Cây mắc ca phát triển tốt nhưng ít trái hoặc không ra trái đang là nỗi lo của người dân Tuy Đức (Đắk Nông). Nhà vườn đang cần những đánh giá khoa học để có hướng phát triển mắc ca bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Lo ngại nguồn giống kém chất lượng
Gia đình chị Ngôn Thị Ý, ở xã Quảng Trực, có hơn 300 cây mắc ca trồng xen trong rẫy cà phê từ năm 2014. Chị trồng mỗi năm 1 ít, đến nay hầu hết mắc ca đã cho thu hoạch.
Do trồng năm nào mua giống năm đó, nên trong rẫy của chị Ý có tới 5 loại giống mắc ca. Qua quá trình chăm sóc, theo dõi, chị cho biết, có 3 giống cho hiệu quả kinh tế, còn 2 giống cây phát triển tốt, ra hoa nhiều, nhưng hầu như vụ nào cũng không đậu quả hoặc lác đác mỗi chùm vài quả.
Điều đáng nói là, cây ít quả chiếm hơn 1 nửa số cây mắc ca trong rẫy, nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Trong khi chị vẫn bón phân, chăm sóc đều đặn cho toàn bộ diện tích mắc ca hằng năm.
Hiện nay, chị Ý có 2ha đất muốn chuyển đổi sang trồng mắc ca, nhưng chị không biết mua giống ở đâu để bảo đảm hiệu quả, nên đành bỏ dở. Chị phân tích, chi phí giống khá cao, 35.000 – 40.000 đồng/cây, tùy thời điểm.
Do đó, nếu mua phải giống kém chất lượng, chị có thể vừa mất tiền giống, vừa mất tiền công đầu tư, trong khi mắc ca 6 - 7 năm mới cho thu hoạch.
Tương tự, gia đình chị Thị Oanh, ở xã Quảng Trực, có gần 300 cây mắc ca. Cũng như nhiều vườn mắc ca khác tại địa phương, vườn của chị Oanh có nhiều giống mắc ca khác nhau.
Chị Thị Oanh chia sẻ: “Thời điểm trồng chưa có kinh nghiệm, mỗi năm mua một ít giống về trồng. Người ta bán giống gì mua giống đó, nên có nhiều giống cây không chuẩn”.
Cũng theo chị Oanh, cây phát triển tốt, ra hoa nhiều, nhưng không năm nào đậu quả hoặc đậu lác đác vài quả mỗi chùm hoa. Năm nào chị cũng phát cỏ, bỏ phân theo hướng dẫn, nhưng không thấy đậu quả.
Thời gian đầu chị nghĩ rằng, chờ cây lớn thì mắc ca đậu nhiều quả. Thế nhưng, đến nay 300 cây mắc ca, năm thu cao nhất chỉ được gần 3 tạ quả.
Cần có đánh giá mang tính khoa học để lựa chọn giống tốt
Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, trải qua thực tế sản xuất, Tuy Đức xác định, mắc ca là cây chủ lực của huyện. Cây mắc ca phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, đặc biệt phù hợp với phong tục, tập quán canh tác của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, toàn huyện đã trồng được khoảng 1.500ha mắc ca. Hơn 20 loại giống mắc ca đang được người dân trồng phổ biến trên địa bàn huyện. Các giống mắc ca phổ biến như: OC, 695, 800, 788, 246, 344, 741, 816, 842, 849, A4, A16, A38, QN1, Dadow...
Theo UBND huyện Tuy Đức, đến nay vẫn chưa có tài liệu khẳng định giống mắc ca nào cho năng suất cao, phù hợp nhất với điều kiện sinh thái của Tuy Đức. Vì vậy, người dân chủ yếu trồng tự phát, chưa có sự định hướng cụ thể nào về giống.
Quá trình sản xuất mắc ca hiện nay chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của người trồng. Do đó, việc vườn cây mắc ca cho năng suất cao hay thấp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, các hộ trồng chưa có kỹ thuật tác động nhiều.
Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, cho biết, sau 12 năm phát triển, có thể nói, mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, nhiều giống đã cho thu hoạch 2 vụ.
Tuy nhiên, mắc ca là cây trồng khá nhạy cảm với khí hậu, mỗi tiểu vùng khí hậu phù hợp với mỗi giống khác nhau, nên cần những đánh giá khoa học để khuyến cáo người dân.
Bên cạnh đó, loại cây trồng này phải mất 6-7 năm mới cho thu hoạch, nên cần quản lý tốt giống để tránh khi thu hoạch mới phát hiện giống kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Với thực trạng trên, để phát triển bền vững, người dân đang rất cần có đánh giá mang tính khoa học để có thể lựa chọn giống tốt, đầu tư có hiệu quả. Ngành chức năng cũng cần có định hướng sớm cho người dân về trồng mắc ca và những giải pháp hỗ trợ người dân ghép cải tạo diện tích mắc ca thuộc giống chất lượng kém để hạn chế thiệt hại...
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.