hạt và quả khô quốc tế (INC World) lần thứ 39 diễn ra hồi tháng 5 vừa qua tại Dubai (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), Hiệp hội đã họp và thống nhất sẽ cùng nhau đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá mắc ca trên toàn thế giới nhằm gia tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ loại cây này.

 

2.jpg
Nhiều người dân đến thăm, học hỏi cách làm tại vườn cây giống mắc ca tại xã Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La.

 

Cũng theo ông Huy, tham dự các hoạt động của WMO, INC World là cơ hội để Hiệp hội gặp gỡ, giao thương với các đối tác, bạn hàng trong lĩnh vực hạt - quả khô nói chung và hạt mắc ca nói riêng, nhằm tăng cường tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng trên thế giới.

Đặc biệt, trong chuyến công tác này, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã làm việc với các doanh nghiệp lớn tại Dubai về tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mắc ca của Việt Nam vào thị trường Trung Đông.

Hiện nay, trên thế giới có gần 100 triệu người sử dụng nhân mắc ca hàng ngày. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca của thế giới ngày càng tăng, dự báo đến năm 2030 cần khoảng 214.100 tấn nhân (tương đương 850.000 tấn hạt tươi). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhu cầu mắc ca thế giới hiện cao gấp 4 lần tổng sản lượng.

Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với các thị trường nhập khẩu lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Hà Lan… với thuế nhập khẩu đối với hạt mắc ca giảm về 0%, đây là cơ sở quan trọng đảm bảo đầu ra để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca.

Mắc ca được mệnh danh là “nữ hoàng” quả khô vì giàu chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Sản phẩm từ mắc ca khá đa dạng, như: bánh kẹo, socola mắc ca, tinh dầu mắc ca, mỹ phẩm mắc ca, dầu gội mắc ca, sữa hạt mắc ca…, có giá trị kinh tế khá cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, nhu cầu về nhân hạt mắc ca trên thế giới đang gia tăng hằng năm và giá hạt mắc ca trong 10 năm qua liên tục tăng. Tuy vậy, sản lượng mắc ca mới chỉ chiếm 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt trên thế giới, điều này cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường cho hạt mắc ca còn rất lớn. Mắc ca của Việt Nam đã được xuất sang 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan, Đức, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan, Hoa Kỳ…

Mục tiêu XK đưa ra trong Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đều tính toán dựa trên giá thành hiện tại, giá thành tiềm năng cũng như diện tích mắc ca đã trồng, diện tích mắc ca quy hoạch… Ví dụ, đến năm 2030, sẽ có khoảng 70.000-80.000 ha mắc ca đến tuổi khai thác với sản lượng khoảng 3 tấn hạt/ha/năm; khi đưa vào chế biến, nhân mắc ca có giá thành khoảng 3 USD/kg. Với các ước tính sơ bộ như vậy cùng sự quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, mục tiêu XK mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030 và khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050 được đặt ra trong Đề án hoàn toàn khả thi.

 

4.jpg
Với những điều kiện ở trong nước, mục tiêu XK mắc ca đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2050 hoàn toàn khả thi.

 

Lợi thế nhiều mặt

Mắc ca được trồng ở Việt Nam từ năm 1990. Đến nay, diện tích đạt 20.000 ha, tập trung tại 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, sản lượng năm 2021 đạt hơn 8.8000 tấn hạt tươi.

Trước hết là lợi thế về chiến lược. Ngày 15/3/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 344/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là cơ sở quan trọng để đưa mắc ca Việt lên tầm cao mới. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối HTX, tổ hợp tác... Các nhà khoa học hỗ trợ các địa phương nghiên cứu vùng trồng thích hợp cho từng giống, chuyển giao KHCN từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến. Theo định hướng, quy mô diện tích trồng phấn đấu tổng diện tích mắc ca cả nước đạt 130.000 - 150.000ha vào năm 2030, tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (75.000 - 95.000ha), vùng Tây Nguyên (khoảng 45.000 ha) và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca (khoảng 10.000 ha), được Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương xác định quy mô và địa điểm cụ thể trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường.

Thế hai là tiềm năng, lợi thế về sự đồng thuận của các địa phương. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả phát triển mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, sẽ định hướng cụ thể về quy mô diện tích và vùng trồng mắc ca đến năm 2050, phấn đấu đạt khoảng 250.000ha.

Lâm Đồng là địa phương có nhiều kinh nghiệm từ việc trồng xen mắc ca trong rẫy cà phê và chè. Sau 15 năm phát triển, Lâm Đồng đang bước vào giai đoạn phát triển mới của cây mắc ca theo chiều sâu, đồng thời hướng tới 15.000ha mắc ca vào năm 2045. Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Tường Vi chia sẻ: Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Ban chỉ đạo phát triển cây mắc ca do một Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Từ năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Hiện tại, toàn tỉnh phát triển được hơn 6.800ha mắc ca. Lâm Đồng khuyến khích bà con nông dân trồng xen mắc ca trong rẫy cà phê và rẫy chè, vừa tạo cây che bóng, nâng cao năng suất, chất lượng cho cà phê và chè, vừa có thêm nguồn thu nhập trong thời điểm cà phê xuống thấp. 

Thứ ba là lợi thế về diện tích có thể trồng mắc ca. Qua khảo sát của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình hiện có tới hơn 2,7 triệu hecta đất lâm nghiệp, trong đó 1,7 triệu hecta đất có rừng và còn khoảng 1 triệu hecta đất chưa có rừng hoặc rừng nghèo kiệt. Thực hiện mục tiêu kép trồng mắc ca tập trung xen lẫn với cây rừng, vừa phát triển kinh tế, vừa hưởng ứng kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, các tỉnh Tây Bắc đang tích cực triển khai trồng mắc ca theo quy hoạch, định hướng phù hợp.

Ông Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, đánh giá, mắc ca là cây có khả năng chịu được khí hậu khắc nghiệt, chịu hạn, ít sâu bệnh. Do đó, có thể phát triển cả trồng thuần loài hoặc trồng xen. Sau 5-6 năm trồng, mắc ca sẽ cho thu hoạch; năng suất quả tươi ước khoảng 8 tấn/ha/năm. Mắc ca là cây lâm nghiệp đa giá trị, có vòng đời khai thác lâu dài nên có thể phát triển thành cây trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao, chống sự xói mòn của đất và phát triển hiệu quả một số loại cây khác dưới tán rừng. Cây mắc ca không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà có thể làm giàu.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội mắc ca Việt Nam Huỳnh Ngọc Huy cho biết, khí hậu ở Tây Bắc rất thích hợp cho việc phát triển mắc ca, mùa khô ở đây ngắn và không quá khắc nghiệt, ngay trong mùa khô thỉnh thoảng vẫn có mưa và độ ẩm trong không khí khá cao nên giúp cây vẫn có thể phát triển. Hiện, 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên vẫn còn nhiều đất trống, đồi trọc và đất rừng sản xuất phù hợp để tăng diện tích trồng mắc ca.

Khác với Tây Nguyên, Tây Bắc chưa có được bộ cây trồng lâu năm như sầu riêng, tiêu, điều, cà phê… và đặc biệt hệ thống logistics tại khu vực này chưa phát triển nên việc phát triển cây mắc ca ở Tây Bắc là rất phù hợp, hy vọng cây mắc ca sẽ giúp nâng cao đời sống cho người dân cũng như làm cho Tây Bắc phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai gần.

Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư 10 dự án trồng mắc ca của 9 doanh nghiệp với quy mô  62.782ha. Đến nay, diện tích đã trồng ước đạt hơn 3.500ha, trong đó có khoảng 3.000ha trồng thuần và gần 600ha trồng xen với cây trồng khác. Phần lớn diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh do các doanh nghiệp đầu tư. Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết, tỉnh đã ban hành các kế hoạch về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó xác định mắc ca là cây đa mục đích, phù hợp với điều kiện tự nhiên, cần tập trung nguồn lực cho đầu tư, phát triển.

Lai Châu đã trồng hơn 5.400ha mắc ca, trong đó, trồng thuần 3.500ha và trồng xen canh 1.880ha. Theo Nguyễn Trọng Lịch, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lai Châu, năm 2022, trên địa bàn tỉnh thực hiện trồng mới khoảng 1.000ha cây mắc ca. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích cây mắc ca theo hướng hàng hóa tập trung với quy mô đạt khoảng 35.000ha vào năm 2030 và khoảng 80.000ha vào năm 2050.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết, qua rà soát quỹ đất lâm nghiệp không có rừng quy hoạch là đất rừng sản xuất giao cho cộng đồng sử dụng kém hiệu quả còn 11.869ha và khoảng 23.300ha cà phê, chè có thể trồng xen mắc ca. Năm 2021, tỉnh đã cấp chủ trương chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty cổ phần Mắc ca Liên Việt Sơn La trồng 2.900ha tại huyện Sốp Cộp. Hiện nay, công ty đang tiến hành trồng mắc ca. Sơn La mong muốn khi phát triển đủ diện tích, đủ sản lượng thì Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ đặt nhà máy chế biến mắc ca tại Sơn La. Việc làm này sẽ góp phần ổn định khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca.

Cây làm giàu

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) đầu tư phát triển mạnh cây mắc ca. Loại cây trồng này không chỉ giúp tăng độ bao phủ rừng mà thực tế đã chứng minh là đối tượng có thể giúp  nông dân ở những vùng đồi núi, vùng sâu, vùng xa có thể có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ông Dương Văn Minh (ở thôn 7B, Ea Hiao) trồng xen khoảng 5.500 cây mắc ca trong vườn cà phê được gần 4 năm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Minh cho biết, cây mắc ca phát triển tương đối ổn định và  bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2021. Mỗi cây cho thu khoảng 4kg hạt khô. Sản phẩm được gia đình ông sấy khô, đóng gói gửi đi các tỉnh thành với giá bán dao động 170.000 - 250.000 đồng/kg.

Huyện Tuy Đức(Đắk Nông) có khoảng 1.500 ha mắc ca. Sau 12 năm phát triển, cây mắc ca phù hợp với điều kiện, khí hậu địa phương, nhiều giống đã cho thu hoạch 2 vụ, giúp đồng bào địa phương làm giàu, có nguồn thu nhập ổn định. Anh Điểu Khánh  ở bon Bu Prăng, xã Quảng Trực là điển hình về làm giàu từ cây trồng này. Năm 2010, nhận thấy cây mắc ca là cây có thể trồng xen trong rẫy cà phê mà hiệu quả kinh tế cao nên anh đã mạnh dạn mua 200 cây về trồng. Cây mắc ca vừa làm cây che bóng cho cà phê, vừa không tốn nhiều công chăm sóc, phân bón trong khi hiệu quả mang lại rất lớn. Với 200 cây mắc ca cho thu hoạch được hơn 1 tấn quả mỗi vụ, bán với giá 90.000 - 120.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu hoạch 2 vụ, có thu khoảng 200 triệu đồng.

 

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết: Hiện, sản lượng mắc ca trên toàn thế giới mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/năm.

Theo dự báo của Hiệp hội Quả khô thế giới (INC), đến năm 2030, lượng cung hạt mắc ca mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ. Quy mô ngành hàng mắc ca ở Việt Nam chưa lớn, đây chính là cơ hội để Việt Nam đi theo cách làm bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng manh mún, tự phát như một số nông sản khác.

 

Xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ, Điện Biên) hiện có nhiều hộ tham gia trồng và làm giàu từ mắc ca, điển hình như gia đình chị Đào Thị Lan. Chị Lan cho biết, gia đình trồng hơn 10 ha mắc ca, đến nay đang vào vụ thu hoạch thứ 5. Năm 2021 sản lượng đạt hơn 20 tấn quả tươi, những tháng đầu năm nay thu hoạch gần 20 tấn quả. Gia đình đầu tư máy sấy khô, các thiết bị chế biến quả để đóng gói thành phẩm bán ra thị trường.

Với giá 60.000-70.000 đồng/kg quả tươi và 300.000-400.000 đồng/kg quả sấy khô, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chi Lan thu lãi 300-400 triệu đồng. Nhiều năm trở lại đây, mặc dù dịch bệnh nhưng việc tiêu thụ quả mắc ca của gia đình vẫn thuận lợi.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT thành phố Điện Biên Phủ, thành phố có hơn 200 ha mắc ca, trong đó, gần 30 ha đã cho thu hoạch. Hiện, trên địa bàn có Công ty cổ phần Mắc ca Điện Biên đang hoạt động hiệu quả với sự tham gia liên kết của hàng trăm hộ dân. Ngoài gia đình chị Lan, hiện đã có nhiều hộ gia đình tham gia vào các dự án trồng mắc ca. Các hộ gia đình trồng cây mắc ca đều có thu nhập tốt, kinh tế ổn định, không chỉ xóa đói, giảm nghèo, một số gia đình đã làm giàu từ cây trồng này.

Về hiệu quả của cây mắc ca, theo Nguyễn Thành Đồng, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), hiện nay, tại một số xã, bản của huyện, nhiều hộ gia đình đã thu hoạch mắc ca 2-5 vụ. Với giá bán 50.000-60.000 đồng/kg quả tươi, nhiều hộ có diện tích 5-10ha có thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng/năm. Mắc ca thực sự đã mang lại sự thay đổi lớn về đời sống kinh tế, xã hội cho bà con. Địa phương xác định, mắc ca là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc mà còn trở thành cây làm giàu của nhiều hộ gia đình.

Sơn La là địa phương có tiềm năng để phát triển nhiều loại cây ăn quả, trong đó có mắc ca. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 670ha  mắc ca. Riêng tại huyện Mai Sơn, cây mắc ca được trồng từ năm 2012, đến nay đã có hơn 150ha. Sản lượng thu được trung bình 5-7 tấn quả tươi/ha/năm, giá bán trung bình 40.000-60.000 đồng/kg, bước đầu cho thu nhập 100-150 triệu đồng/ha/năm.

Ông Dương Văn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La, chia sẻ, mắc ca là cây trồng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các xã vùng cao, biên giới. Đây cũng là một cây trồng không chịu áp lực về thời vụ; thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Năm 2021, Công ty đã xuất ra thị trường gần 20 tấn hạt mắc ca thành phẩm, doanh thu gần 4 tỷ đồng.

Không ít khó khăn

Mặc dù có nhiều lợi thế, tiềm năng nhưng khoảng 5-7 năm phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, thấy cũng còn không ít khó khăn trở ngại, cả thách thức. Cụ thể: công tác quản lý giống chưa được quan tâm đúng mức nên giống kém chất lượng còn nhiều. Thứ hai, các giống mắc ca khác nhau cần điều kiện khác nhau nhưng người trồng chưa nắm được. Thứ ba, giá cây giống còn cao mà việc tiếp cận tín dụng không dễ dàng. Thứ tư, chưa địa phương nào có quy hoạch từng vùng cho từng giống măc ca. Thứ năm, cần cơ chế thống nhất về việc chuyển đất rừng nghèo kiệt, rừng sản xuất sang trồng mắc ca. Thứ sáu, cần có chính sách đặc thù để doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn. Thứ bảy là việc hỗ trợ nghiên cứu thị trường, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật...

 

Bài 2: Điều kiện cần và đủ để mắc ca là cây tỷ đô

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top