Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 2 năm 2016 | 3:0

Ngày xuân đi săn “cá tiến vua”

Những ngày cuối năm, trong chuyến công tác lên miền núi cao Hà Giang, chúng tôi được nghe người dân bản địa nhắc khá nhiều về loài “cá tiến vua”. Loài cá này chỉ sống trong các khe sông, khe suối ở thượng nguồn, nơi nước trong, nhiệt độ thấp dưới 15 độ. Để săn được loại cá này mất khá nhiều thời gian và công sức, tuy nhiên thịt cá khá sạch, thơm ngon và giàu giá trị dinh dưỡng.

Người dân săn cá tiến vua.

Theo nhiều người dân ở vùng cao, nhóm “cá tiến vua” bao gồm các loài: cá sỉnh, dầm xanh, xước mũi. Thời xa xưa, những loại cá này thường được người dân dùng làm lễ vật dâng lên đức vua trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhóm “cá tiến vua” có nguồn gốc từ đâu, xuất hiện ở vùng miền núi này từ bao giờ thì không ai biết, họ chỉ nghe các già làng truyền tai nhau rằng, từ thuở khai thiên lập địa, ông Hoàng Vần Thùng (một vị thần được đồng bào các dân tộc thiểu số tôn thờ) đã bắt loài cá này từ con sông của một nước ở phương Bắc (Trung Quốc) về. Từ đó mà nơi đây có cá, chúng sinh sôi nảy nở tự nhiên và ngày càng quần tụ đông đúc. Tuy nhiên, ngày nay do tình trạng săn bắt ngày một nhiều khiến loài cá này có nguy cơ tuyệt chủng. Chính vì thế, giá trị của chúng ngày càng được đẩy lên cao.

Nói về loài cá đặc trưng của miền núi đá tai mèo này, ông Lý Văn Chiêu (78 tuổi, trú tại xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, Hà Giang) cho biết: Hàng trăm năm nay, đồng bào dọc thượng nguồn con sông Bạc đã biết khai thác loài cá quý hiếm này. Chính vì lẽ đó, họ rất am hiểu đặc điểm sinh sống, cách chế biến loài cá này thành những món ăn ngon, hấp dẫn mang đặc trưng của núi rừng mà không nơi nào có được.

Theo ông Chiêu, 3 loại cá dùng để “tiến vua”  nếu được nướng ngay sau khi bắt lên thì ngon miễn bàn. Trước khi ngâm mình dưới nước, các thợ săn cá thường phải uống một chén rượu để làm ấm cơ thể và đốt sẵn một đống lửa to để khi lên bờ có thể sưởi ấm ngay. Và sau nhiều giờ ngâm mình dưới dòng nước lạnh buốt, quay vào bờ với những con cá nặng trĩu, người thợ săn thường nướng luôn một vài con để thưởng thức và sưởi ấm. Có lẽ vì thế, họ cảm nhận về mùi vị của cá ngon hơn bao giờ hết.

Một cách khác, đồng bào có thể luộc cá cùng măng chua rồi cho một ít thảo quả (loại quả chỉ có ở các vùng núi cao như Hà Giang, Lào Cai – PV) giã nhỏ. Vị ngọt của cá hòa quyện cùng độ chua của măng tạo nên một món ăn ngon khó thực khách nào có thể cưỡng lại. Hoặc, cá có thể được rán bằng mỡ của lợn rừng sẽ tạo nên mùi thơm rất đặc trưng...

Nghe lời giới thiệu của người dân nơi đây, chúng tôi không khỏi tò mò và quyết định theo chân những người thợ săn để được “mục sở thị” loài cá được xem là đặc sản thượng nguồn này. Đó là một nhóm người gồm những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh trong vùng, đặc biệt phải có tài bơi lặn. Trong chuyến săn lần này, nhóm chúng tôi gồm 5 người. Những thanh niên này tiết lộ, mỗi cuộc đi săn, số lượng người tham gia là số lẻ, chứ không phải số chẵn, theo quan niệm may mắn của người xưa.

Đồ nghề săn cá của họ khá đơn giản, gồm một súng bắn tên tự chế, kính tự chế bằng săm xe máy và một chiếc giỏ đựng cá. Trước khi đi, những người thợ săn dặn tôi khá cặn kẽ cách dùng súng và đánh bắt cá dễ dàng nhất. Theo họ, “cá tiến vua” sinh sôi, nảy nở vào mùa thu, vì vậy nên tránh đánh bắt vào mùa đó để đảm bảo nguồn cá không bị tuyệt chủng.

Trong chuyến đi này, mặc dù nói là theo chân nhóm thợ săn nhưng tôi được giao nhiệm vụ đốt lửa ngay cạnh suối. Tôi hồi hộp ngồi trên bờ quan sát, sau một giờ đồng hồ, nhóm thợ săn đã “tóm gọn” một con cá xước mũi và 2 con dầm xanh. Đưa cá lên bờ, một thanh niên đã cho cá vào một cái xiên rồi nướng trên đống lửa đang rực hồng. Mùi thơm của cá nướng, hơi ấm của đống lửa lan tỏa ra xung quanh như xua tan đi cái lạnh tê tái của miền sơn cước. Nhâm nhi chén rượu cùng miếng thịt cá thơm lừng, tôi mới thấu hiểu được hết ý nghĩa tên gọi của loài “cá tiến vua” này.

Quay sang trò chuyện với tôi, anh Lý Văn Mẫn, một thành viên trong nhóm thợ săn, cho biết: “Cá tiến vua sống chủ yếu trong các hang đá, ít khi ra ngoài kiếm ăn nên săn cá cũng cần có những kỹ thuật nhất định. Thức ăn của những loài cá này chủ yếu là rêu đá nên muốn câu cũng khó”.

Hàng trăm năm nay, những người dân ở miền núi cao Hà Giang vẫn xem việc săn “cá tiến vua” như nét sinh hoạt văn hóa truyền thống. Vừa bắt cá nhưng họ cũng không quên bảo vệ cá, để những năm sau đó, “cá tiến vua” lại sinh sôi nảy nở và trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Phàn Họ - Duy Cảnh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top