Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 5 năm 2021 | 15:13

Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh gắn công tác phòng dịch với phát triển kinh tế VAC

Ngoài việc tuyên truyền cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh còn kêu gọi các trang trại, doanh nghiệp, hội viên chung tay ủng hộ công tác phòng dịch tổng trị giá 500 triệu đồng.


dich-benh.jpg
Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh kêu gọi các trang trại, doanh nghiệp, hội viên chung tay ủng hộ công tác phòng dịch tổng trị giá lên tới 500 triệu đồng.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng dịch Covid-19

Ông Nguyễn Xuân Vững, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh (thành viên Hội Làm vườn Việt Nam), cho biết, trong tháng 5/2021, các cấp Hội đã tổ chức 16 cuộc họp với 1.598 lượt hội viên tham gia, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tuyên truyền và phát động phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc.

Tuyên truyền Nghị quyết 06 và Nghị quyết 07 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về Quy định hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Cùng với đó, tuyên truyền giúp hội viên hiểu và thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy Bắc Ninh về “Bắc Ninh nói không với thực phẩm bẩn” và “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”.

Đặc biệt, tỉnh Hội đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh, Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 15/CT-TTg của Chính phủ, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Theo ông Nguyễn Xuân Vững, không dừng lại ở việc tuyên truyền công tác phòng dịch Covid-19, Hội còn còn tuyên truyền, vận động hội viên, chủ trang trại, doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ công tác phòng dịch. Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm như: gạo, khẩu trang, rau - củ - quả, trứng, tiền mặt… đã được Hội vận động ủng hộ với tổng giá trị 500 triệu đồng. Cùng với đó, Hội đã liên kết, giúp các chủ trang trại, các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX tìm mối tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Thời gian qua, Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh cùng các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thi đua sản xuất VAC giỏi, đã có nhiều mô hình sản xuất đạt thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Điển hình như ông Đào Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Môi Trường và Công Nghệ Xanh Việt mạnh dạn thuê lại khoảng 3,1 ha đất lúa kém hiệu quả ở phường Đình Bảng (TX Từ Sơn) cải tạo, sản xuất rau sạch, hình thành khu nghiên cứu công nghệ và thực nghiệm trồng rau chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn Organic.

Đầu năm 2017, khu trang trại chính thức đi vào hoạt động với khu nhà lưới rộng 4.000m2, chủ yếu trồng rau, cà chua, dưa chuột có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Hà Lan và các loại rau mầm theo công nghệ Israel cùng quy trình tưới, bón phân nhỏ giọt.

Toàn bộ diện tích phía ngoài nhà lưới được trồng rau cải ăn lá, bí đỏ, đậu côve, cà chua, su hào, súp lơ… theo đúng quy trình an toàn, có đánh số luống, ngày làm đất, gieo hạt, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, ngày thu hoạch cụ thể… Giờ đây, không chỉ nâng cao giá trị sản xuất cho chính doanh nghiệp mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

 Mô hình nuôi cá lồng của anh Nguyễn Xuân Đang ở Mão Điền (Thuận Thành) trở thành điểm sáng được nhiều người dân học tập. 

 

 

Mô hình nuôi cá lồng của anh Nguyễn Xuân Đang ở thôn Thụy Mão, xã Mão Điền (Thuận Thành) trở thành điểm sáng được nhiều người dân học tập. Đầu năm 2017, anh cùng một số người nuôi cá có kinh nghiệm thành lập HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh để khởi động thực hiện chứng nhận VietGAP. Hiện, HTX có 85 lồng nuôi các loại cá đặc sản như: lăng chấm, chép giòn, điêu hồng… với sản lượng đạt 500-600 tấn/năm.

Tháng 12/2017, HTX được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP và là một trong số những cơ sở thủy sản đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh có giấy chứng nhận này. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, cá ít bị dịch bệnh, hiệu quả mang lại cao, doanh thu của HTX lên tới hàng chục tỷ đồng/năm.

Giờ đây, phương thức và tư duy canh tác của nhiều hội viên Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, người dân đã thay đổi. Điển hình như ở phường Đình Bảng (TX Từ Sơn), trong số 400ha đất canh tác thì có tới 290 ha trồng các giống lúa nếp chất lượng cao như: nếp cái hoa vàng, nếp cái hoa trắng... Các giống cây trồng mới, tiến bộ kỹ thuật, sản xuất ứng dụng công nghệ cao như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt được nhiều nông dân mạnh dạn áp dụng, thử nghiệm.

Tiêu biểu là 75ha trồng hoa đào và các loại hoa cao cấp như: lily, lan của gia đình bà Thu Thủy (khu phố Hạ), ông Nguyễn Hữu Giang (thôn Đình)…; doanh thu mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Cùng với đó, phương thức chăn nuôi chuyển dịch từ tận dụng, nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp với hơn 70ha nuôi lợn, gà đẻ trứng,  vịt đẻ… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Vững  cho biết, thời gian tới, tỉnh Hội tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; giúp các chủ trang trại, các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX tiêu thụ nông sản. Xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội ở cấp cơ sở và cấp huyện, thị xã và thành phố. Phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phòng chống dịch bệnh trong đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi.

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top