Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 6 năm 2022 | 19:45

Hợp tác đưa nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại, các vật tư đạt chuẩn.

Mô hình này đang có xu hướng phát triển tại nhiều địa phương, nhưng để có sự bền vững, ổn định, cần sự chung tay, góp sức của cả Nhà nước, nhà sản xuất, các hội, hiệp hội…

Nhiều dư địa phát triển

NNHC là hệ thống sản xuất không sử dụng hoặc loại trừ các chất hoá học tổng hợp và vật liệu biến đổi gen trong các vật tư đầu vào, tạo điều kiện cho sự chuyển hoá khép kín vật chất trong hệ sinh thái nông nghiệp, chỉ được sử dụng vật tư được quy định của tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ.

 

8ff0ef8cde821ddc4493.jpg
Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam và Hội Làm vườn Việt Nam ký kết hợp tác “Đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn”.

 

Là nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển  NNHC. Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên việc sản xuất ra các loại sinh khối phục vụ cho sản xuất NNHC có thể được thực hiện khá nhanh, các chu trình chuyển hóa vật chất diễn ra với tốc độ cao, các chất hữu cơ cao phân tử sau một thời gian xử lý nhanh chóng trở thành các chất khoáng đơn giản cung cấp cho cây trồng.

Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Việt Nam còn nhiều nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất, chứa hàm lượng các chất khoáng tự nhiên cao, dồi dào. Nước ta có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hoá chất rất phù hợp cho nuôi ong, chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ. Ở Việt Nam, lịch sử canh tác hữu cơ đã hình thành từ lâu, nông nghiệp Việt Nam là ngành có lợi thế so sánh bởi tính đa dạng và quy mô sản lượng, nhiều loại nông sản có sản lượng hàng đầu thế giới, nhiều loại nông sản có nhiều tiềm năng.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, Bến Tre hiện là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất nước với hơn 3.000 ha, trong đó chủ yếu là trồng dừa hữu cơ. Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ nhiều nhất khu vực Nam Trung Bộ với gần 500ha cây ăn trái như nho, táo, trong đó có  285ha trồng nho theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, hiện đã có một số địa phương sản xuất nông nghiệp hữu cơ được tổ chức nước ngoài chứng nhận như: Lào Cai, Hà Giang (tổ chức chứng nhận ATC của Thái Lan; tiêu chuẩn EU, USDA của Mỹ); Cà Mau, Lâm Đồng (tổ chức chứng nhận Control Union của Hà Lan, tiêu chuẩn EU, USDA). Diện tích đã được các tổ chức nước ngoài chứng nhận trong cả nước đến nay là gần 1.000ha.

Huyện Lương Sơn (Hòa Bình) hiện có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 20,62ha, trong đó, diện tích được cấp PGS (chứng nhận bảo đảm sản phẩm được sản xuất theo đúng quy định của sản xuất hữu cơ Việt Nam) 17,85ha; diện tích đang trong thời gian chuyển đổi 2,76ha.

Những “điểm nghẽn”

Đánh giá về nền NNHC của Việt Nam hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, những năm gần đây, sản xuất NNHC  phát triển mạnh mẽ, nhất là trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản. Tuy vậy, nông sản của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước vẫn kém cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, nhiều loại sản phẩm chưa đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất NNHC hiện tại vẫn chủ yếu dừng lại ở quy mô và phạm vi nhỏ. 

Do năng suất chưa cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ NNHC thường cao gấp 2-4 lần bình thường; ngoài ra, trong nhiều trường hợp, sản phẩm có hình thức chưa đẹp, kém bắt mắt (ví dụ vẫn có một số đốm bệnh, vết sâu ăn trên sản phẩm…).

Nhận thức của người sản xuất về NNHC còn hạn chế, nguồn nhân lực và khuyến nông về sản xuất NNHC còn thấp. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn NNHC là một thách thức lớn.

Đồng hành sản xuất sản xuất NNHC, nông nghiệp tuần hoàn

Mới đây,  Hội Làm vườn Việt Nam và Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam ký kết hợp tác “Đồng hành sản xuất NNHC, nông nghiệp tuần hoàn”.

Theo nội dung ký kết, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam và Hội Làm vườn Việt Nam cùng thỏa thuận thực hiện hợp tác nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nền NNHC, nông nghiệp tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu..

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, sự hợp tác này là một cơ duyên tốt đẹp. VAC là hệ sinh thái nông nghiệp bền vững vì nó thỏa mãn yêu cầu của hệ sinh thái tuần hoàn, hữu cơ. Đây cũng là hệ nông nghiệp sinh thái phù hợp với kinh tế nông hộ đã tồn tại cả ngàn đời của nông dân Việt Nam.

“Thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề sản xuất NNHC, nông nghiệp tuần hoàn. Trong khi đó, Tập đoàn Quế Lâm đang là đơn vị có nhiều kinh nghiệm cũng như thành công trong việc sản xuất hữu cơ, trong đó có ngành trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản. Do vậy, việc bắt tay này cũng là giải pháp giúp hội viên của mỗi bên nâng cao tay nghề, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các nhà vườn làm mô hình về vườn hữu cơ, NNHC, nông nghiệp tuần hoàn các quy định về quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP, thị trường tiêu thụ”, ông Hồng chia sẻ.

Hội Làm vườn cũng cam kết thông qua các Hội thành viên cấp tỉnh sẽ giới thiệu với Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam một số hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nhà vườn là hội viên có khả năng và tự nguyện tham gia vào kế hoạch xây dựng các mô hình sản xuất NNHC, nông nghiệp tuần hoàn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, trong quá trình hợp tác, hai bên sẽ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.

Còn đối với Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, tiến hành khảo sát hiện trạng từng mô hình; đề xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật để hoàn thiện quy trình sản xuất và phương án tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao cho mỗi bên.

Qua đó, hai bên sẽ trao đổi thông tin, tuyên truyền về các mô hình, tiến bộ kỹ thuật NNHC, nông nghiệp tuần hoàn được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và nghề làm vườn; Phối hợp trong công tác vận động tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân, cộng đồng và toàn xã hội về phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; Phối hợp xây dựng các mô hình vườn hữu cơ, sản xuất NNHC, nông nghiệp tuần hoàn gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, khẳng định: Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, nhằm đạt được lợi ích kép về giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Chính vì thế, lần đầu tiên cụm từ “kinh tế tuần hoàn” được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với mục tiêu phát triển bền vững bằng việc tích cực thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên quy mô lớn trong 10 năm tới.

Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, Quế Lâm đang là điển hình tiêu biểu về phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, định hướng hữu cơ và kinh tế tuần hoàn, gắn liên kết với chuỗi giá trị mà Hội Làm vườn Việt Nam đang hướng đến. Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm rất hiệu quả và ngày càng có nhiều cơ quan quản lý, các địa phương hợp tác để nhân rộng. Đến nay, đã có 22 tỉnh, thành ký kết hợp tác với Tập đoàn nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp của địa phương phát triển theo xu hướng xanh và sạch.

Để phát triển NNHC một cách bền vững, ông Lam cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xác định rõ tiềm năng và dự báo được xu thế phát triển NNHC trên thế giới và ở nước ta, xác định vùng sản xuất chính, có lợi thế, sản phẩm chủ lực và thị trường cho sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Trên cơ sở đó, các địa phương quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước tại các vùng hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm để đáp ứng yêu cầu và phát huy thế mạnh sản xuất NNHC theo hướng hàng hóa. Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kể cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào cho NNHC.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top