Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 8 năm 2024 | 23:40

Định hướng phát triển các cây chủ lực tại từng địa phương

Trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội hôm nay (21/8), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nói về việc phát triển các sản phẩm chủ lực của các địa phương như sầu riêng, điều…

Bộ NN&PTNT định hướng phát triển sầu riêng thành sản phẩm chủ lực quốc gia - Ảnh minh họa

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu của các nông sản chủ lực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập đến giải pháp trồng điều trong thời gian tới, cần phải ứng biến theo quy luật thị trường.

Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức mô hình khuyến nông, bản thân cây điều có đa tầng giá trị. Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa dạng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Bình Phước cần đẩy mạnh sản phẩm OCOP về điều. Đồng thời cần xây dựng chuỗi chia sẻ, liên kết giữa người trồng điều và doanh nghiệp chế biến điều.

Còn liên quan đến vấn đề sầu riêng, thời gian tới Bình Phước sẽ tái cơ cấu lại ngành hàng sầu riêng. "Không còn con đường nào khác, muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng thì phải có Hiệp hội ngành hàng, trong đó có sự liên kết của các doanh nghiệp, các nhà vựa với bà con nông dân trồng sầu riêng để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mới đây, Bộ NN&PTNT vừa ký Hiệp định thư thứ 2 về sầu riêng chế biến như cơm sầu riêng, hạt sầu riêng, sầu riêng đông lạnh… Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, hiện chúng ta đã mở cửa ngành hàng sầu riêng với thị trường Trung Quốc.

"Chúng ta cần phải đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia, xây dựng, thiết kế chính sách chung về sầu riêng cho nông dân, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng… Vì chúng ta hiện đang đi sau thị trường Thái Lan, Malaysia xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc", người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) về vật tư đầu vào (phân bón), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta cần chủ động hơn nữa trong quá trình tạo ra vùng nguyên liệu để giảm lệ thuộc. Tuy nhiên đây là vấn đề lâu dài, nhất là quá trình chuyển từ phân thuốc vô cơ sang phân thuốc hữu cơ.

Đây là một đề án chứ không chỉ riêng vấn đề nhập khẩu nguyên liệu về để sản xuất vật tư đầu vào, mà muốn hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ thì tất cả vật tư đầu vào cần hữu cơ hóa. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng bày tỏ vui mừng khi thời gian qua bà con nông dân khắp mọi miền cả nước đều hưởng ứng phong trào làm nông nghiệp hữu cơ.

"Muốn cạnh tranh được hay không là phải giảm chi phí đầu vào. Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải giảm chi phí bằng các giải pháp và có thể làm được nếu thay đổi tư duy, không ngóng chờ giá bán đầu ra nữa vì điều này phụ thuộc điều tiết cung cầu của thị trường thế giới. Tôi hoan nghênh các địa phương đã tham gia tích cực cùng bà con nông dân để giảm chi phí, nuôi trồng các mô hình thích hợp", Bộ trưởng nêu rõ.

 

Đỗ Hương/Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Top