Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội Làm vườn tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhiều mô hình VAC được quan tâm phát triển, có thu nhập khá cao và ổn định.
Hội viên tích cực tham gia hoạt động, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Nhiều mô hình VAC hiệu quả
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, của ngành, Ban Chấp hành Hội Làm vườn tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Hội Làm vườn các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế VAC, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Xây dựng các mô hình kinh tế VAC điển hình để hội viên trên địa bàn tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nhân ra diện rộng.
Đơn cử như Dự án “Mô hình trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ tại huyện Bình Gia”, được triển khai thực hiện đảm bảo kịp tiến độ kế hoạch xây dựng. Cán bộ chuyển giao kỹ thuật thường xuyên bám sát mô hình, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây thanh long; sang năm thứ 4, tỷ lệ cây sống đạt 100%, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo đánh giá của Phó chủ tịch Hội Làm vườn Lạng Sơn Trình Thị Luyến, năng suất bình quân của cả mô hình đạt 3,57 tấn/ha (bằng 119% kế hoạch). Các hộ tham gia mô hình đã có thu nhập từ việc bán quả thanh long, với giá bán trên thị trường dao động 20.000 - 30.000 đồng/kg quả, thu nhập bình quân năm 2021 đạt 40 -60 triệu đồng/hộ.
Bên cạnh đó, Đề tài “Tuyển chọn cây trám đen ưu tú, xây dựng mô hình nhân giống, trồng mới và thâm canh cây trám đen tại huyện Hữu Lũng” do Hội thực hiện đã chuyển giao hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân cho các hộ tham gia thực hiện mô hình; hướng dẫn bón thúc, làm cỏ, chăm sóc tạo điều kiện thuận lợi để cây trám sinh trưởng và phát triển. Sang năm thứ 2, tỷ lệ cây sống đạt 90%, cán bộ chuyển giao tiếp tục hướng dẫn các hộ chuẩn bị cây để trồng dặm đảm bảo mật độ theo quy trình kỹ thuật.
“Hiện nay, giá quả trám đen trên thị trường khá ổn định, nhu cầu sử dụng sản phẩm quả trám đen khá cao, tác động tích cực đến các hộ dân nhiệt tình tham gia, chuẩn bị nguyên vật liệu đối ứng để thực hiện mô hình. Trong thời gian trồng cây trám đen ghép, thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90%”, bà Luyến nhấn mạnh.
Ông Dương Hữu Bắc ở thôn Trí Yên, xã Bắc Quỳnh (huyện Bắc Sơn) gia nhập Hội Làm vườn huyện Bắc Sơn năm 2016, năm nào ông cũng được tham gia 1- 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi do Hội Làm vườn phối hợp với phòng chuyên môn huyện tổ chức. Ông Bắc cho biết: Năm 2018, tôi chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng thanh long và bưởi da xanh. Nhờ được tập huấn, tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm để trồng, chăm sóc cây ăn quả với diện tích 7 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Cùng đó, năm 2019, tôi được Hội Làm vườn huyện lựa chọn tham gia mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả. Theo đó, tôi được hỗ trợ 100% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn của gia đình, từ đó, giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian. Từ năm 2020 đến nay, vườn cây đã cho thu hoạch, mỗi năm, tôi thu về khoảng 50 triệu đồng từ trồng thanh long và 15 triệu đồng từ trồng bưởi da xanh.
Ngoài hộ ông Bắc, thời gian qua, nhiều hội viên được Hội Làm vườn huyện Bắc Sơn lựa chọn để triển khai mô hình tưới nhỏ giọt trên cây ăn quả. Từ năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn hỗ trợ 50 hộ tham gia mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả có múi như: quýt, cam, bưởi, với diện tích 85 ha. Qua triển khai, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm được lượng nước tưới 40-50% so với cách tưới truyền thống trước đây. Đồng thời, mô hình cũng tiết kiệm điện, hạn chế rửa trôi bề mặt đất, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm lượng phân bón và hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Ông Dương Đức Cường, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Bắc Sơn, cho biết: Cùng với việc phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế, Hội đã tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, góp phần thay đổi nhận thức của hội viên trong sản xuất. Nhờ đó, phong trào làm kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng trên địa bàn ngày càng phát triển, đời sống của hội viên từng bước được cải thiện, một số hội viên có thu nhập cao, ổn định. Hiện nay, Hội có trên 100 mô hình sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có trên 80 mô hình đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng trở lên, có mô hình cho thu nhập trên 500 triệu đồng như: mô hình trồng cây cam Canh của ông Dương Đình Đồng (xã Bắc Quỳnh).
Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào xứ Lạng”
Phó chủ tịch Hội Làm vườn Lạng Sơn Trình Thị Luyến cho biết, Hội Làm vườn tỉnh đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án “Xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể Hoa đào Lạng Sơn”, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Quyết định số 95015/QĐ-SHTT ngày 09/12/2021. Dự án đã cấp phát được 18.370 tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm “Hoa đào xứ Lạng” cho 153 chủ hộ sản xuất, kinh doanh hoa đào trên địa bàn toàn tỉnh. Dự án “Xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể Hoa đào xứ Lạng” đã hoàn thành các nội dung đề ra.
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Hoa đào xứ Lạng” cho sản phẩm hoa đào Lạng Sơn là thành công lớn thực hiện theo nội dung Công văn chỉ đạo số 529/VPCP-NN, ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ và sử dụng cây đào, hoa đào trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, góp phần tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng trong dịp Tết Nguyên đán.
Đến nay, chủ nhiệm Dự án đã hoàn thiện xong hồ sơ, đang trình Hội đồng khoa học Công nghệ tỉnh xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Củng cố tổ chức gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế VAC
Về công tác xây dựng mô hình VAC, bà Trình Thị Luyến cho biết, thực hiện Quyết định số 165/QĐ-SNN, ngày 30/5/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình khuyến nông xây dựng mô hình năm 2022, Cơ quan Văn phòng Hội đã xây dựng dự toán chi tiết trình Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt để Hội chủ động triển khai kịp thời vụ gắn nhiệm vụ củng cố tổ chức Hội, phát triển hội viên với nhiệm vụ phát triển kinh tế VAC, phấn đấu đến hết năm 2022 phát triển thêm từ 1-2 Hội Làm vườn xã, chi Hội Làm vườn thôn bản; kết nạp thêm từ 200 hội viên trở lên, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Làm vườn tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra.
Đến nay, 11/11 Hội Làm vườn cấp huyện đã tiến hành củng cố kiện toàn tổ chức Hội theo quy trình hướng dẫn của Sở Nội vụ và Điều lệ Hội. Toàn tỉnh có 500 Chi hội Hội Làm vườn thôn bản với 13.897 hội viên. Hội viên tích cực tham gia hoạt động, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Qua đó, Hội Làm vườn đã đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp để tạo điều kiện cho Hội Làm vườn thực hiện nhiệm vụ củng cố tổ chức Hội, hoạt động có hiệu quả, đẩy nhanh việc phát triển hội viên gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế VAC, từ đó tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho hội viên, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.