Hiểu rõ nông nghiệp vốn là thế mạnh giúp nông dân không những cải thiện cuộc sống mà còn làm giàu, nhiều địa phương ở Hòa Bình đã không bỏ hoang đất đai màu mỡ, điều kiện tự nhiên thuận lợi để thoát nghèo.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc
Không chỉ có đời sống kinh tế, điều kiện vật chất ngày càng tốt lên mà mức hưởng thụ về tinh thần của người dân ngày một cải thiện. Đó là thành quả quan trọng, cũng là mục tiêu huyện Lạc Sơn tiếp tục hướng tới trong triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Hiện nay, tổng dân số toàn huyện là 15,7 vạn người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm 8%, dân tộc Mường 91%, còn lại 1% dân tộc khác... Trên địa bàn có 13 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 22 xóm ĐBKK thuộc xã khu vực I, khu vực II.
Hộ nghèo xã Chí Đạo (Lạc Sơn) được đầu tư con giống từ chương trình, dự án chính sách dân tộc để cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.
Văn Sơn là xã ĐBKK có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Những năm qua, các chương trình, dự án chính sách dân tộc được triển khai, lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển KT-XH, đồng thời giúp thay đổi diện mạo hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhiều mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả được phát triển, nhân rộng. Cấp uỷ, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huy động nguồn lực về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy giảm nghèo đa chiều, bền vững. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 18,7%.
Theo ông Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc vùng ĐBDTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm triển khai, thực hiện. Nguồn lực từ chương trình, đề án, dự án được bổ sung cho yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho phát triển nhanh, vững chắc, nâng cao mức sống của ĐBDTTS. Chính sách trực tiếp và gián tiếp triển khai đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đối tượng, giải quyết căn bản các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo. Hệ thống chính trị vùng ĐBDTTS được kiện toàn, củng cố, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS được phát huy.
Huyện cũng tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững gắn kết với thị trường tiêu thụ. Từ các chuỗi liên kết bước đầu mở ra cơ hội đưa các giống cây trồng phù hợp với thế mạnh, tiềm năng của nhiều xã trên địa bàn, mang lại thu nhập đáng kể. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng diễn ra mạnh mẽ ở nhiều xã trong huyện, nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới ngày càng rộng khắp. Bình quân hàng năm huy động khoảng 1.200 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực trong cộng đồng dân cư để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn mới.
Giai đoạn 2019 - 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của huyện đạt 12%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành sản xuất chủ yếu phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư, văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 60,3 triệu đồng/năm; có 10 xã đạt nông thôn mới; 17/58 trường đạt chuẩn quốc gia; hàng năm có trên 85% hộ gia đình, 85% khu dân cư văn hóa, trên 98% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá; hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT.
Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Mặc dù kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS có bước phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn: hạ tầng chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo cao, kết quả giảm nghèo thiếu bền vững. Trong thời gian tới, cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động ĐBDTTS chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; triển khai các chính sách dân tộc, đặc biệt là chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia thật sự sâu rộng đến ĐBDTTS để người dân nhận thức đầy đủ, tham gia tích cực, quyết tâm, kiên trì thực hiện có hiệu quả, phù hợp tình hình địa phương; tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, gia đình thể thao; thi đua phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên khá giả trên cơ sở phát huy nội lực, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Hiệu quả kinh tế tập thể ở vùng cao Đà Bắc
Những năm qua, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Đà Bắc có những chuyển biến tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững tại địa phương, đặc biệt góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Từ khi thành lập, Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh đã giúp nâng cao hiệu quả nghề nuôi lợn đen bản địa tại xã Tân Minh (Đà Bắc).
Hợp tác xã (HTX) đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh, xã Tân Minh được thành lập tháng 8/2022. Ban đầu, HTX mới có 2 thành viên, chuyên chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm thịt lợn bản địa huyện Đà Bắc. Theo bà Hà Thị Tâm, Giám đốc HTX chia sẻ, khi mới thành lập, việc vận động người dân tham gia vào HTX gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do bà con chưa hiểu HTX là gì, việc tham gia HTX sẽ đem lại những lợi ích gì?. Bà Tâm đã đến tận nhà các hộ tuyên truyền, vận động. Nhờ sự kiên trì, đến nay, HTX đã có 17 thành viên, 35 xã viên. Từ 20 con lợn giống, hiện đàn lợn phát triển lên 100 con nái (giống lợn đen bản địa).
HTX thường xuyên duy trì đàn lợn đen bản địa từ 2.000 - 2.200 con. Nhiều hộ thành viên và hộ liên kết nuôi 50 - 80 con/lứa. Bình quân mỗi tháng HTX sản xuất, cung ứng ra thị trường từ 2 - 2,5 tấn thịt lợn, khoảng 500 con gà, tương đương 700 - 800 kg gà thương phẩm. Đặc biệt, HTX đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là gà đồi Tân Minh và thịt lợn bản địa Tân Minh. Sản phẩm tiêu thụ đến các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, TP Hà Nội, Hải Phòng. Còn trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm của HTX được bán tại Cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP thị trấn Đà Bắc. Hoạt động của HTX đã góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên, trong đó có hộ nghèo, hộ khó khăn và nâng cao giá trị các sản phẩm lợi thế chủ lực của địa phương.
Ở xã Tiền Phong, nghề nuôi cá lồng hồ thuỷ điện Hoà Bình đã phát triển hàng chục năm, nhưng trước đây "mạnh ai nấy làm” nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Đầu năm 2023, HTX Đà Giang ECO được thành lập đã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá với các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã. Từ đó đến nay, HTX hoạt động hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá lồng ở xã vùng hồ này. Đến nay, HTX có 40 lồng cá và 100 lồng liên kết, tạo nguồn cung dồi dào cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý, hiện nay HTX đã có 3 sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, HTX liên kết với doanh nghiệp để nuôi trai lấy ngọc trên hồ Hoà Bình, đây là hướng đi đầy hứa hẹn.
Anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc HTX Đà Giang ECO cho biết: Tiền Phong có điều kiện thuận lợi về diện tích mặt nước, nguồn nước sạch và thức ăn phong phú, HTX đã áp dụng nuôi cá theo quy trình, tiêu chuẩn phòng bệnh. Trong quá trình nuôi, các thành viên HTX tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lòng tin với khách hàng. Bên cạnh đó, HTX tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ với nhiều mẫu mã, sản phẩm được chế biến từ cá sông Đà. Hiện các sản phẩm được sơ chế, chế biến sâu và đóng gói bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị tại các thành phố lớn và vùng lân cận.
Ngoài 2 HTX trên, hiện nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc có 50 HTX hoạt động, 5 tổ hợp tác với trên 1,8 nghìn thành viên và người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện có 3 HTX thành lập mới. Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Số lượng tổ hợp tác, HTX thành lập mới qua các năm phát triển mạnh với các mô hình phát triển đa dạng. Đến nay, khu vực kinh tế tập thể của huyện bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các HTX còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, kinh nghiệm tham gia thị trường. Vẫn còn nhiều HTX hoạt động yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại của HTX vào quá trình sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành nghiên cứu, bổ sung cơ chế hỗ trợ đối với các HTX phi nông nghiệp nhằm khuyến khích, hỗ trợ HTX hoạt động, phát triển các ngành nghề. Bên cạnh đó, quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, kế toán của các HTX.
Tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào phát triển nông nghiệp đang là hướng đi giúp tăng hiệu quả sản xuất và giảm thách thức cho ngành nông nghiệp. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp thông minh để từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng.
HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng phân vi sinh trong quá trình chăm sóc cây trồng.
Với tổng diện tích đất 8ha, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) đầu tư hệ thống tưới phun mưa tự động để sản xuất các loại rau, củ theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn. Tất cả các khâu từ làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch rau đều có cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ. Trước khi tiến hành canh tác, toàn bộ thành viên, người lao động được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn và trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động…
Bà Cấn Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX V-ORGANIC cho biết: Với việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, tiêu chuẩn an toàn, các loại rau do HTX sản xuất đạt vi lượng tốt, được đánh giá có độ ngọt, thơm ngon; năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha. Nhờ đó, đầu ra sản phẩm luôn ổn định. 100% sản phẩm được tiêu thụ đều qua hợp đồng với HTX tại Hà Nội, mức giá đảm bảo.
Tiếp tục thực hiện theo quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 3030/QĐ-UBND, ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh, từ năm 2021 đến nay, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đã được cụ thể hóa tại các đề án, kế hoạch của tỉnh. Năm 2024, các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng CNC được Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh cập nhật, điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch tỉnh đến năm 2030. Trong giai đoạn công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc (TXNG), quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản, công nghệ vệ tinh viễn thám và hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý, điều hành đã có những kết quả đáng kể. Trong đó, phải kể đến việc ứng dụng công nghệ vi sinh phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường; công nghệ thâm canh quản lý tổng hợp (ICM); công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm thực hiện...
Đến nay, có khoảng 150 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm, hộ sản xuất áp dụng các công nghệ này được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích khoảng 2.300ha trồng trọt, trên 200.000 m3 diện tích nuôi trồng thủy sản, 1,6 nghìn tấn sản phẩm thịt/năm. Tỉnh có khoảng 120 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hầu hết đều áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động. Có 4 cơ sở ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản chế biến.
Đối với sản xuất và TXNG sản phẩm nông, lâm, thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh đã hoàn thành và phát hành phần mềm "Quản lý cơ sở dữ liệu sâu bệnh hại”, bao gồm phần mềm chạy trên nền tảng web và ứng dụng trên thiết bị di động. Việc cấp và quản lý mã số vùng trồng trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng quốc gia cũng được triển khai. Công nghệ thông tin theo dõi, cập nhật diễn biến rừng gồm ứng dụng di động và phục vụ công tác đo đếm, báo cáo diễn biến rừng được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 80 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản tham gia hệ thống TXNG sản phẩm, có 400 sản phẩm được dán tem TXNG, được quảng bá trên hệ thống hb.check.net.vn. Số lượng các đơn vị lắp hệ thống camera có kết nối internet, lập các website công ty quảng bá sản phẩm ngày càng tăng.
Ngoài ra, để giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí vật tư đầu vào thì công nghệ tưới tiết kiệm; công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; công nghệ nuôi cấy mô; sử dụng chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất... tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian qua, việc kế thừa và phát huy các ưu điểm của công nghệ sinh học đã bổ sung nhiều giống cây trồng, vật nuôi tạo bộ giống phong phú; công nghệ thâm canh, quản lý cây trồng tổng hợp... đã góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giảm công lao động, chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng diện tích. Sản phẩm nông, lâm, thủy sản được bán trên các ứng dụng số, sàn thương mại điện tử ngày càng nhiều, dễ tiếp cận với nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Công nghệ vi sinh phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường đã được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi, đặc biệt ứng dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo dược và phân bón sinh học vào vùng chuyên canh sản xuất. Qua đó từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất nặng về phân hoá học sang hữu cơ sinh học, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới. Chủ yếu là diện tích ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm chiếm tỷ lệ thấp; các cơ sở ứng dụng công nghệ tự động trong chăn nuôi, áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm bằng vật liệu mới chưa nhiều, việc bảo quản chế biến sản phẩm nông, lâm sản chủ yếu dùng công nghệ cấp đông...
Theo baohoabinh.com.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…