Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2021 | 14:59

Người làm vườn cần liên kết chặt chẽ để “biến nguy thành cơ”

Để “biến nguy thành cơ”, người làm vườn cần tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật thân thiện môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản...

t7.jpg
PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (người đứng giữa, hàng đầu) và các đại biểu tại Hội thảo Quốc tế trực tuyến về các giải pháp tăng cường năng lực đáp ứng các quy định của EU đối với rau quả Việt Nam xuất khẩu.

 

Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu - 2021, phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Xuân Hồng về hoạt động của Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC; định hướng phát triển bền vững của nghề vườn trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Thưa Chủ tịch, ông có thể đánh giá vài nét về hoạt động của Hội và phong trào phát triển năm 2020, nhất là sau Đại hội VII Hội Làm vườn Việt Nam vừa qua?

Năm 2020, hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Mặc dù bị ảnh hưởng của tình hình đại dịch Covid-19, các cấp Hội vẫn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và nông dân phát triển kinh tế VAC và kinh tế vườn theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường và gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ.

Đã xuất hiện thêm nhiều mô hình kinh tế VAC với cách làm sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thuận theo tự nhiên, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là thân thiện môi trường. Vai trò của các mô hình VAC trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn bước đầu được khẳng định trong thực tiễn. Phong trào cải tạo vườn tạp, làm vườn hữu cơ, các mô hình vườn mẫu tại các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được phát triển, nhân rộng.

Sự phối hợp giữa Hội với các cơ quan, tổ chức trong ngành Nông nghiệp và PTNT được tăng cường. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Cơ sở vật chất, nơi làm việc của Văn phòng Cơ quan Hội Làm vườn Việt Nam được cải thiện một bước đáng kể.

Đặc biệt, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Hội đã được tổ chức thành công. Đại hội đã tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của Hội hơn 5 năm qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới và thảo luận, thông qua Điều lệ Hội Làm vườn Việt Nam (bổ sung, sửa đổi). Ban Chấp hành Hội đã được bổ sung nhiều cán bộ trẻ và các chuyên gia giỏi, tâm huyết với nghề làm vườn.

Ngay sau Đại hội, Ban Thường trực Hội đã khẩn trương tiếp nhận bàn giao, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới, hoàn thiện dự thảo Điều lệ Hội (bổ sung, sủa đổi) và thực hiện đầy đủ các thủ tục trình Bộ Nội vụ phê duyệt theo quy định.  Các quy chế trong hoạt động Hội cũng đã được khẩn trương rà soát, hoàn thiện để ban hành chính thức. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Hội đã được tăng cường và bắt đầu phát huy hiệu quả tốt. Hội cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động với một số đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong năm 2021.

Với thành tích đạt được trong năm 2020, Hội Làm vườn Việt Nam đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Năm 2021, dự báo nước ta sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Hội sẽ có định hướng, giải pháp như thế nào để xây dựng tổ chức vững mạnh, đẩy mạnh và nâng tầm phong trào phát triển kinh tế VAC, thưa Chủ tịch?

Năm 2021, mặc dù có nhiều thuận lợi, đặc biệt thời cơ rất lớn, đó là thị trường nông sản được mở ra với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng nông nghiệp nước ta nói chung và nghề làm vườn nói riêng vẫn phải đối mặt với những nguy cơ, đặc biệt là sự cực đoan của khí hậu và thiên tai khắc nghiệt, khó lường.

Để “biến nguy thành cơ”, người làm vườn cần tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật thân thiện môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp, xây dựng và phát triển các chuỗi sản phẩm nghề làm vườn, gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến và thị trường là những vấn đề cần được quan tâm. Phong trào phát triển kinh tế VAC và kinh tế vườn sẽ phát triển theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng cao hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết theo chuỗi sản phẩm và gắn sản xuất với thị trường, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Công tác thông tin, tuyên truyền vận động, tập huấn… của Hội sẽ tập trung vào các nội dung trên.

Thưa Chủ tịch, Hội Làm vườn và hội viên đã tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới, nhất là trong xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Năm 2021, Hội sẽ tham gia đưa nông thôn mới vào gia đình nông dân như thế nào?

Trong những năm qua, Hội Làm vườn Việt Nam đã tích cực tham gia vào Chương trình xây dựng nông thôn mới với dấu ấn rất đậm nét của phong trào xây dựng vườn mẫu tại các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả của phong trào làm vườn mẫu đã được Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao. Xây dựng vườn mẫu đã được đưa vào nội dung của giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong năm 2021 và những năm tới, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tiếp tục đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thiện, nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình vườn mẫu. Hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm vườn mẫu theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến tới việc phát triển một phong trào làm vườn hữu cơ trong toàn quốc. Phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, vườn đô thị và nông nghiệp tuần hoàn sẽ là những nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam.

Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, Chủ tịch có gửi gắm gì tới cán bộ, hội viên Hội Làm vườn Việt Nam?

Nhân dịp bước sang năm mới 2021 và đón Xuân Tân Sửu, thay mặt Ban Chấp hành Hội Làm vườn Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi đến các thế hệ cán bộ, hội viên của Hội lời chúc mừng chân thành và tốt đẹp nhất. Chúc cán bộ, hội viên của Hội một năm mới dồi dào sức khỏe, nhiều niềm vui, bình an, hạnh phúc. Chúc bà con nông dân và những người làm vườn một năm mới thuận lợi, được mùa, được giá.

Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, với tinh thần “đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, trong năm mới, cán bộ, hội viên của Hội sẽ kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với các hoạt động bổ ích, thiết thực, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch! 

 

Mục tiêu và nội dung trọng tâm hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2025:

Phát triển nghề làm vườn truyền thống theo nghĩa rộng gồm cả vườn, ao, chuồng nhằm tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện chiến lược an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và làm giàu của Đảng và Nhà nước.

Phát triển kinh tế VAC theo hướng hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, sức khỏe, văn hóa - xã hội của cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo bền vững và làm giàu, xây dựng nông thôn mới...

 

 

 

Vân Nhi (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top