Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 11 năm 2021 | 9:52

Khoa học công nghệ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản

Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng vào nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nhiều nhà vườn đã giàu lên từ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

1.jpg
Từ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho na ra trái vụ, rải vụ đã nâng cao được giá trị sản phẩm.

 

 Bắt na ra quả trái vụ

Những năm gần đây, sản phẩm na dai ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) trở nên quen thuộc với nhiều khách hàng. Khoảng 6 năm trở lại đây, nhiều hộ trồng na đã áp dụng kỹ thuật thụ phấn bổ sung và tỉa cành để cho thu hoạch 2 vụ/năm thay vì 1 vụ như trước. Việc nhà vườn áp dụng KHCN để kéo dài thời gian thu hoạch, đồng thời “bắt” na ra quả trái vụ đã nâng giá bán thêm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với chính vụ, tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.

Theo các chủ vườn, biện pháp để na ra trái vụ là cắt tỉa cành, giúp cây được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới, ra hoa. Khi nụ hoa hé mở có màu trắng thì tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi đậu quả, cắt bỏ quả lép, méo khoảng 2 đến 3 đợt/vụ. Thay vì dùng phân hoá học, bà con bón bằng phân hữu cơ, gồm phân trâu (hoặc phân gà) trộn lẫn tro rơm ủ hoai mục. Do trong tro rơm có nhiều kali nên quả ngọt, rất bền và cây khỏe mạnh, đủ dưỡng chất nên gần như không có sâu bệnh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc ở xã Huyền Sơn (Lục Nam) cho biết, trước đây, gia đình thuộc diện khó khăn trong làng, nhưng từ ngày trồng na, được tiếp cận KHCN hiện đại, chăm bón theo quy trình VietGAP, đã thoát nghèo, mỗi năm có thu hàng trăm triệu đồng.

Còn theo ông Phương Minh Hiến (xã Huyền Sơn), nhờ vận dụng những kinh nghiệm đúc kết được để chăm sóc, áp dụng KHKT vào tỉa cành, tạo tán và thụ phấn bổ sung cho na ra quả rải vụ mà mỗi năm gia đình có thu khoảng 200 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Thế Là, Giám đốc HTX Sản xuất na dai Lục Nam, cho biết, HTX có gần 50ha na, trong đó hơn một nửa là sản xuất theo quy trình VietGAP. Năm 2021, sản lượng chính vụ cho sản lượng 400 tấn, vụ na trái vụ cho thu khoảng 400 tấn, trong đó 60% sản lượng đã được đối tác thoả thuận, ứng tiền trước, với giá 35.000 đồng/kg. Việc áp dụng kỹ thuật cho na ra trái vụ đã giúp người trồng tăng được giá trị, giảm áp lực tiêu thụ cho chính vụ.

Huyện Lục Nam có hơn 1700ha na, trong đó có trên 100ha được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, diện tích sản xuất theo hướng VietGAP khoảng 1.050ha. Hiện, khoảng 80% diện tích được người dân tổ chức sản xuất rải vụ (áp dụng kỹ thuật tỉa cành, thụ phấn bổ sung). Điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và kéo dài thời vụ thu hoạch cho quả na từ tháng 7 - 12 hàng năm.

 

2.JPG
Hoà Bình được đánh giá là địa phương có trình độ thâm canh cây cam tốt, năng suất bình quân đạt khoảng 22 tấn/ha.

 

Tăng cường ứng dụng KHCN

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hoà Bình, cho biết, 6 tháng đầu năm, diện tích cây có múi tuy giảm 780 ha so với năm 2020 nhưng sản lượng tăng. Tỉnh cũng là một trong những địa phương được đánh giá có trình độ thâm canh cây cam tốt nhất, năng suất bình quân cây có múi đạt khoảng 22 tấn/ha, trong khi  bình quân cả nước chỉ đạt trên 10 tấn/ha. Sản lượng cam thu hoạch 6 tháng đầu năm đạt 22.163,5 tấn, sản lượng bưởi đạt 14.726 tấn; so với cùng kỳ năm 2020, sản lượng cam bằng 109,79%, bưởi bằng 113,32%.

Để đạt những kết quả trên, Hoà Bình đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương quan tâm nghiên cứu, chuyển giao biện pháp, kỹ thuật canh tác cho các cơ sở, HTX, hộ sản xuất nhằm cải tạo, phục hồi, nâng cao chất lượng mẫu mã quả, xây dựng thương hiệu… Thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”, ngành Nông nghiệp tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Hoà Bình đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh ứng dụng KHCN, tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh, đưa những bộ giống mới vào sản xuất. Cân đối lại các giống chín sớm, trung bình và chín muộn; đưa những giống ít và không hạt, có chất lượng tốt vào trồng rải vụ để đảm bảo nhóm giống chín muộn tăng lên, giảm biên độ nhóm chín trung bình nhằm đẩy giá thành chung của sản phẩm tăng lên.

Nổi bật trong việc ứng dụng KHCN trong nông nghiệp ở Hoà Bình thời gian qua là việc thực hiện các đề tài tại vùng cam Cao Phong như: phục tráng và xác định cây đầu dòng giống cam Xã Đoài, xây dựng quy trình thâm canh tổng hợp; xây dựng mô hình tưới nước bằng công nghệ Israel để tiếp kiệm nước, phân bón, tăng năng suất, chất lượng cam quả. Đến nay, huyện Cao Phong có trên 1.000ha với 759 hộ tham gia trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, 1.147ha được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

 

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay, các cấp Hội Làm vườn cần quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn để hội viên, người làm vườn chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Chúng ra phải đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó nâng cao năng suất nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, sơ chế bảo quản, làm được như vậy mới phát triển nghề vườn một cách bền vững.

 

Theo ông Hùng, thời gian tới, Hòa Bình sẽ triển khai kế hoạch và thực hiện những giải pháp cụ thể để nâng tầm chất lượng các sản phẩm từ cam Cao Phong, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường nông nghiệp sạch.

Tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp trực tuyến với chủ đề “Giải pháp ứng dụng KHCN nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế VAC” diễn ra mới đây, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đã đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững kinh tế vườn và VAC trong thời gian tới. Theo đó, cần tăng cường quản lý Nhà nước và hoàn thiện chính sách; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông và khuyến nông trong phát triển kinh tế vườn; xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các đối tác với vai trò nông cốt là các doanh nghiệp, các HTX và người sản xuất.

Đặc biệt, cần tăng cường nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào trong sản xuất. Các cơ quan nghiên cứu khoa học cần tập trung nghiên cứu, phát triển các giải pháp KHCN giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật cho nghề làm vườn, đặc biệt là các giống cây trồng mới chất lượng tốt, sạch sâu bệnh, các thuốc BVTV sinh học, các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, vi lượng phù hợp cho từng nhóm cây vườn…. 

“Nếu mô hình VAC của chúng ta được cập nhật tiến bộ kỹ thuật, được hoàn thiện thêm, được nâng tầm hơn nữa, sẽ góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp,  bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn hiệu quả nghề làm vườn và sản xuất nông nghiệp”, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhấn mạnh.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top