Thời gian qua, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp đã đảm nhiệm tốt vai trò kết nối chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp đến với nông dân, hội viên thông qua các buổi sinh hoạt của Hội quán.
Từ đó, góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, giúp nông dân, hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Phát huy vai trò của Hội
Đồng Tháp hiện có hơn 100 Hội quán, thành viên chủ yếu là nông dân sản xuất lúa, trồng hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi... Đáng chú ý, đa số thành viên Hội quán cũng chính là hội viên của Hội Làm vườn các cấp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Hội quán ở các huyện có nhiều diện tích trồng cây ăn trái như: Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò, thành phố Cao Lãnh,...
Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp, cho biết, hiện có 35 cán bộ Hội Làm vườn cấp cơ sở (Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội) giữ vai trò là Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Hội quán.
Chính vì vậy, các hoạt động hỗ trợ thành viên Hội quán tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất, kết nối tiêu thụ, phát triển kinh tế vườn, thực hiện hiệu quả các mô hình VAC... cũng chính là thực hiện chức năng hỗ trợ hội viên của Hội Làm vườn các cấp.
Ông Trương Ngọc Bé (phường 6, thành phố Cao Lãnh) trước đây là Phó chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp, khi Tân Tâm Hội quán được thành lập (tháng 3/2018), ông được bầu làm Chủ nhiệm.
Theo ông Bé, kinh nghiệm của người làm vườn và kinh nghiệm của cán bộ Hội Làm vườn đã giúp ông rất nhiều trong điều hành sinh hoạt của Hội quán, trong đó có việc kết nối các chương trình hỗ trợ nông dân của Hội Làm vườn với Hội quán.
Thành viên Tân Tâm Hội quán chủ yếu là nhà vườn chuyên trồng xoài, vì vậy, hằng tháng vào mỗi kỳ sinh hoạt, ông Bé đều chọn những chuyên đề liên quan đến kỹ thuật sản xuất xoài sao cho hiệu quả, nhất là sản xuất đảm bảo an toàn, liên kết tiêu thụ đầu ra với doanh nghiệp.
Theo thống kê của Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2017 đến nay, Ban Chấp hành tỉnh Hội đã thực hiện 42 cuộc toạ đàm trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bình quân mỗi cuộc có khoảng 30 thành viên tham gia.
Các buổi tọa đàm đã giúp cho bà con nông dân ở các Hội quán nắm được quy trình sản xuất trái cây theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP; biết cách tham gia xây dựng mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc. Quan trọng hơn là kết nối được với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như: cung ứng vật tư nông nghiệp, bao trái, thu mua trái cây...
"Khi nông dân sản xuất theo quy trình an toàn thì sản phẩm sẽ được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có liên kết tiêu thụ trái cây với nông dân như: Công ty Kim Nhung, Công ty Nông sản huyện Cao Lãnh, Công ty Song Nhi, Công ty Long Uyên, Công ty Chánh Thu, Công ty Cát Tường...", ông Tâm nói.
Hiện nay, mặt hàng trái cây của Đồng Tháp (xoài, nhãn) đạt yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Mỹ; nhiều loại trái cây khác được đưa vào tiêu thụ ở các siêu thị lớn trên cả nước.
Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế vườn
Ngoài ra, từ chương trình của Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đồng Tháp và HD Bank Chi nhánh thành phố Cao Lãnh hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế vườn, làm hầm Biogas (khoảng 600 hầm) cho hội viên với tổng số tiền vay gần 30 tỷ đồng.
Nhờ có hầm biogas, vệ sinh môi trường chăn nuôi nông thôn được đảm bảo, góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành tiêu chí số 17 về Môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp không nằm trong số những Hội có tính đặc thù của tỉnh nên không được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động. Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay trong hoạt động của Hội Làm vườn các cấp trên địa bàn.
Tuy nhiên, với quyết tâm và mong muốn hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế vườn, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp sẽ thay đổi phương thức hoạt động, đề xuất hợp nhất Hội Làm vườn và Hội Sinh vật cảnh; đẩy mạnh việc đăng ký thực hiện các nhiệm vụ, đề tài Nhà nước giao để đảm bảo kinh phí hoạt động..
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.