Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 4 năm 2018 | 13:50

Ngư dân Quảng Ngãi lao đao vì những sự cố từ “tàu 67”

Sau hơn 3,5 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, nhìn chung kết quả đạt được tích cực, góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa đội tàu,...

2.JPG
Ngư dân Võ Văn Hân nhiều lần lao đao với chiếc tàu vỏ thép công suất 605CV, có tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng.

Sau hơn 3,5 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, nhìn chung kết quả đạt được tích cực, góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa đội tàu, tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển khai thác, nâng cao đời sống của ngư dân và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Tuy nhiên, với những vướng mắc phát sinh trong thực tế, việc triển khai chính sách đang bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Tiến độ triển khai “tàu 67” còn chậm

Thực hiện chương trình đóng “tàu 67”, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt 69 chiếc (trong đó đóng mới 27 tàu vỏ thép). Đến nay, đã và đang đóng 66 chiếc; trong đó, 60 chiếc hoàn thành đưa vào khai thác, gồm có 49 chiếc tàu vỏ gỗ, 10 chiếc vỏ thép và 1 chiếc vỏ composite.

Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng cho rằng: Nghị định số 67 đã định hướng và có chính sách phát triển toàn diện ngành thủy sản, từ cơ sở hạ tầng cảng cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản cho đến việc phát triển tàu cá công suất lớn, hiện đại có khả năng hoạt động dài ngày trên vùng biển xa bờ. Tuy nhiên, do vốn đầu tư hạn chế nên việc phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

“Chính sách tín dụng phát triển tàu cá đã giúp nhiều chủ tàu đầu tư tàu công suất lớn, trang bị tương đối hiện đại, song việc phát triển tàu cá vỏ thép ở Quảng Ngãi phải thận trọng, không làm theo phong trào, số lượng tàu vỏ thép làm ít để rút kinh nghiệm. So với các tỉnh lân cận thì Quảng Ngãi triển khai “tàu 67” chỉ bằng 1/3,” ông Hoàng chỉ rõ.

Sự cố tàu vỏ thép

Trong khi 49 chiếc tàu vỏ gỗ hoạt động hiệu quả, thì các tàu vỏ thép lại thường xuyên gặp trục trặc. Trong số 10 tàu vỏ thép thì có 9 chiếc xảy ra trục trặc kỹ thuật. Trong đó, có 7 chiếc ngư dân tự khắc phục, 2 chiếc do các cơ sở đóng tàu thực hiện công tác bảo hành. Những sự cố xảy ra với tàu vỏ thép thường là gỉ sắt ở một số vị trí, trục trặc hộp số và hệ thống làm lạnh...

Tàu Hoàng Anh 01 của ông Mai Thành Văn, ở xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn), là tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Ngãi được hạ thủy, từng là niềm tự hào của ngư dân, nhưng khi đưa vào khai thác liên tục gặp sự cố.

Còn ngư dân Võ Văn Hân ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) cũng nhiều lần lao đao với chiếc tàu vỏ thép công suất 605CV, có tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm đưa vào khai thác, chiếc tàu của ông Hân liên tục gặp sự cố ở bộ phận máy lưới kéo và bộ phận làm mát bị hỏng, khiến tàu chết máy. Mỗi lần tàu trục trặc, ông Hân tốn khá nhiều thời gian và chi phí sửa chữa. Hiện nay, dù chiếc tàu vỏ thép đã được khắc phục những sự cố và trở lại vươn khơi, nhưng ông Hân vẫn thấp thỏm âu lo, nhất là sau khi chiếc tàu xảy ra tình trạng chết máy giữa biển vào đầu năm 2017.

Tàu vỏ thép của ngư dân Trương Văn Chín (xã Phổ Quang - Đức Phổ) thường xuyên bị sự cố hộp số. Không chỉ tốn chi phí sửa chữa, mà tàu ông Chín phải nằm bờ một thời gian, hiệu quả sản xuất không đạt. Hơn nữa, nhiều tháng, tàu của ông Chín phải nằm bờ để đợi... bảo hiểm tàu cá.

1.JPG
Tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 của ông Mai Thành Văn liên tục gặp sự cố.

 

Ngư dân Trương Văn Chín  bộc bạch: Việc vận hành tàu vỏ thép cũng gặp nhiều trắc trở do yêu cầu kỹ thuật cao, lực lượng lao động thiếu chuyên nghiệp và họ thường xuyên “nhảy tàu”. Vì vậy, để “giữ” lao động cho tàu vỏ thép, tôi phải ứng trước chi phí đi biển cho họ. Có những chuyến biển làm ăn không hiệu quả, nhưng các lao động vẫn yêu cầu tạm ứng, khiến tôi chật vật trong việc lo kinh phí.

Gần đây nhất là chiếc tàu vỏ thép công suất 940CV của ngư dân Nguyễn Xiêm (An Hải - Lý Sơn) thường xuyên xuất hiện khói đen mỗi khi khởi động. Để đảm bảo an toàn cho người và tàu, ông Xiêm đã báo cáo với ngành chức năng và Nhà máy đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) để kiểm tra, khắc phục, thay máy chính…

Theo đánh giá của ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, hầu hết tàu vỏ thép phát huy hiệu quả chưa cao, không như mong muốn. Kinh phí đầu tư lớn, quy trình vận hành đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng hầu hết ngư dân quen với tàu vỏ gỗ, nên quá trình sử dụng còn bỡ ngỡ; lực lượng lao động thiếu chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn thấp…

Tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi,  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ yêu cầu Sở tập trung rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của tất cả các tàu được đóng mới theo Nghị định 67, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tồn tại và bất cập trong quá trình thực hiện. Nếu tàu vỏ thép chưa phát huy hiệu quả, cần báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nghiên cứu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ xem xét hoàn thiện chính sách, đồng thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp. Đơn cử như loại vật liệu đóng tàu, cần để ngư dân tự chọn sao cho phù hợp với năng lực, ngành nghề, kinh nghiệm cũng như khả năng vận hành. Quá trình đóng mới tàu, các đơn vị chuyên môn phải tích cực hỗ trợ ngư dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát, để kịp thời phát hiện và xử lý những khiếm khuyết, hạn chế thiệt hại.

Phát sinh nợ xấu

Hiện hai ngân hàng có dư nợ cho vay nhiều nhất theo Nghị định 67 là Agribank và BIDV. Trong đó, dư nợ tại BIDV 75 tỷ đồng; còn Agribank Quảng Ngãi cho vay đóng mới 11 chiếc tàu, dư nợ hiện tại là 123 tỷ đồng. Sau hơn 3,5 năm triển khai Nghị định 67, đã phát sinh những khoản nợ xấu.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi cho biết, hiện còn 5 chủ tàu đã đến hạn nhưng chưa trả nợ đầy đủ theo hợp đồng tín dụng gồm: Nguyễn Ngọc Nhiên (Nguyễn Xiêm - Lý Sơn), Nguyễn Thanh Hồng (TP. Quảng Ngãi),  Trương Văn Chín, Đồng Hoàng Vũ (huyện Đức Phổ).

Theo lãnh đạo các ngân hàng, mặc dù cho vay “tàu 67” rủi ro cao, nhưng thời gian qua tất cả các ngân hàng đều làm tròn nhiệm vụ chính trị được giao trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ngoài các tàu làm ăn kém hiệu quả hoặc bị hư hỏng, phải nằm bờ, thì nhiều ngư dân làm ăn hiệu quả, nhưng ỷ lại chính sách của Nhà nước, nên thiếu ý thức và trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, làm phát sinh nợ xấu. Ngân hàng chỉ có thể đặt niềm tin vào ngư dân, vào ý thức trả nợ của chủ tàu, vì ngân hàng không giám sát được dòng tiền thu được từ đánh bắt. Còn qua tài khoản lại không có tiền, nên mức độ rủi ro cao.

Đại diện lãnh đạo Agribank cho biết, Nghị định 67 chỉ mới ban hành nội dung thực hiện quy trình dự án, chưa ban hành các chế tài về xử lý sai phạm trong thực hiện dự án, chưa ban hành cơ chế xử lý các chủ tàu không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Nhà nước cũng như chấp hành quy trình nghiệp vụ cho vay của ngân hàng, từ đó dẫn đến nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Do đó, cần đưa ra chế tài về xem xét trách nhiệm của các chủ tàu bằng việc yêu cầu phải có bảo đảm một phần bằng tài sản của gia đình, cá nhân. Tránh tình trạng, làm ăn được thì không trả nợ, lúc không làm ăn được thì bỏ tàu cho Nhà nước xử lý, dẫn đến thất thoát vốn.

Mặt khác, để chính sách đạt được mục tiêu như kỳ vọng, Agribank cũng đề xuất áp dụng có chọn lọc, ưu tiên mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản tương tự mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; duy trì chính sách bảo hiểm đối với con tàu tương ứng với thời gian vay vốn theo quy định tại Nghị định 67.

Chậm được nhận tiền hỗ trợ

Thực hiện Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu cá, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định số 1092/ QĐ-UBND ngày 12/6/2017 việc hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu cá vỏ gỗ của ông Đinh Tấn Lợi (xã Phổ Quang - Đức Phổ) số tiền 1,085.738 tỷ đồng; Quyết định số 35/ QĐ-UBND ngày 08/01/2018 việc hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu cá Dương Văn Rin (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) số tiền 4,563.713 tỷ đồng.

Theo các quyết định, Sở Tài chính có trách nhiệm lập lệnh chi tiền gửi Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi để cấp cho Kho bạc Nhà nước huyện Đức Phổ/Bình Sơn trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc kể từ khi nhận quyết định này. Kho bạc Nhà nước các huyện Đức Phổ/Bình Sơn thông báo cho chủ tàu biết và xuất quỹ ngân sách, chuyển tiền vào tài khoản hoặc trả bằng tiền mặt cho chủ tàu trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận kinh phí do Kho bạc Nhà nước tỉnh cấp.

Thế nhưng, đến nay các chủ tàu nói trên vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ?

Từ thực tế ở Quảng Ngãi thấy, Nghị định 67 sau một thời gian triển khai đã đạt những hiệu quả bước đầu, nhưng cũng cần thiết phải tiếp tục có những sửa đổi kịp thời để chính sách thật sự đi vào cuộc sống.

 


 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top