Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ cuối năm 1917, tại Pháp.
1. Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ cuối năm 1917, tại Pháp.
Người làm báo là để phát biểu chính kiến của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay tại nước Pháp nhằm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Thời gian đầu, Người viết cho Người bình dân (Le populaire), tờ báo của Đảng Xã hội Pháp lúc bấy giờ và báo Đời sống thợ thuyền (La vie d’ouvriers ).
Tháng 7/1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng ở các nước thuộc địa khác của Pháp lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Người cùng khổ (Le Paria).
Cuối năm 1924, Quốc tế cộng sản cử Nguyễn Ái Quốc sang công tác ở Trung Quốc theo đúng nguyện vọng được gần với Tổ quốc của Người và để có điều kiện hoạt động hơn.
Khi về đến Quảng Châu (Trung Quốc), Người bắt tay ngay vào việc chuẩn bị xuất bản một tờ báo chính trị đồng thời với việc mở những lớp huấn luyện các thanh niên ưu tú đưa từ trong nước sang để làm nòng cốt cho cách mạng sau này. Số đầu tiên của tờ Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được xuất bản ngày 21/6/1925. Từ thời điểm này, nền báo chí cách mạng – binh chủng đặc biệt của cách mạng Việt Nam ra đời.
Trong 97 năm qua, báo chí cách mạng nước ta không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong hành trình đánh đổ thực dân, phong kiến, đánh đuổi đế quốc, giải phóng dân tộc, thúc đẩy dựng xây và bảo vệ nền độc lập, xây dựng đất nước từng bước giàu mạnh, có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao.
Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trên kệ kim cương trưng bày 8 tờ báo được Hiệp hội Báo chí Thế giới xếp hạng cổ nhất trên thế giới và 2 tờ báo của Việt Nam. Đó là Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ và Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 02/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52 - QĐ/TW, ngày 05/02/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên (21/6/1925) làm ngày Báo chí Việt Nam
Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày hội lớn của không chỉ riêng của những người làm báo mà là ngày hội của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vì báo chí cách mạng là sự nghiệp của toàn dân.
2. Trong hành trình đáng tự hào 97 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sư phát triển mạnh mẽ. Từ tòa báo cách mạng đầu tiên năm 1925, đến nay báo chí cách mạng Việt Nam có hơn 1.000 cơ quan báo chí, với đủ các loại hình tiên tiến nhất và hơn 20.000 nhà báo cùng hàng vạn người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, tạo nên một binh chủng đặc biệt, ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó một cách chủ động, sáng tạo, trí tuệ, nhân văn.
Trong suốt hành trình lịch sử cách mạng của Đảng và Dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng luôn giữ vai trò đi đầu trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, là vũ khí sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng thời thực hiện tốt cả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, kịp thời lan tỏa mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống; và kịp thời đưa tin, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Qua đó tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, xây vững Niềm tin của Dân với Đảng, thực hiện mục tiêu xây dựng Tổ quốc ngày càng cường thịnh, sánh vai cường quốc năm châu, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Với mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm, nhiệm vụ của Báo chí cách mạng Việt Nam là khơi dậy khát vọng hùng cường của Dân tộc đến mọi người dân Việt Nam. Đó là sứ mệnh mới của Báo chí cách mạng trong giai đoạn mới của đất nước.
3. Trải hơn 35 năm hoạt động, bám sát lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, người thầy của Báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc,…”, những thế hệ làm Báo Kinh tế nông thôn trước đây và Tạp chí Kinh tế nông thôn hôm nay luôn nỗ lực và cố gắng với ý thức trách nhiệm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp sinh thái, nông sản hàng hóa chất lượng cao và an toàn, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh và hiện đại, nâng cao chất lượng sống cho người làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, người dân ở nông thôn và nâng cao tri thức cho nông dân.
Để có thể chia sẻ có trách nhiệm cùng bạn đọc, bà con những khó khăn, thách thức phải vượt qua, để cùng nhau thực hiện tiêu chí “Cùng bạn đọc xóa nghèo, làm giàu”, những người làm Tạp chí Kinh tế nông thôn xác định: Phải tận tâm lắng nghe những mong muốn, ước vọng của nhà nông, nhà vườn, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp nông nghiệp; phải học cách lắng nghe để thấu hiểu; phải luôn kiên trì học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng trên hết là phải trau dồi, rèn luyện để có được bản lĩnh, đạo đức của nhà báo cách mạng, nhà báo nhân văn với tính chiến đấu cao nhưng trên cơ sở lấy xây để chống. Phải làm sao mỗi bài báo, mỗi số báo và toàn bộ các ấn phẩm của Kinh tế nông thôn là sản phẩm hội tụ trí tuệ, giúp ích cho bạn đọc về những vấn đề trong tổ chức sản xuất, quy trình sản xuất, liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Nhất là nhân rộng và lan tỏa những cách làm hay, tấm gương tốt, mô hình hiệu quả.
Để chúng ta cùng vui niềm vui thắng lợi trong ngày hội lớn, Kinh tế nông thôn mong được sự ủng hộ, sẻ chia của bạn đọc, bà con nông dân, chủ doanh nghiệp trong hành trình khơi dậy khát vọng hùng cường của dân tộc, thực hiện mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và xây dựng thành công nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh mà Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua.