Trên 7ha đất dốc ở thôn Đạ Đum 2, xã Đạ Sar (Lạc Dương - Lâm Đồng), anh Nguyễn Phú Đức (sinh năm 1970) đã xây dựng thành công một trang trại trồng cây ăn trái với sản lượng hàng chục tấn cam, quýt, mận,… mỗi năm. Điều đặc biệt là, giống cây ăn quả trong trang trại đều được “nhập cư” từ các vùng miền trong nước và nước ngoài.
Anh Nguyễn Phú Đức bên hàng cây cam Mỹ cho trái nghịch vụ.
Đất lành không chỉ với cam, quýt...
Cuối tháng 5/2016, vùng khí hậu dưới chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương) bắt đầu vào mùa mưa, người dân bắt đầu tỉa cành, tạo tán cho các loại cây công nghiệp, cây ăn trái. Nhưng trong trang trại của anh Nguyễn Phú Đức, cam, quýt vẫn cho trái chín vàng. Những giống cây này được anh đưa từ các vùng đất ngoại vi Hà Nội về trồng thử nghiệm từ đầu những năm 2000. Qua nhiều năm tự nghiên cứu kỹ thuật chiết cành, ghép mầm, đồng thời bổ sung quy trình canh tác phù hợp, đến nay, anh Đức không chỉ nhân rộng giống cam, quýt phân bổ trên khắp 7ha trang trại của mình mà còn sản xuất hàng vạn cây con ươm ghép cung cấp cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân các khu vực Nam Ban ( Lâm Hà), Cầu Đất, Nam Hồ (Đà Lạt).
“Trong 10 năm đầu tiên đưa cây cam, quýt về trồng trên địa hình đất đồi cao của xã Đạ Sar, gia đình phải tiến hành xuống giống thành nhiều đợt. Trồng, chăm sóc đợt cây sau trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ đợt cây trước. Đó là những kinh nghiệm về quy cách đào hố, làm cỏ, bón phân, tưới nước, hãm bớt chiều cao, tạo chiều rộng của tán cây để cho năng suất thu hoạch đạt mức cao nhất”, anh Đức chia sẻ.
Từ năm 2010 trở đi, gia đình anh Đức mới từng bước chủ động thực hành, bổ sung hoàn chỉnh dần kỹ thuật ghép tạo giống cam, quýt các loại tại trang trại. Dẫn tôi đến một cây cam đầu dòng trong trang trại, anh chọn một mắt ghép bằng đầu chiếc đũa cắt lát mỏng, sau đó “ghép giả định” vào thân cây bưởi rồi dùng bao nylon buộc chặt lại. Anh cho biết, sáng sớm là thời điểm ghép cây đạt tỷ lệ sống cao nhất, mầm chồi phát tán nhanh, 2 năm sau cây bắt đầu nở hoa kết trái, năng suất khoảng 2- 3kg/cây; đến năm thứ ba trở đi sẽ đạt năng suất từ 13- 15kg/cây.
Về biện pháp canh tác, anh Đức chọn nguyên liệu cám gạo, cám bắp phối trộn với các chế phẩm sinh học làm chất dinh dưỡng chính để nuôi cây có khả năng đề kháng các loại bệnh gây vàng lá, không đậu trái… “Mỗi năm cứ một cây cam, quýt được rải đều xung quanh gốc gần 0,4kg phân bón ủ cám gạo, cám bắp, cộng với 3- 5kg phân chuồng. Bón phân vào thời điểm sau một tháng thu hoạch trái chính vụ, sau đó tưới nước đều trên mặt đất cho phân ngấm vào bộ rễ lưu chuyển lên nuôi thân, cành, lá… Dinh dưỡng chuyển hóa từ phân bón cám bắp, cám gạo đã tăng vị ngọt thanh cho trái cam, quýt”, anh Đức cho biết thêm.
Nói xong, anh Đức hái xuống một trái cam nghịch vụ, kích thước bằng chiếc chén cơm, đưa vào tay tôi. Tách phần vỏ mỏng tanh bên ngoài, thưởng thức từng múi cam mọng nước, tôi càng hiểu thêm vì sao khách hàng trong nước đặt mua toàn bộ sản lượng cam các loại của trang trại anh Đức trước khi thu hoạch cả tháng. Tính riêng mùa cam đường Canh và cam Mỹ “nhập cư” trong dịp Tết Bính Thân 2016 vừa qua, anh thu khoảng 40 tấn trên 2ha, bán với giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng.
...Mà còn với mận, chanh không hạt, chanh đào…
Hiện, với 7ha trang trại, anh Đức dành 5ha trồng cam các loại (2ha đang thời kỳ thu hoạch, 3ha đang thu trái bói) và 2ha cà phê Catimor hơn 15 năm tuổi. Ngoài ra, anh còn có 200 cây mận Tam hoa “nhập cư” về từ vùng Tây Bắc, đang phát triển tốt tươi hai bên bờ suối dưới thung lũng của trang trại. Vụ mùa năm ngoái, anh thu hoạch khoảng 3 tấn mận, bán sỉ cho các quầy trái cây ở chợ trung tâm Đà Lạt với giá 15.000 đồng/kg. Đặc biệt, anh Đức đã ghép tạo thành công giống chanh đào Hà Nội với khoảng 2.000 cây hơn 1 năm tuổi, đang thu hoạch trái bói. Với khả năng sinh trưởng khá tốt trên đất Đạ Sar, cây chanh đào trong trang trại của anh Đức dự kiến đến 3 năm tuổi có thể đạt năng suất 15- 20kg/cây. Giá chanh đào trong tháng 5/2016 khoảng 30.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh Đức cũng mất nhiều năm để ghép tạo giữa mắt cây chanh không hạt với thân cây bưởi, hiện đang phân bổ khoảng 300 cây xen canh với những hàng mận Tam hoa.
Từ nay đến cuối năm 2016, anh Đức sẽ bứng gốc lần lượt những hàng cây cam mật độ dày (giảm mật độ từ 1.500 cây/ha xuống còn 1.000 cây/ha) để thay thế vị trí những hàng cà phê Catimor già cỗi, năng suất thấp. Mục tiêu hướng đến của anh Đức là tiếp tục thâm canh chiều sâu đối với tất cả những loại cây trái trong trang trại đạt chất lượng “ngọt lành” đặc trưng của cao nguyên Langbiang, góp phần chuyển giao nguồn giống và kỹ thuật mới cho nông dân Lâm Đồng tái cơ cấu cây trồng phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Văn Việt
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…