Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 2 năm 2017 | 12:25

Mai này vườn cò Bằng Lăng có còn tồn tại?

Tôi có nhiều người bạn ở Hà Nội, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh… mỗi lần đến thăm thú cảnh đẹp Cần Thơ đều yêu cầu được đưa đi tham quan chợ nổi Cái Răng hoặc vườn cò Bằng Lăng ở huyện Thốt Nốt. Vườn cò đã thành thương hiệu du lịch, nên mỗi lần đến đây, ai nấy đều háo hức. Bản thân tôi là dân “thổ địa”, từng đến đó nhiều lần nhưng có cùng tâm trạng ấy mỗi khi đưa bạn bè tham quan khu vườn độc đáo này.

Số lượng cò về vườn đang có dấu hiệu thưa dần.

Đất lành, cò… đậu

Từ TP.Cần Thơ, theo Quốc lộ 91 khoảng 60km là tới huyện Thốt Nốt, qua khỏi cầu Bằng Lăng quẹo trái chừng 2km nữa là tới vườn cò Bằng Lăng. Con đường này ngày trước chỉ có xe 2 bánh đi vào được. Nếu nước lớn thì đi bằng ghe, tàu; còn nước nhỏ không đi được bằng đường thủy có thể đi vào bằng xe gắn máy (ở đây luôn có đội ngũ xe ôm phục vụ bất kể nắng mưa). Đoạn đường đi vào hai bên là hai hàng tre xanh thẳm rợp bóng mát, vừa đi du khách vừa có thể vừa cảm nhận được không khí thanh bình và yên ả của miệt vườn sông nước.

Ở đây có nhiều loại cò như: cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Loại nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm, nặng đến 1,2kg. Giống cò ruồi lông trắng, mỏ vàng chân đen, mỗi con nặng chừng 400 - 500g; giống này chiếm khoảng 80%.

Chủ nhân của khu vườn độc đáo này là một nông dân Nam Bộ chính hiệu, ông Nguyễn Ngọc Thuyền, còn gọi là ông Bảy Cò. Gặp chúng tôi, ông Bảy Cò xởi lởi cho biết: “Khoảng tháng 1/1983, bỗng dưng một đàn cò ma - loại cò nhỏ, mình đen, cánh màu xám trắng tiệp với màu lá cây đông tới hàng trăm con bay về đậu kín một góc vườn. Ít lâu sau, chúng đột ngột bỏ đi cả đàn, phải đến gần một năm sau mới thấy quay trở lại và kéo theo đám bạn mới, tính ra đến gần chục loại cò với đủ các kích cỡ và số lượng ước tới cả chục nghìn con. Lần này, chúng định cư luôn tại đây và sinh sôi nảy nở ngày một đông. Cò đi kiếm ăn theo từng cặp, nhưng thường là đi theo đàn khoảng 100 - 200 con. Khu vườn này rộng hơn 15 công và tất cả những bụi tre, ô môi trong vườn từ lâu đã được cò xem là nhà”.

Phần lớn các loài cò trên tập trung đông đúc về vườn vào mùa sinh đẻ, từ tháng 8 đến tháng Giêng âm lịch năm sau; riêng cò ma tập trung về vườn làm tổ và đẻ trứng từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch.

Thời gian tham quan thích hợp nhất là 6-7 giờ sáng. Thời điểm này, du khách sẽ được ngắm từng đàn cò rời khỏi những ngọn cây bay trắng cả một vùng tỏa đi khắp nơi và đến chiều khoảng 17-18 giờ, chúng lại bay về tổ làm xáo động cả khu vườn.

Liệu còn vườn cò Bằng Lăng?

Bốn năm nay, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, con đường vào vườn cò Bằng Lăng được mở rộng, đổ bê tông phẳng lỳ, xe ô tô 7 chỗ ngồi có thể vào tới sân vườn cò, khách đến tham quan không còn phải cuốc bộ hay đi xe ôm như ngày trước. Nhờ vậy, du khách trong và ngoài nước cũng đến nhiều hơn.

Cò thành món nhậu.

Chúng tôi đến vườn cò vào một ngày đầu Xuân Đinh Dậu, gửi xe và uống ly nước mát ở quán nhậu Anh Thư đối diện vườn cò. Đây cũng là điểm bán vé tham quan, vé vào cổng cho khách trong nước với giá 10.000 đồng/lượt, khách nước ngoài 20.000 đồng/lượt. Quán có khoảng 30 bàn nhậu; ngày lễ, Tết hoặc cuối tuần lúc nào cũng đông kín khách.

Cô tiếp viên mau mắn lau bàn và đưa ra cuốn thực đơn có hơn chục món ăn toàn từ… cò, nào là cò nướng, cò rô ti, cò nấu cháo, cò xào xả ớt…, nhìn hoa cả mắt. Chúng tôi lân la hỏi chuyện, cô tiếp viên cho hay: “Quán này là của anh Ba Đỉnh, con trai thứ 3 của ông Bảy Cò. Những ngày đông khách, quán Anh Thư bán được trên 100 con cò các loại, đó là chưa tính số cò làm sẵn khách mua mang về nhà chế biến. Giá bán tại bàn nhậu là 80.000 đồng/con, mua mang về 55.000 đồng/con”.

Lấy cớ tham quan trước rồi nhậu sau, chúng tôi mua vé vào cổng vườn cò. Bước qua cây cầu sắt, thấy một cái tháp bằng xi măng cao hơn 4m. Phía dưới chân tháp là quán nhậu do chị Hai Linh, con gái thứ 2 của ông Bảy Cò làm chủ. Và tất nhiên, món nhậu chủ đạo vẫn là… cò. Trong nhà bếp của quán, hàng chục con cò đã được làm sẵn để trong những chiếc thau nhựa sẵn sàng phục vụ khách nhậu.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, ông Bảy Cò, năm nay 75 tuổi, nói: “Ngày trước hồi còn khỏe, mỗi năm tôi còn sửa sang lại “nhà cửa” cho lũ cò ở, vét sâu thêm các mương rạch, thả cá, ốc, trồng cây xanh cho mát mẻ. Cũng như con người, đất lành thì chim đậu. Nhưng mấy năm gần đây, vì tuổi cao sức yếu nên tôi không làm được nữa. Do đó, cò cũng vơi đi nhiều”.

Theo tay ông Bảy Cò chỉ, chúng tôi thấy đa phần kênh mương trong vườn đã cạn nước do bị bồi lấp, tôm, cá, cua, ốc còn rất ít. Những chú cò con bị mưa lùa gió thổi rớt xuống đất không còn được “cứu hộ” như ngày trước ông Bảy thường làm mà bị hốt vào nhà bếp, chế biến xong rồi đưa thẳng ra bàn nhậu.

Mỗi ngày, 2 quán nhậu ở vườn cò “tiêu thụ” khoảng 200 con. Đó là chưa kể số cò mà người dân xung quanh giăng lưới, đặt bẫy bỏ mối cho các quán nhậu khác trên địa bàn.

Chiều xuống, nhìn những cánh cò chấp chới về tổ ngày một thưa dần, lòng chúng tôi trĩu nặng một nỗi buồn khó định nghĩa. Mỗi năm, cò chỉ có 4 tháng sinh đẻ, vậy mà hàng ngày lại bị săn bắt vô tội vạ với số lượng lớn như thế, liệu vườn cò Bằng Lăng sẽ còn tồn tại bao lâu nữa?

Vẫn biết lộc trời cho ai nấy hưởng và đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình nông dân miền Tây này, nhưng với một địa điểm du lịch độc đáo như vậy, cần lắm sự vào cuộc, chung tay bảo tồn và chăm sóc đàn cò của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Đừng để sau này thế hệ con cháu chúng ta mỗi khi đi ngang khu vườn độc đáo này lại nói với nhau bằng giọng nuối tiếc: “Ở đây, ngày xưa từng có một vườn cò…”.

Nguyễn Tuấn

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top