Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 7 năm 2022 | 10:3

Nghị quyết và Hành động

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngoài vị trí đặc biệt quan trọng còn là vùng kinh tế trọng điểm của đất nước,

nhất là về nông nghiệp và thủy sản (đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước).

 

02.jpg
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước.

Mặc dù giàu tiềm năng và có những lợi thế đặc thù về nông nghiệp và thủy sản, đóng góp lớn về xuất khẩu nông - thủy sản, trái cây nhưng về tổng thể thì ĐBSCL vẫn là vùng nghèo (thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 67% so với bình quân chung cả nước - 53,98 triệu đồng so với 80,21 triệu đồng/người); chất lượng nguồn nhân lực thấp (năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình chung cả nước - 24,5%); hệ thống hạ tầng cả giao thông, giáo dục, y tế và  phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản,... chưa đồng bộ, thiếu và yếu; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, liên kết vùng chưa chặt chẽ, thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao (Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng) và giải pháp phát triển kinh tế vùng (Những nội dung cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội XIII thông qua), ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết thứ hai về phát triển kinh tế vùng với tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới, tư duy mới.

Nói về Nghị quyết mới đối với ĐBSCL, Tổng bí thu Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh nhằm tạo bước đột phá trong phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của ĐBSCL

Cụ thể hóa mục tiêu phát triển, ngày 18/6/2022 ,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị với một số chỉ tiêu cụ thể về cả kinh tế, xã hội và môi trường.

Trên tinh thần thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 21/6/2022, tại TP. Cần Thơ, Chính phủ đã công bố Quy hoạch Vùng ĐBSCL. Đây là Quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước được lập, thẩm định và phê duyệ trên cơ sở “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng”. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để phát triển bền vững ĐBSCL.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp một cách tổng thể, đồng bộ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển với tầm nhìn mới. Quy hoạch của Chính phủ thể hiện rõ quan điểm “thuận thiên”, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng, liên ngành, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm cùng những ưu tiên chiến lược, đồng thời  đề cập cụ thể những chỉ tiêu, nhiệm vụ với con người là trung tâm, kinh tế nông nghiệp là động lực và  trụ cột chính, gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ… Một chuyên gia về vùng ĐBSCL cho rằng, quy hoạch chỉ hoàn tất khi những thể chế, cơ chế, chính sách đi theo tương thích, có vậy quy hoạch mới được triển khai thành công. Tìm ra sự tương thích cho các vùng kinh tế - sinh thái, với tối thiểu ngoại lệ cho các vùng, chính là điều cần thiết để các vùng, và đất nước, phát triển bền vững.

Vấn đề đặt ra là, các cấp, các ngành, các địa phương phải cùng nhau hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn trên cơ sở tư duy mỗi tỉnh vì cả vùng và cả vùng vì mỗi tỉnh, 13 tỉnh - thành là một thể thống nhất để có được cơ chế phối hợp phù hợp, hiệu quả.

Hy vọng rằng, với tầm nhìn mới, tư duy mới và cách tiếp cận mới, trong tương lai gần, vùng ĐBSCL của chúng ta trở thành kho lương thực và thực phẩm an toàn của thế giới và là vùng đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có nét đặc sắc riêng có.

 

dbscl24042022.jpg 

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top