Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 8 năm 2024 | 21:1

Việt Nam phát triển nguồn dược liệu từ hải sản nuôi trồng

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận tập trung vào nội dung tiềm năng khai thác và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu biển Việt Nam, tiềm năng nguồn tài nguyên dược liệu tỉnh Phú Yên, thủy sản Việt Nam - nguồn dược liệu quý phục vụ y học, phát triển nguồn dược liệu từ hải sản nuôi trồng theo phương thức công nghiệp, khai thác và phát triển rong nho phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu…

Đó là những nội dung được các đại biểu đại diện các tỉnh, thành ven biển trong cả nước, các cơ quan, ban, ngành trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ, tham vấn tại “Hội thảo khoa học tiềm năng phát triển dược liệu biển Việt Nam” do Bộ Y tế phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức tại TP.Tuy Hòa vào ngày 16/8.

Vai trò quan trọng trong việc phát triển dược liệu

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam có nguồn dược liệu nói chung và dược liệu biển rất đa dạng, phong phú. Việt Nam cũng có lợi thế hơn 3.000km bờ biển với nguồn khoáng vật, vi sinh vật, thực vật rất đa dạng, đã và đang có vai trò quan trọng trong việc phát triển dược liệu, chăm sóc sức khỏe.

Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu

Dược liệu biển được biết đến có nhiều công dụng, được sử dụng trong y học cổ truyền Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước để phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân như: Hải mã (cá ngựa), ô tặc cốt (mai mực), mẫu lệ, hải sâm, bào ngư, sao biển… Nhiều năm gần đây, hàng loạt công trình khoa học đã và đang nghiên cứu, làm rõ công dụng của hàng trăm loại dược liệu biển Việt Nam, như: Công trình khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu khả năng khai thác và sử dụng nguồn dược liệu biển Việt Nam” của Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên. Công trình đã thu thập được 405 mẫu sinh vật biển gồm trai biển (34 loài), rong biển (30 loài), da gai (19 loài), bọt biển (17 loài), ốc biển (16 loài), san hô (11 loài), cá (4 loài)… Qua nghiên cứu xác định 247/405 mẫu có hoạt tính kháng vi sinh vật, 106 mẫu có hoạt tính gây độc tế bào, 52 mẫu có hoạt tính chống ôxy hóa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận tập trung vào các nội dung về tiềm năng khai thác và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu biển Việt Nam; tiềm năng nguồn tài nguyên dược liệu tỉnh Phú Yên; thủy sản Việt Nam - nguồn dược liệu quý phục vụ y học; phát triển nguồn dược liệu từ hải sản nuôi trồng theo phương thức công nghiệp; khai thác và phát triển rong nho phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Phát triển nguồn dược liệu từ hải sản nuôi trồng theo phương thức công nghiệp.

Theo nhiều nhà khoa học tại hội thảo, tuy chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu loài động vật, thực vật biển có thể dùng như một loại dược liệu. Tuy nhiên, từ nhiều loài đã nghiên cứu cho thấy, hàng trăm động vật, thực vật biển có thể làm dược liệu bào chế thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Đại diện Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, biển Việt Nam rất phong phú về thành phần giống loài, các đối tượng phân bố tự nhiên ở vùng biển nước ta hầu hết có khả năng đưa vào làm dược liệu phục vụ cho y học. Điển hình như: Bào ngư, cá ngựa, hàu, đồi mồi, hải sâm, rong biển, rắn biển, vi tảo…

PGS.TS Phạm Đức Thịnh (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang) đánh giá, mặc dù nước ta có bờ biển dài và sự đa dạng sinh vật biển nhưng các nghiên cứu về dược liệu biển vẫn còn rất hạn chế và vẫn đang ở giai đoạn ban đầu.

Tạo chuỗi giá trị gia tăng trong phát triển tài nguyên dược liệu biển

Theo bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, cùng với 27 tỉnh, thành ven biển khác trong cả nước, Phú Yên với đường bờ biển dài hơn 189km, vùng biển khoảng 34.000km2, có nhiều lợi thế về biển, khá đa dạng về sinh học và có nhiều loài thủy sản đặc trưng dùng làm dược liệu quý như cá ngựa, hải sâm… Tỉnh luôn quan tâm, phát huy lợi thế về biển, đề ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế biển.

Nhiều người dân phơi khô rong biển làm dược liệu

Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Tỉnh uỷ Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động 23-CTr/TU ngày 26/3/2019 thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó xác định nhiệm vụ quan trọng về quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển… Với lợi thế về biển, tỉnh Phú Yên mong muốn phát triển hơn nữa ngành hàng dược liệu, đặc biệt là dược liệu biển để trở thành ngành hàng mang thương hiệu mạnh, có giá trị sản xuất cao…

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nguồn dược liệu biển phục vụ y học, thời gian tới, các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; tạo chuỗi giá trị gia tăng trong phát triển tài nguyên dược liệu biển; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển…

Các địa phương ven biển cần quy hoạch cụ thể các vùng nuôi trồng, phát triển dược liệu biển. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học, chuyên gia thuận lợi trong việc đến nghiên cứu. Đồng thời, phải xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu biển. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đưa ra thị trường những dược liệu biển không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top