Đất nông nghiệp màu mỡ, khí hậu ôn hòa, những năm gần đây, nông dân các địa phương Lai Châu tích cực mở rộng diện tích các loại cây trồng tiềm năng (chè, mắc-ca, chanh leo, rau an toàn…) cho hiệu quả kinh tế cao.
Qua đó, thúc đẩy quy hoạch phát triển những vùng thâm canh các loại cây trồng tập trung, mang lại năng suất, sản lượng cao.
Nhiều loại cây trồng tiềm năng
Ông Nguyễn Đình Thượng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đường cho biết: Theo Kế hoạch UBND huyện giao, phòng phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân mở rộng diện tích các loại cây trồng tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến như: mắc-ca, chè, chanh leo, dong riềng… Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị các loại cây trồng, thu hút công ty, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, trên địa bàn huyện đã có hơn 20 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân trồng, sản xuất chè, miến dong, chanh leo gắn với xây dựng thương hiệu; hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng hàng hóa tập trung.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường cùng người dân xã Bản Hon kiểm tra sự phát triển của cây mắc-ca.
Huyện triển khai, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông dân thâm canh, tăng vụ. Đơn cử, cây chè đã làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng quê nghèo trước đây. Ngoài diện tích chè từ vài chục năm trước, bà con nỗ lực tham gia dự án trồng chè chất lượng cao của tỉnh, huyện. Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường liên kết với người trồng chè, thực hiện cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Toàn huyện đã có 2.227,9ha chè, trong đó 2.132,34ha chè tập trung, 1.593,8ha chè kinh doanh với sản lượng chè búp tươi đạt 14.350 tấn (tăng 1.350 tấn so với cùng kỳ năm trước).
Sau hơn 4 năm bén rễ, chanh leo đang là cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện. Bởi vậy, cây trồng này được người dân mở rộng trồng mới trên 300ha, trong đó gần 100ha cho thu hoạch với sản lượng đạt 5.845 tấn, tăng 965 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tại xã Sơn Bình, nhân dân thực hiện trồng trên 40ha chanh leo, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giàu. Thời gian tới, xã tiếp tục định hướng mở rộng diện tích trồng chanh leo; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất để nâng cao sản lượng.
Đến thăm vùng sản xuất nông nghiệp của các bản: Đông Pao 1, Đông Pao 2, Chăn Nuôi và bản Thẳm (xã Bản Hon), qua tìm hiểu nhận thấy sự thay đổi về tư duy sản xuất rất rõ nét của người dân nơi đây. Bà con ngày càng tích cực tìm tòi, nắm bắt khoa học, công nghệ mới để ứng dụng vào thực tiễn thâm canh, tăng vụ, chăm sóc cây trồng. Nhờ đó, xã đã hình thành vùng cây tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao như: chè, mắc-ca, chanh leo… Đối với cây chè, xã có tổng diện tích 122,3ha, trong đó 122,3ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt 1.125,2 tấn. Cây mắc-ca có 136,6ha, trong đó 9,5ha cho thu hoạch. Thực hiện trồng mới và chăm sóc 19,67ha chanh leo; 65,5ha cây ăn quả.
Trước đây, gia đình ông Tao Văn Nó ở bản Đông Pao 1 (xã Bản Hon) chủ yếu gieo trồng 1 vụ ngô, lúa mỗi năm. Từ năm 2012 đến nay, gia đình ông từng bước chuyển đổi nương ngô, lúa sang trồng mắc-ca và chè kim tuyên chất lượng cao; một số diện tích đất thực hiện trồng mắc-ca xen chè. Hiện, gia đình ông có gần 300 cây mắc-ca, 0,3ha chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định trên 50 triệu đồng mỗi năm.
Ông Nó tâm sự: “Nhờ chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng mắc-ca, chè, 3 năm gần đây, gia đình tôi có thu nhập cao, bền vững. Đây là những cây trồng tiềm năng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế”.
Hiện nay, Tam Đường đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô, tập trung, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao như: vùng trồng mắc-ca ở các xã: Bản Hon, Thèn Sin, Bản Bo; vùng trồng chè ở các xã: Bản Bo, Bản Hon, Bản Giang, Nà Tăm, Thèn Sin và vùng trồng cây ăn quả ôn đới ở các xã: Giang Ma, Hồ Thầu… Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường phát triển vùng nguyên liệu, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.
Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn
Với lợi thế về thổ nhưỡng, các địa phương trong tỉnh tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người dân sản xuất rau, trong đó có các diện tích sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả kinh tế cao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Qua đó, thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh phát triển, mang lại thu nhập cho nông dân.
Nông dân phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) thu hoạch rau xanh.
Mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích rau tỉnh của Lai Châu đạt trên 3.210ha, gồm: cải các loại trên 2.000ha; bầu, bí, dưa các loại 400ha; rau họ đậu khoảng 180ha; nhóm rau khác (rau muống, bầu, bí, khoai tây, rau gia vị, rau bản địa, ớt,…) trên 420ha; trên 95% số mẫu rau được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc khoảng 255ha, chiếm khoảng 8% tổng diện tích gieo trồng rau cả tỉnh.
Bình Lư là một trong những xã dẫn đầu của huyện Tam Đường về sản xuất rau xanh, với diện tích lớn, các loại rau trồng phong phú, sản phẩm được tiêu thụ nhanh. Hiện, toàn xã có 46ha rau, củ, quả các loại, riêng rau ngắn ngày (rau cải các loại) 8ha, sản lượng 35 tấn/ha. Để đảm bảo chất lượng rau đáp ứng được nhu cầu thị trường, chính quyền xã tập trung tuyên truyền người dân áp dụng sản xuất rau theo hướng hữu cơ, an toàn; sản xuất các loại rau ngắn ngày, đa dạng về chủng loại.
Ông Quách Tá Thiện - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: Cùng với phát triển diện tích trồng rau củ, xã định hướng người dân mở rộng thêm 10-15ha rau ngắn ngày, trong đó trồng trong nhà màng khoảng 2ha; đảm bảo tiêu chí an toàn, tập trung. Qua đó, nâng cao về sản lượng và chất lượng, tăng thu nhập cho người trồng rau.
Nằm giữa lòng thành phố Lai Châu, khu trồng rau xanh của phường Quyết Thắng với đa dạng các loại rau được trồng theo hướng tập trung; rau sản xuất không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được các thị trường lớn ngoài tỉnh ưa chuộng. Gia đình anh Bùi Văn Phong là một trong nhiều hộ có diện tích sản xuất rau lớn của phường, với 14 lao động thường xuyên, cuối giờ chiều hằng ngày là thời điểm vườn rau nhộn nhịp thu hoạch để kịp xuất đi Hà Nội. Anh Phong cho biết: Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương hợp với trồng rau, đặc biệt là các loại rau ngắn ngày, hơn 4 năm trước, gia đình tôi và 1 vài anh em hùn vốn thuê đất của bà con trong bản để trồng rau xanh. Diện tích vườn rau hiện tại khoảng 2,2ha. Rau được trồng đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật từ khâu làm đất, đa dạng về giống, mùa nào rau đó. Hiện, vườn rau đang vào vụ thu hoạch dưa leo, rau cải, các loại rau thơm và hành lá; bình quân mỗi ngày thu hơn 1 tấn dưa leo, trên 1 tạ hành lá. Một năm làm 4 vụ, mang lại lợi nhuận hơn 1,6 tỷ đồng và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Thành phố Lai Châu có hơn 60ha trồng rau, tập trung ở 6 xã, phường: San Thàng, Sùng Phài, Đông Phong, Tân Phong, Quyết Tiến và Quyết Thắng. Chính quyền thành phố xác định mục tiêu đến năm 2030 có 170ha trồng rau, trong đó 30ha trồng rau an toàn và theo quy trình kỹ thuật. Bà Dương Thị Nhài - Phó Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: “Phòng tập trung tham mưu UBND thành phố tuyên truyền người dân sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: áp dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt. Cùng với đó, thành phố chú trọng việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, qua việc đưa các sản phẩm rau giới thiệu tại các hội chợ, chương trình, sự kiện lớn được tổ chức tại tỉnh và các địa phương trong nước; đưa lên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, tăng giá trị sản phẩm, mang lại doanh thu cho người trồng rau. Nhờ các hướng đi hiệu quả, trung bình các diện tích sản xuất rau đại trà có doanh thu 400 - 500 triệu đồng/ha, đặc biệt các diện tích rau sản xuất an toàn đạt doanh thu từ 1 - 2 tỷ đồng/ha.
Diện tích gieo trồng rau các loại trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 985ha, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thu hoạch ước đạt 6.608 tấn. Ngày 22/1/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa các nội dung Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 vào điều kiện thực tế của địa phương; góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm rau của tỉnh. Trong đó, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ, chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm rau của thị trường trong nước và các nước nhập khẩu để phổ biến, thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn biết và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Từ những định hướng phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tin rằng diện tích trồng rau của tỉnh sẽ đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Qua đó, mang lại thêm nhiều lợi nhuận cho người trồng rau.
Triển vọng sản xuất nông nghiệp trong nhà màng
Nhằm giảm thiểu sâu bệnh cho cây trồng và cho ra thị trường các sản phẩm sạch, chất lượng, đầu năm 2024 xã Bình Lư (huyện Tam Đường) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bằng nhà màng. Sau một thời gian triển khai đã mang lại hiệu quả bước đầu, mở ra triển vọng sản xuất nông nghiệp cao.
Mô hình sản xuất rau trong nhà màng của gia đình anh Trần Đình Vượng (bản Tân Bình, xã Bình Lư).
Gia đình anh Trần Đình Vượng, ở bản Tân Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) là một trong những hộ tiên phong ở địa phương trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình sản xuất nhà màng công nghệ cao. Với diện tích hơn 200m2, đầu năm 2024 gia đình anh đã đầu tư gần 200 triệu đồng làm nhà màng để trồng các loại rau cải, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới tự động để tiết kiệm nước. Hiệu quả từ mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao này đã giúp gia đình anh hạn chế lượng nước mưa trong thời điểm những tháng mùa mưa, cây rau không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, toàn bộ diện tích rau trồng trong nhà màng sinh trưởng và phát triển nhanh hơn, từ 35-40 ngày cho thu hoạch một lứa rau, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/luống.
Cũng giống như anh Trần Đình Vượng, anh Nguyễn Duy Đức ở bản Tân Bình cũng mạnh dạn đầu tư làm nhà màng công nghệ cao và lựa chọn trồng cà chua, bắp cải, một số loại rau cải để phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, vào mùa mưa lượng mưa lớn nên việc gieo giống rất khó khăn, khi gieo ngoài trời hạt không nảy mầm vì độ ẩm quá lớn dẫn tới việc bị úng, từ khi gieo trồng trong nhà màng đã giúp hạn chế lượng nước mưa nên việc tỉ lệ nảy mầm đạt cao.
Bình Lư là địa phương phát triển nông nghiệp mạnh của huyện Tam Đường, đa dạng về chủng loại cây trồng, người dân mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất nông nghiệp bằng nhà màng, đến nay trên địa bàn xã Bình Lư đã có 6 hộ gia đình chuyển sang áp dụng mô hình này và thành lập Tổ hợp tác “Sản xuất rau VietGAP Tân Bình”, với diện tích gần 7.000m2 nhà màng.
Ưu điểm của nhà màng là ngăn chặn được sự gây hại của côn trùng, tránh được điều kiện bất lợi của môi trường. Đồng thời, người sản xuất dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh lượng nước tưới và chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển, giảm thiểu công chăm sóc, hạn chế sử dụng các chất hóa học. Đến nay, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Bình Lư đều mang lại hiệu quả cao hơn so với loại hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, được khách hàng ưa chuộng.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã Bình Lư lựa chọn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhà màng là hướng đi mới, mở ra triển vọng cho phát triển nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững. Đây là tiền đề để xã Bình Lư, cũng như nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tam Đường mạnh dạn đầu tư nhà màng để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Theo baolaichau.vn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.