Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 11 năm 2021 | 11:58

Hội Làm vườn Việt Nam cùng hội viên thích ứng với “bình thường mới”

Do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cấp hội, hội viên gặp nhiều khó khăn.

Để thúc đẩy kết nối giữa hội viên, nông dân, HTX nhằm quảng bá sản phẩm rau, củ, quả theo nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, Thường trực Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam dự kiến tổ chức 1 hội thảo/quý theo hình thức trực tuyến trên phạm vi cả nước vào năm 2022.

Chủ động thích ứng

Chủ tịch HLV tỉnh Bình Định Lê Thị Kim Mai cho biết, những tháng qua, vượt qua khó khăn do phải thực hiện giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19, tỉnh Hội vẫn nắm tình hình sản xuất của hội viên, đồng thời tư vấn cho hội viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh đối với cây trồng thông qua mạng xã hội.

Những tháng cuối năm, Hội sẽ chủ động, tích cực đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên khai thác sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực gia đình về đất đai, lao động, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất; vận động hội viên làm kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hàng hoá an toàn, từng bước mở rộng nông nghiệp hữu cơ, kết nối sản xuất với thị trường đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ, thúc đẩy mối liên kết giữa người làm vườn với hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp, xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản phẩm nghề làm vườn.

 

01.jpg
Mô hình trồng cam Vinh tại xã Tân Long (Đồng Hỷ - Thái Nguyên).

 

Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch HLV Thái Nguyên, chia sẻ, 6 tháng đầu năm, HLV tỉnh đã trồng mới 2.100 cây ăn quả (mít Thái, hồng xiêm, xoài) tại 3 xã Yên Ninh (Phú Lương), Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), Nam Hòa (Đồng Hỷ). Phát phân bón  hữu cơ cho các hộ tham gia chương trình trồng mới cây ăn quả, tổng số phân bón phát cho các hộ là 7 tấn.

HLV tỉnh cũng triển khai 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả cho 210 hội viên. Ngoài ra, huyện Đại Từ mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 2.370 lượt  hội viên; huyện Võ Nhai mở 3 lớp tập huấn cho 125 hội viên tham gia…

Qua 6 tháng đầu năm, Hội đã đạt được kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động giao lưu, tập huấn bị trì hoãn nên bà Dung đề nghị Trung ương Hội có phương án sinh hoạt Hội phù hợp với tình hình mới, giúp kết nối hội viên với nhau.

Còn nhiều tồn tại

Phó Chủ tịch HLV Bắc Giang Ngô Văn Hiếu đánh giá, không chỉ HLV Bắc Giang mà hầu hết các Hội thành viên của HLV Việt Nam, công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa được rộng khắp. Việc phát động thi đua ở các cấp Hội còn hạn chế. Chất lượng hoạt động nhìn chung chưa cao, một số nơi còn mang tính hình thức. Chế độ sinh hoạt, hội họp, thông tin 2 chiều chưa được tốt.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chất lượng một số loại nông sản còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ chủ yếu là hộ gia đình, chi phí sản xuất cao dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp. Công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn thiếu, phần lớn ở dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng thấp; thị trường tiêu thụ bấp bênh, không ổn định. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế dẫn đến liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn khó khăn.

Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, rủi ro cao, hiệu quả và lợi nhuận thấp hơn các ngành khác.

Do dịch bệnh covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách, cách ly xã hội nên sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, nhất là khâu thu mua, lưu thông, tiêu thụ nông sản, nguồn lao động khan hiếm... thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá cả bấp bênh.    

Thay đổi để thích ứng với “bình thường mới”

Hội nghị BCH HLV Việt Nam lần thứ 2 (khoá VII) diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để giảm thiểu việc giao tiếp trực tiếp và giảm chi phí đi lại, nên được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Trước khi diễn ra hội nghị, Thường trực Hội, Văn phòng Hội đã thành lập nhóm Zalo làm kênh chia sẻ thông tin, báo cáo, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Đây được đánh giá là cách làm linh hoạt.

Hoạt động nổi bật của HLV Việt Nam trong hơn 30 năm qua là tập huấn kỹ thuật. Trước đây, việc tập huấn được tổ chức trực tiếp tại cơ sở. Nay, do tình hình dịch  Covid-19, để thích ứng với bình thường mới, chúng ta phải có cách làm mới để vẫn đảm bảo phòng dịch nhưng vẫn làm tròn nhiệm vụ của tổ chức Hội.

Từ đó kinh nghiệm cuộc họp BCH vừa qua, PGS. TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch HLV Việt Nam, cho biết, để thực hiện nhiệm vụ, tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các thành viên, Ban Chấp hành Hội, hội viên tổ chức và tổ chức trực thuộc Hội, từ năm 2022, Thường trực HLV Việt Nam dự kiến  tổ chức 1 hội thảo/quý theo hình thức trực tuyến trên phạm vi cả nước.

Chủ đề các hội thảo dự kiến theo chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế VAC (quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kinh nghiệm quốc tế, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế VAC (vườn VietGAP, vườn hữu cơ, vườn đô thị, vườn kiểu mẫu…) gắn với xây dựng nông thôn mới. Diễn giả hội thảo là các chuyên gia, các thành viên của Hội có mô hình kinh tế VAC hiệu quả, trường hợp cần thiết sẽ mời chuyên gia bên ngoài.

Với việc tổ chức các hội thảo này, Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng hy vọng, hội viên dù không thể gặp gỡ trực tiếp vẫn có thể giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Điểm sáng Bắc Ninh

Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh là điển hình trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triểu kinh tế.

Theo ông Nguyễn Xuân Vững, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh,  trong tháng 10, Hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại.

Ông Vững chia sẻ về một điển hình vượt khó khăn, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông kể, vùng đất bãi ven sông Đuống thuộc thôn Trại Than, xã Cao Đức (Gia Bình) trước kia hầu hết là diện tích đun đốt lò gạch thủ công, giờ đây tất cả được chuyển đổi thành các mô hình trồng trọt và chăn nuôi đem lại hiệu quả cao, thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha mỗi năm. Một trong những người tiên phong làm đổi thay vùng đất phục hóa này là vợ chồng ông Trần Văn Hải - bà Vũ Thị Thuận. Gia đình ông Hải đấu thầu 12ha (thời gian 20 năm) đất bãi ven sông, là diện tích lò gạch thủ công trước đây của xã, quy hoạch 8 ha xây dựng trang trại VAC tổng hợp, còn lại 4 ha cho người dân Hải Dương thuê lại để trồng màu”.

Ban đầu gia đình ông Hải chỉ tập trung trồng chuối và ngô, sau 2 năm nhận thấy hiệu quả 2 cây trồng này không cao, chuyển đổi sang nuôi trồng các cây, con có giá trị kinh tế cao hơn. Nói là làm, trên diện tích đã quy hoạch, ông dành hơn 4ha trồng các loại cây ăn quả và rau màu như: Thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, cà rốt, dưa hấu, dưa lê… 3ha nuôi cá, xây dựng chuồng trại nuôi 10 con trâu nái, 60 con trâu thương phẩm.

 

11032020-copy.JPG
Khu trồng cà chua sạch của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tổng hợp Cao Sơn tại thôn Đoài, xã Tam Giang (Yên Phong – Bắc Ninh).

 

Đáp lại nỗi vất vả, sau bao năm dày công cải tạo, san lấp mặt bằng, kéo đường điện, xây lắp hệ thống cung cấp nước tưới, đến nay gia đình ông thu mùa quả ngọt. Trung bình mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn cá, 50 tấn cà rốt. Riêng thanh long ruột đỏ năng suất đạt khoảng 20-25 tạ/sào/năm, giá bán khoảng 15.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi sào thanh long thu về khoảng 40-50 triệu đồng (tương đương 1,25 tỷ đồng/ha).

Hết vụ này, ông Hải chuyển sang trồng cà rốt đông, quỹ đất không ngừng nghỉ, vụ nọ gối vụ kia, màu xanh trù phú cứ thay nhau đơm hoa kết trái. Trừ chi phí, trang trại cho thu lãi 700-800 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Thời gian tới, ông Hải tiếp tục duy trì trồng các cây màu có giá trị kinh tế cao; trồng thêm 2.000 cây thanh long ruột đỏ và tăng đàn trâu lên 100 con. 

“Tôi rất vui vì Hội  luôn song hành cùng  hội viên, từng bước xây dựng thành công những mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững”, ông Vững nhấn mạnh.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top