Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 10 năm 2020 | 14:13

Hãy là người làm vườn thân thiện với khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, đang đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.

 

t43.jpg
Mô hình sản xuất của Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình (TP. Rạch Giá - Kiên Giang). Ảnh: Vũ Sinh

 

Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng khoảng 2,30C và mực nước biển đã dâng thêm khoảng 20cm. Ước tính, đến cuối thế kỷ 21, so với thời kỳ 1980-1999, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm trên 30C, lượng mưa hàng năm tăng khoảng 10- 15% và mực nước biển có thể dâng thêm 73cm, cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, ngập úng, hạn hán kéo dài… (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016).

Các biểu hiện của BĐKH như nhiệt độ trung bình tăng, mặn xâm nhập, lũ lụt, hạn hán kéo dài, thời tiết cực đoan, dịch hại... đang hiện hữu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp, trong đó có nghề làm vườn.

Dự báo xu hướng tác động của BĐKH đến nghề làm vườn và cần phải làm gì để thích ứng với BĐKH đang là mối quan tâm của người làm vườn trên toàn thế giới và tại Việt Nam.

Tác động của BĐKH đến cây trồng và nghề làm vườn

Cho đến nay, đa số các nhà khoa học và các chuyên gia làm vườn trên thế giới đã đưa ra một số nhận định chính và dự báo về xu hướng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cây trồng và nghề làm vườn như sau:

Thứ nhất, các biểu hiện của BĐKH có ảnh hưởng đáng kể nhất đến cây trồng và nghề làm vườn là: sự nóng lên toàn cầu; nước tưới bị nhiễm mặn ở các vùng ven biển; nồng độ CO2 tăng trong khí quyển; cường độ thoát hơi nước và độ ẩm không khí tăng; lượng mưa phân bố không đều và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão gió, hạn hán, ngập lụt kéo dài. BĐKH chắc chắn sẽ có tác động đáng kể đến nghề làm vườn. Người làm vườn tại nhiều nước trên thế giới đều có thể cảm nhận được tác động của BĐKH đối với cây trồng của mình.

Thứ hai, sự nóng lên của trái đất làm thay đổi quy luật sinh trưởng, phát triển của cây trồng, đặc biệt là những cây ăn quả dài ngày. Nhiệt độ trung bình mùa đông cao hơn cùng những cơn mưa trái mùa làm cho cây ra lộc, ra hoa sớm. Tuy nhiên, những ngày ấm áp lại xen kẽ với những ngày thời tiết lạnh bất thường sẽ ảnh hưởng bất lợi tới quá trình thụ phấn, tạo quả và giảm năng suất cây trồng.

 

t44.jpg
Che phủ đất vườn - biện pháp vàng rất đơn giản và hữu ích trong làm vườn.

 

Thứ ba, trong điều kiện BĐKH, nhờ khả năng thích ứng cao hơn, sâu bệnh, cỏ dại sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với cây trồng. Nồng độ CO2 tăng trong khí quyển cũng thuận lợi hơn cho sự phát triển, quang hợp và tăng lượng sinh khối của cỏ dại, có thể dẫn tới việc cỏ dại lấn át cây trồng trong vườn. Nhiệt độ, ẩm độ tăng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và bùng phát dịch của nhiều loại sâu bệnh hại trên các vườn cây. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như ngập úng, hạn hán kéo dài, giông bão… làm cho sức đề kháng cây yếu đi, dễ bị nhiễm sâu bệnh, đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho nhiều loài dịch hại lây lan từ nơi này sang nơi khác trên quy mô rộng.

Thứ tư, hiệu lực sinh học của nhiều hoạt chất thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) sẽ giảm khi nhiệt độ tăng, cường độ bốc hơi nước cao và thuốc bị phân hủy nhanh dưới tác động của nhiệt độ, ánh sáng cùng với hiện tượng rửa trôi khi mưa nhiều. Nhiều chuyên gia dự báo, trong những năm tới, lượng thuốc BVTV được sử dụng trong trồng trọt trên thế giới nói chung vẫn sẽ có xu hướng tăng. Tính kháng thuốc của nhiều loài sinh vật hại cây trồng cũng có xu hướng gia tăng. Do đó, sâu bệnh và cỏ dại sẽ là thách thức không nhỏ đối với người làm vườn trong điều kiện BĐKH.

Tuy nhiên, con người có khả năng chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động bất lợi của BĐKH đối với cây trồng bằng cách quản lý và điều khiển hệ sinh thái nông nghiệp theo hướng có lợi cho cây trồng. Nếu biết cách ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thân thiện môi trường thì người làm vườn hoàn toàn có khả năng giảm thiểu hoặc “vô hiệu hóa” các tác động bất lợi của BĐKH.

Giải pháp thích ứng

Giải pháp chủ động nhất hiện nay để người làm vườn vừa thích ứng với BĐKH vừa góp phần ngăn chặn các nguyên nhân thúc đẩy BĐKH là : “Hãy là người làm vườn thân thiện với khí hậu”. Đây là khẩu hiệu được Hội Làm vườn của nhiều nước trên thế giới đưa ra để định hướng cho người làm vườn thực hiện thông qua hành động thực tiễn của mình trong điều kiện BĐKH.

Người làm vườn thân thiện với khí hậu (Climate- friendly Gardener) là người thực hành các kỹ thuật làm vườn không những chỉ thích ứng một cách thông minh với BĐKH mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính- một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy BĐKH. Để trở thành người làm vườn thân thiện với khí hậu, ngoài việc có nhận thức đúng về BĐKH cần có hiểu biết và ứng dụng tốt 5 biện pháp kỹ thuật cơ bản sau:

Một là, tự sản xuất và tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Đây là biện pháp vừa tận dụng được tất cả các chất thải hữu cơ trong quá trình sản xuất, tiêu dùng, vừa chủ động tạo nguồn phân bón cho cây trồng, góp phần tái tạo chất dinh dưỡng trong đất,  hạn chế sử dụng phân hóa học, giảm chi phí đầu vào của sản xuất, bảo vệ đất và bảo vệ môi trường. Trong mỗi vườn cây nên dành một góc vườn để làm phân hữu cơ với kỹ thuật rất đơn giản nhưng rất hiệu quả. Sử dụng một số chế phẩm vi sinh giúp quá trình ủ phân nhanh hơn và chất lượng cao hơn. Người làm vườn cũng chính là người biết làm phân hữu cơ giỏi. Phân hữu cơ làm cho đất tốt hơn, cây khỏe hơn và chống chịu tốt hơn đối với sâu bệnh và các điều kiện bất thuận.

 

t45.jpg

Chăm sóc xoài tại HTX nông nghiệp hữu cơ Chiềng Xuân (Vân Hồ - Sơn La). Ảnh: Lê Quang Quyết.

 

Hai là, che phủ đất vườn: Có hai cách làm chính là, che phủ bằng tàn dư thực vật như: rơm, rạ, cỏ, lá thân đậu… hoặc che phủ bằng thảm thực vật như: lạc dại, hàn the ba lá, muồng lá tròn kép, đậu mèo, đậu công, cốt khí… 

Đây được coi là biện pháp vàng trong nghề làm vườn với rất nhiều lợi ích như:

  • Đa dạng hóa các loại cây trồng, tăng cường đa dạng sinh học, từ đó làm phong phú điều kiện sinh thái, hạn chế được các loại sâu hại và dịch bệnh.
  • Là nơi trú ẩn của một số loại sinh vật, côn trùng có lợi cho đất và cây trồng.
  • Tăng lượng cacbon và nitơ trong đất.
  • Chống xói mòn.
  • Giúp cây phát triển hệ rễ tốt hơn và có lợi cho quá trình hấp thụ dinh dưỡng.
  • Hạn chế sự phát triển của cỏ dại.
  • Tăng thu nhập từ các cây trồng phụ.
  • Cung cấp cho đất lượng phân bón hữu cơ tự nhiên bằng rễ, xác bã thực vật.
  • Hạn chế bốc hơi bề mặt, giữ ẩm cho đất.

Theo kết quả nghiên cứu trên thế giới, việc che phủ bằng tàn dư thực vật giúp năng suất tăng từ 18 – 50%. Đối với đất đồi trọc, đất có độ dốc cao, trồng cây che phủ có tác dụng giảm 73-94% mức độ xói mòn do mưa, độ ẩm đất và độ xốp đất cải thiện lần lượt là 6% và 9,3% sau 3 năm trồng. Việc trồng thảm thực vật nên chọn cây đa tác dụng (che phủ kín, hạn chế côn trùng, …), sinh trưởng nhanh, sinh khối lớn, có bộ rễ khỏe và quan trọng là dễ kiểm soát. 

Ba là, quản lý, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả bằng các biện pháp đào ao, làm bể thu gom, giữ nước mưa, nước ngọt để sử dụng trong thời gian khô hạn hoặc nguồn nước tưới bị nhiễm mặn, đồng thời áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước kết hợp các biện pháp giữ ẩm đất. Trong điều kiện BĐKH, nước đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn đối với nghề làm vườn. Quản lý nước tốt là một trong những bí quyết thành công của người làm vườn.

Bốn là, chọn cây trồng thích ứng với điều kiện địa phương, đặc biệt là khi trồng các cây lâu năm. Nên chọn các giống cây bản địa, hoặc các giống cây có gốc ghép là các giống cây bản địa để có tính thích ứng cao, chống chịu các điều kiện bất thuận tốt hơn.

Năm là, bảo vệ đa dạng sinh học và thiên địch tự nhiên bằng cách sử dụng các biện pháp chủ động “phòng là chính” và khi cần thiết nên sử dụng thuốc sinh học thay thế thuốc hóa học.  Khi bắt buộc phải sử dụng thuốc hóa học nên chọn các thuốc có tính chọn lọc để ít ảnh hưởng đến côn trùng có ích. Quản lý dịch hại trên nền tảng sinh học (Biological- based IPM) được coi chiến lược cơ bản trong công tác bảo vệ thực vật của nghề làm vườn.

Người làm vườn cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa các tác động bất lợi của BĐKH đến sự sống trên trái đất. Làm vườn là trồng cây xanh, trong đó có nhiều loại cây lâu năm. Quá trình quang hợp của cây hấp thụ khí CO2, đồng thời nhả khí O2 và hơi nước giúp điều hòa không khí, giảm phát thải khí nhà kính, đem lại không khí trong lành, góp phần làm giảm tình trạng nóng lên của trái đất. Nghề làm vườn góp phần tạo thảm thực vật xanh để bảo vệ đất, chống xói mòn, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo nơi trú ngụ và phát triển của rất nhiều loài sinh vật hoang dã trong tự nhiên.

Các nhà khoa học Hoa Kỳ ước tính, nếu mỗi hộ gia đình của nước này chỉ cần trồng thêm một cây bóng mát trong sân, vườn nhà hoặc nơi công cộng thì nước Mỹ sẽ có thêm ít nhất 85 triệu cây xanh giúp hấp thụ khoảng 2 triệu tấn CO2 mỗi năm. Cây xanh, đặc biệt là các khu vườn ở thành phố giúp giảm đáng kể lượng điện năng để làm mát nhà cửa và giúp giảm hiệu ứng đô thị trong mùa nóng.

Tại Vương quốc Anh, các chuyên gia cho rằng chỉ cần tăng diện tích cây xanh thêm 10% thì nước này có thể “vô hiệu hóa” tác động bất lợi của BĐKH có thể xảy ra trong vòng 50 năm tới..

 

PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top