Để hỗ trợ người dân trồng cây mắc ca, huyện Đắk Tô (Kon Tum) đã có một số cơ chế để kích cầu.
Mắc ca “níu” chân người
Ông Nguyễn Văn Quyết (thôn 3, xã Kon Đào, huyện Đắk Tô) cho biết, ông quê ở Ba Vì (Hà Nội), thời trai trẻ có nhiều năm gắn liền với các công trình thuỷ điện ở Tây Nguyên như: Yaly (Gia Lai), Vĩnh Sơn (Bình Định). Vì vậy, năm 2015, khi đã được nghỉ hưu ra Bắc, gặp lại một số người bạn làm ở ngành nông nghiệp, nghe giới thiệu về cây mắc ca, ông liền quay vào Tây Nguyên để tìm hiểu, và quyết định trồng 1.000 cây.
Hiện, trong vườn của ông đã có những giống như: QN1, 842, 849, 816,246, là những giống rất thích hợp với vùng đất Tây Nguyên. Do vậy, cây phát triển khoẻ, ít sâu bệnh, đặc biệt, năm thứ 3-4 đã có quả bói.
Năm 2020, sau 5 năm, vườn mắc ca đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, với sản lượng đạt 4 tấn quả tươi. Giá hạt mắc ca tại vườn 100.000 đồng/kg, thu về 400 triệu đồng/năm.
Mắc ca càng lớn tuổi, càng cho sản lượng cao, do vậy, dự kiến, vụ thứ 2, năm 2021, sẽ thu 8 tấn qủa tươi, gấp đôi năm 2020, giá cả dự kiến vẫn bình ổn như cũ.
“Thực tế cho thấy, cây mắc ca phù hợp với Kon Tum và Tây Nguyên, ngoài ra, nó là cây rừng, dễ chăm sóc. Vì vậy, nơi nào trồng được cà phê thì trồng được mắc ca.
Song, phải có đủ 4 điều kiện như: nguồn nước tưới, đất tương đối bằng phẳng; độ dốc vừa phải và khuất gió; nhiệt độ lúc ra hoa dưới 18 độ C, hoặc dao động từ 16 – 20 độ C là tốt nhất”, ông Quyết cho biết thêm.
Anh Dương Văn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Mắc ca HD, cho biết, ngoài vườn ươm cây giống 7,5 ha, Công ty còn có 300 cây mắc ca, 6 năm tuổi, đang cho thu hoạch tốt. Năm 2021, đã thu được gần 2 tấn quả, với giá thành 100 triệu đồng/tấn.
“Ngoài ra, Công ty còn có 2 vườn mắc ca sắp cho thu hoạch, mỗi vườn 10 ha, năm 2021 đã bắt đầu bói quả. Cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng Kon Tum, ít sâu bọ, chịu hạn tốt. Cũng như người dân Kon Tum, Công ty của anh đã được huyện Đắk Tô hỗ trợ kinh phí mua máy sấy, máy tách vỏ mắc ca trên 100 triệu đồng”, anh Ngọc cho biết thêm.
Chính quyền song hành cùng người dân
Trao đổi với chúng tôi, ông Tưởng Văn Khanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Tô, cho biết: “Năm 2012, huyện đã hỗ trợ bà con cây giống mắc ca để trồng khảo nghiệm. Qua theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca, cùng với các Hội thảo của Hiệp hội Mắc ca tại địa phương thấy đây là cây trồng phù hợp với địa bàn Đắk Tô.
Theo đó, tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có gần 80ha mắc ca, riêng năm 2020 trồng mới gần 30ha. Cây giống do Công ty CP Dương Gia Kon Tum cung cấp, đồng thời, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.
Từ thực tế trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum và huyện Đắk Tô xác định, sẽ phát triển mắc ca thành cây trồng chính trong những năm tới, dự kiến khoảng 2.000ha, trong đó riêng Đắk Tô 500 ha.
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện sẽ có cơ chế lồng ghép tất cả các nguồn vốn, từ các chương trình, dự án và nguồn ngân sách huyện, để tập trung hỗ trợ người dân hiệu quả hơn.
Đặc biệt, đối với hộ nghèo, ngân sách huyện sẽ hỗ trợ 100% giống; đồng bào DTTS hỗ trợ 70% giống, các đối tượng còn lại hỗ trợ 50%. Ngoài ra, để phát triển cây trồng nói chung, mắc ca nói riêng, huyện khuyến cáo người dân nên liên kết chuỗi sản xuất, thành lập HTX , tổ hợp tác, để hình thành vùng sản xuất mắc ca tập trung theo hướng bền vững.
Ngoài ra, ngân sách huyện còn hỗ trợ phát triển theo vùng, chứng nhận vùng sản xuất mắc ca, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Song song với đó, huyện còn tuyên truyền các chủ thể, phát triển sản phẩm mác ca theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện, đã có mắc ca OCOP 3 sao của Công ty CP Dương Gia Kon Tum, huyện sẽ hỗ trợ máy móc để phục vụ chế biến.
Tuy nhiên, cũng theo ông Khanh: “Khó khăn nhất của huyện là vùng đồng bào DTTS, huyện sẽ bố trí cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc, thu hoạch cây mắc ca. Phối hợp với Công ty Dương Gia tổ chức các buổi tập huấn trực tiếp cho bà con. Tính đến nay, toàn huyện đã có 9 hội thảo cấp xã và 1 hội thảo cấp huyện.
Song song với các công việc trên, bố trí cho bà con tiếp tục trồng mắc ca theo kế hoạch năm 2021, đồng thời, tổ chức cho các hộ tham quan mô hình tại vườn ông Quyết.
Để người dân yên tâm sản xuất, huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”; tuyên truyền bà con phòng chống dịch Covid -19, tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế nhằm đáp ứng mục tiêu vừa sản xuất hiệu quả, vừa an toàn dịch bệnh.
Hy vọng, với nỗ lực của người dân, chính quyền, nhất là sự tham gia của đồng bào DTTS, chắc chắn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Đắk Tô ngày càng được nâng cao.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)