Với những thành công bước đầu, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chuyển từ “lượng” sang “chất”.
Điều đưa lại chính là việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để khẳng định, nâng tầm thương hiệu, tạo sức bật cho nông sản OCOP của Quảng Ninh mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Từ OVOP đến OCOP
Lấy Quảng Ninh làm hình mẫu, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020” (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Được khởi xướng bởi tiến sĩ người Nhật Bản Morihiko Hiramatsu vào năm 1979, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) đã nhanh chóng trở thành điển hình của việc phát triển sản phẩm nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương.
Thành công của phong trào OVOP đã nhân rộng tại nhiều nơi trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước triển khai thành công nhất phong trào OVOP bằng Chương trình “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OTOP). Từ đó, khích lệ các nước thành viên khác của ASEAN áp dụng vào các mô hình mang sắc thái riêng của mình.
Nhận thấy những ưu điểm và tiềm năng lớn từ mô hình OVOP, từ năm 2005, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phát động xây dựng phong trào “Mỗi làng một nghề” ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả phát triển làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu phát triển.
Khi Quảng Ninh bắt tay triển khai OCOP và nhận được những “trái ngọt” đầu tiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định lựa chọn tỉnh làm mẫu, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm nhân rộng cả nước .
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM
Trên cơ sở nghiên cứu học tập kinh nghiệm phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản và Chương trình “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OTOP) của Thái Lan, năm 2013, tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP, giai đoạn 2013 - 2016). Quảng Ninh xác định đây là nội dung trọng tâm trong việc chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Do đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, bài bản, bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế.
OCOP của tỉnh Quảng Ninh được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.
Đề án được đề ra với các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm gồm: (1) Đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống tỉnh Quảng Ninh. (2) Đánh giá và xác định các sản phẩm làng xã có lợi thế cạnh tranh và đề xuất ngành hàng ưu tiên phát triển của Quảng Ninh. (3) Xây dựng chiến lược phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống. (4) Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình phát triển hình thức tổ chức sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm truyền thống ưu tiên của tỉnh Quảng Ninh. (5) Xây dựng hệ thống tổ chức và chính sách nhằm hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thương mại hoá sản phẩm truyền thống tại các cộng đồng làng, xã.
Chương trình được bám sát theo 3 nguyên tắc cơ bản gồm: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; Tự lực, tự tin và sáng tạo; Đào tạo nguồn nhân lực.
Công ty TNHH Hằng Nga có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Năm 2016, Quảng Ninh tổ chức sơ kết đánh giá giai đoạn 1 (2013 – 2016), Đề án đã khẳng định hướng đi đúng. Theo đó, năm 2017, tỉnh tiếp tục phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn II (2017 - 2020), với quan điểm đưa OCOP vào chiều sâu theo hướng từng bước tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đang được Quảng Ninh thực hiện đồng bộ với nhiều chương trình kết nối cung cầu hợp lý, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm của tỉnh vươn xa hơn nữa.
Để đẩy mạnh hoạt động XTTM, quảng bá sản phẩm, Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan, tổ chức nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại, tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Đề án OCOP tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam lưu ý: Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, tiềm năng lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP, không những để cung cấp cho thị trường trong nước mà còn phải hướng đến xuất khẩu. Vấn đề truy xuất nguồn gốc, vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu là những yếu tố rất quan trọng. Cần phải có những trung tâm để vừa hỗ trợ cho chủ thể, vừa đánh giá được các sản phẩm, đảm bảo được chất lượng và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. |
Theo thống kê trong (giai đoạn 2017 – 2020), Ban chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh tổ chức 12 lượt hội chợ OCOP cấp tỉnh, với quy mô 2.654 gian hàng. Xác nhận và tổ chức 28 hội chợ OCOP kết hợp thương mại. Tổ chức 11 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Tổ chức 17 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại Trung tâm thương mại Big C với 330 gian hàng. Hội chợ OCOP Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là hội chợ xúc tiến thương mại quan trọng có tác dụng quảng bá hình ảnh sản phẩm OCOP ra thị trường, là nơi để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, bạn hàng thường xuyên.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn phát triển mạng lưới các Trung tâm và điểm bán sản phẩm OCOP tại các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 29 trung tâm, điểm bán hàng OCOP ( TP. Hạ Long có 6 điểm; Tiên Yên có 5 điểm; Uông Bí có 2 điểm; Cẩm Phả có 2 điểm; Bình Liêu có 3 điểm; Móng Cái có 2 điểm; Đồng Triều có 2 điểm; Đầm Hà có 2 điểm; các huyện Ba Chẽ, Hải Hà, Cô Tô, Quảng Yên, Vân Đồn có 1 điểm). Đã có 10/32 điểm bán hàng OCOP được hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh.
Sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh còn được giới thiệu, quảng bá tại Lễ hội Trà hoa vàng huyện Ba Chẽ; Hội đình Tràng Y, xã Đại Bình; Hội văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà; Lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử…
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, nhờ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá giới thiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, tới nay nhiều sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm của các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh được tham gia vào một số hệ thống phân phối lớn như: Big C; Coop Mart; T-mart; Eco-mart; Vinmart… và một số chuỗi của hàng nông sản, thực phẩm sạch tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương… Sản phẩm OCOP của Quảng Ninh còn tham gia hội chợ tại nước ngoài như: Hội chợ quốc tế ASEAN - Trung Quốc 2019; Hội chợ thương mại Việt - Lào 2019... Tính hến hết năm 2020, Quảng Ninh có 38 sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại hệ thống Big C Việt Nam, MM Mega Market, Vinmart, Aloha Mall Đầm Hà…
Như vậy, việc XTTM, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho việc phát triển sản phẩm, góp phần phát triển quá trình lưu thông, luân chuyển hàng hóa, mở rộng khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường…, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên thị trường.
Khẳng định thương hiệu nông sản
Bắt đầu triển khai Đề án OCOP từ năm 2013, sau 7 năm (đặc biệt là giai đoạn tăng tốc bứt phá 2018 -2020), với sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chung sức đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, OCOP khẳng định được hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của Quảng Ninh.
Bắt đầu sản xuất, kinh doanh các loại chè xanh, chè thanh nhiệt từ năm 2002, năm 2007, Công ty TNHH Chè Hằng Nga (phường Hồng Hà, TP. Hạ Long) được thành lập. Sau nhiều năm vận hành và thử nghiệm, công ty đã tìm ra công thức phối trộn nguyên liệu riêng, tạo nên hương vị đặc trưng, thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Năm 2018, Công ty TNHH Chè Hằng Nga tham gia OCOP với 4 sản phẩm kẹo lạc, kẹo lạc vừng, kẹo dồi và chè thanh nhiệt; các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng 3 sao.
Chị Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Công ty TNHH Hằng Nga, khẳng định: OCOP của Quảng Ninh thật sự rất tốt. Trước đây, tôi phải mất đến 15 năm quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm chè của công ty trên thị trường. Nay, tham gia OCOP, tôi chỉ mất hơn 1 năm để khẳng định sản phẩm của công ty trên thị trường. Sản phẩm do chính tôi nghĩ và tìm ra công thức sản xuất.
“Với mục tiêu chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu, các sản phẩm của đơn vị đã thực hiện công bố đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận HACCP và được Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, xếp loại A. Cùng với việc tham gia OCOP, công ty được hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ OCOP do tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Từ đó, sản phẩm của công ty được phân phối rộng rãi trong tỉnh. Doanh thu của 4 sản phẩm OCOP đạt 2 tỷ đồng/tháng”, chị Nga phấn khởi nói.
Với kinh nghiệm sản xuất giò, chả 20 năm trên thị trường, chị Đỗ Thúy Phương, chủ cơ sở sản xuất giò chả Phương Thành (TP. Hạ Long) cho biết, cơ sở tham gia OCOP năm 2016 và được đánh giá, xếp hạng 3 sao. Mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường 200 - 300kg giò, chả cho các bếp ăn trường học, mỏ than…, tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên. Tham gia OCOP, sản phẩm của cơ sở được xúc tiến thương mại và được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Đến nay, Quảng Ninh có hơn 180 đơn vị, cơ sở sản xuất tham gia OCOP (tăng 1,5 lần so với năm 2017). Doanh số bán hàng OCOP hàng năm đạt 500-700 tỷ đồng; riêng năm 2020 đạt trên 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trên 270 tỷ đồng (tăng 2 lần so với năm 2017), tạo việc làm có thu nhập ổn định cho trên 4.500 người.
Chú trọng “chất”
OCOP Quảng Ninh đang được siết chặt, chuẩn hoá chất lượng. Từ nông dân đến nhà sản xuất, kinh doanh sẵn sàng lắng nghe, thích nghi, thay đổi tập quán sản xuất để hướng tới xuất khẩu sản phẩm OCOP.
Theo Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, OCOP với mục tiêu tiến tới sản phẩm chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, sẽ là những sản phẩm được sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu chất lượng của thị trường trong nước, định hướng đạt thương hiệu OCOP quốc gia và kích cầu giao thương cho các sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Đinh Bá Trinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ OCOP (Ban Xây dựng nông thôn mới) tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Trước đây, khi chưa có OCOP, người dân sản xuất chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, không có cơ chế đầu ra ổn định cho sản phẩm. Sau 7 năm triển khai, sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được chất lượng. Khi người dân tham gia OCOP cũng là lúc họ được tiếp cận thiết bị tiên tiến, hiện đại, được tập huấn… để “biến” sản phẩm thô thành sản phẩm có mẫu mã đẹp, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
“Đơn cử như sản phẩm miến dong của huyện Bình Liêu, khi tham gia OCOP, đã tăng cả về số lượng, chất lượng và diện tích canh tác. Nguồn nguyên liệu tăng mạnh, diện tích cũng được bà con mở rộng hơn, từ đó nguồn thu nhập cũng tăng theo”, ông Đinh Bá Trinh cho biết thêm.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai OCOP mang lại hiệu quả lớn, từ huy động vốn đến doanh số bán hàng. Trong giai đoạn (2017 - 2020), hằng năm tỉnh phân bổ ngân sách 200 - 300 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó giành 10% thực hiện Đề án OCOP cấp tỉnh và một số dự án về nông nghiệp. Tổng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp (giai đoạn 2017- 2020) đạt khoảng 5.708 tỷ đồng.
5 bài học kinh nghiệm
Sau 7 năm triển khai, bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá và sát với thực tế, OCOP Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn.
Cùng đó, OCOP đã phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển và hoàn thiện sản phẩm đặc sản địa phương. Tham gia chương trình, sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận tích cực, góp phần phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, UBND tỉnh Quảng Ninh rút ra 5 bài học kinh nghiệm sau:
Một là, phải thống nhất quan điểm nhận thức đúng về OCOP, coi đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng của mỗi địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xây dựng hệ thống tổ chức quản lý, điều hành OCOP chuyên trách từ tỉnh đến huyện đồng bộ với hệ thống tổ chức xây dựng nông thôn mới. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình. Tuân thủ phương châm: Ý tưởng sản phẩm phải xuất phát từ đề xuất của dân và doanh nghiệp, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, tránh áp đặt từ trên xuống; quán triệt sâu sắc 3 nguyên tắc của chương trình “Hành động địa phương hướng đến toàn cầu- Tự lực, tự tin, sáng tạo và Đào tạo nguồn nhân lực”.
Hai là, công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền phải đồng bộ, nhất quán thường xuyên, liên tục; phân công và giao trách nhiệm rõ người, rõ việc cho các tập thể, cá nhân; thường xuyên kiểm điểm đánh giá rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện; có bộ máy tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo OCOP các cấp đủ thẩm quyền.
Ba là, cần có hệ thống văn bản, quy định thống nhất; cơ chế chính sách đủ mạnh, theo hướng mở để địa phương có căn cứ triển khai và vận dụng linh hoạt trong công tác tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác (tổ chức).
Bốn là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện OCOP để kịp thời điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo giỡ khó khăn vướng mắc cho tổ chức và người dân. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên kịp thời các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và có nhiều đóng góp cho chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm.
Năm là, quan tâm hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm, cùng với thiết kế mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm (đây là việc rất quan trọng, tác động nhanh đến người tiêu dùng); xây dựng thương hiệu (hình ảnh nhãn hiệu chương trình, bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản lý sử dụng) của OCOP và của từng sản phẩm.
Có thể khẳng định, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Quảng Ninh là hướng đi đúng đắn, là giải pháp cụ thể quan trọng phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn. Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Đồng thời phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương, tạo nguồn thu, sức bật cho nông sản tỉnh Quảng Ninh vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2017-2020, triển khai OCOP của Quảng Ninh còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác phổ biến, tư vấn tiếp cận cơ chế chính sách chưa được chú trọng khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà; một số sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường; chậm triển khai các trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm, chậm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến... Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh xác định đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, gắn với chương trình Nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy người dân là chủ thể thực hiện. Tỉnh sẽ phát triển mới 300 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 250 sản phẩm đạt từ 3-5 sao với ít nhất 50 tổ chức kinh tế tham gia. |
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Các lĩnh vực của ngành nông nghiệp (NN) đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tuy nhiên, quá trình số hóa đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ nông dân có khả năng tiếp cận và áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất (SX) vẫn còn rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp và hộ SX nhỏ chưa có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư vào các hệ thống NN thông minh. Điều này tạo ra rào cản trong việc ứng dụng công nghệ số vào SX NN.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.