Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 7 năm 2017 | 9:31

Biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên: Người làm nông rát mặt

Biến đổi khí hậu với những nghịch lý dị thường đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp ở vùng Tây Nguyên: Năm ngoái hạn hán khốc liệt giữa mùa mưa; Năm nay lại mưa dầm lê thê giữa mùa khô. Sự biến đổi thất thường này đã gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Nông dân canh tác các loại cây cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng… như đang đánh bạc với trời. Vườn hồ tiêu, sầu riêng đang xanh tốt bỗng nhiên đổ bệnh và chết hàng loạt; hầu hết các vườn bơ, rẫy điều vừa trổ hoa đã gặp đợt mưa dầm trái mùa nên không hề đậu quả. 

Những cơn mưa không được mong đợi

Thời tiết bất thường đã xuất hiện ngay từ đầu năm nay, với những cơn mưa dầm trong mùa khô Tây Nguyên. Mưa đã gây thiệt hại trên diện rộng đối với hầu hết các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, bơ, sầu riêng và cả các loại cây trồng ngắn ngày khác cũng bị ảnh hưởng. Biểu hiện rõ nét nhất là hàng nghìn ha hồ tiêu ở các huyện phía Nam của tỉnh Đắk Lắk bị chết.

bien doi khi hau o tay nguyen khien nguoi lam nong rat mat hinh 1
Lần đầu tiên xuất hiện dịch nấm phytophthora khiến hàng trăm ha sầu riêng bị chết.

Xót xa với vườn hồ tiêu 700 trụ đang trong thời kỳ thu hoạch bị lụi tàn, anh Đào Xuân Hùng ở thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar cho hay, mưa đã khiến hơn 500 trụ hồ tiêu đang sinh trưởng tốt bị chết.

“Mưa xong nắng lên hồ tiêu càng chết nhiều. Diện tích hồ tiêu còn lại đang tiếp tục úa vàng lá, khi tiêu đã úa vàng lá là nó sẽ chết. Từ khi trời mưa nhiều, gia đình đã đầu từ quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật để cứu chữa diện tích hồ tiêu còn lại nhưng  không thành”, anh Hùng xót xa.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn 1, xã Ea Lai, huyện M'Đrắk thì thiệt hại cả tỷ đồng vì vườn hồ tiêu bị xóa sổ sau đợt mưa dai dẳng, trái mùa.

“Mưa nhiều và kéo dài khiến bao nhiêu tiêu trồng chết hết, thiệt hại lên tới cả tỷ đồng. Nếu sau này vay thêm được vốn đầu tư sản xuất, gia đình sẽ không làm tiêu mà sẽ chuyển sang trồng bơ, sầu riêng hoặc các loại cây ăn quả khác”, chị Tâm tiếc nuối.

Mặc dù chị Tâm dự định chuyển sang trồng cây ăn quả. Nhưng chị cũng không ngờ rằng, chính những người trồng cây ăn quả ở Tây Nguyên cũng bị thất thu bởi những cơn mưa trái mùa này. Điển hình là vườn bơ 3 ha của gia đình ông Bành Việt Tùng ở thôn 4, xã Ea Kpam, huyện Chư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm đạt sản lượng 15 tấn, bán trên 1 tỷ đồng nhưng năm nay cũng không có thu hoạch.

“Năm ngoái thời tiết nắng hạn, năm nay lại mưa sớm đầu mùa, mà bơ BOOTH lại không chịu được sự thay đổi thất thường của thời tiết. Bơ đang trổ bông hễ gặp mưa sẽ hỏng hết bông nên những ai trồng bơ năm nay dính mưa đều bị thất thu”, ông Tùng cho biết.

Côn trùng rất lạ, nấm bệnh bùng phát

Không chỉ cây bơ mà gần 500 ha sầu riêng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng bị ảnh hưởng đợt mưa trái mùa, trong đó hơn 150 ha đã chết. Hơn 30 năm trồng sâu riêng, đây là lần đầu tiên chứng kiến hiện tượng lạ khiến ông Hoàng Viết Hiển ở thị trấn Phước An vô cùng lo lắng.

“Sầu riêng gặp mưa trái mùa đầu tiên sẽ bị héo lá non đầu ngọn, sau đó cứ héo dần xuống cành và lan ra thân khiến cây rụng hết lá. Mấy lần các gia đình đã mời kỹ sư về đổ thuốc dưới gốc, phun thuốc trên lá nhưng cứu vãn được. Tình trạng này khiến năm nay gia đình thiệt hại nặng, vì với 76 cây sầu riêng, năm ngoái gia đình thu hơn 40 tấn quả, bán được hơn 1 tỷ đồng”, ông Hiển chia sẻ.

Điều là cây dễ thích ứng với sự biến đổi khí hậu, nhưng năm nay toàn vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ đều bị mất mùa. Tỉnh Đắk Nông có hơn 1.500 ha điều, nhưng năng suất chỉ bằng 1/3 so với niên vụ trước.

Nguyên nhân là đang trong mùa khô, cây điều đang ra hoa thì gặp mưa khiến tỷ lệ đậu quả thấp. Tại 3 huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, bọ xít muỗi bùng phát, dịch bệnh thán thư hành hoành khiến hàng nghìn ha điều bị khô cháy, thiệt hại khoảng 850 tỷ đồng.

bien doi khi hau o tay nguyen khien nguoi lam nong rat mat hinh 2
Nhiều vườn bơ thất thu tiền tỷ vì mưa giữa mùa khô khiến cây không đậu quả.

Nhìn vườn điều 3 ha xác xơ, tàn lụi, bà Lê Thị Kim Lan ở thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai than thở: “Gia đình vừa đầu tư, vừa chăm sóc dọn dẹp cây vườn điều theo đúng kỹ thuật để đảm bảo cho cây đỡ sâu bệnh, nhưng không hiểu do thiên tai hay là do bệnh tự phát mà hiện tại điều chết từ cành xuống thân”.

Ngay ở thành phố Đà Lạt - vùng khí hậu lý tưởng để trồng các loại rau, hoa, củ quả, những năm gần đây liên tục xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Nổi tiếng là xứ lạnh, mát mẻ quanh năm, nhưng Đà Lạt giờ đây nhiệt độ có khi tăng vọt lên 27 độ. Mưa đá, lũ quét và nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng bùng phát.

Ông Lê Quốc Dũng ở phường 7, thành phố Đà Lạt cho biết, vì đã sống ở Đà Lạt trên 40 năm, ông thấy sự biến đổi khí hậu rất đã ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm nông nghiệp, nhất là khi mưa quá nhiều và nắng ngày càng gay gắt.

“Tháng 6 này Đà Lạt chẳng khác gì xứ nóng nên gia đình phải dùng quạt. Có những thời điểm trong năm lại phải tìm từng giọt nước để cứu cây rau, nhưng khi cứu được thì lại gặp trận mưa lớn, mưa đá nó vùi dập. Gần đây xuất hiện những loại côn trùng rất lạ và các loại nấm bệnh mà các nhà khoa học nói đây là do thời tiết”, ông Dũng chia sẻ.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan, trái ngược với quy luật được cho là biến đổi khí hậu, là thiên tai. Nhưng đây là hệ quả tất yếu, là cái giá phải trả bởi hàng chục năm qua môi trường sinh thái của vùng Tây Nguyên đã bị phá vỡ, huỷ diệt do sự khai thác một cách vô tội vạ, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không hề cân nhắc đến bảo vệ môi trường./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top