Những năm qua, ở Đắk Nông xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Mô hình nuôi gà đẻ trứng của anh Trần Văn Nhật là một điển hình. Nuôi 4.000 con gà đẻ trứng, mỗi tháng chàng thanh niên này thu về khoảng 50 triệu đồng.
Chàng thanh niên dám nghĩ, dám thực hiện
Học hết lớp 9, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, khiến anh Trần Văn Nhật (25 tuổi), ở Buôn K62, xã Đắk Drô (Krông Nô) phải tạm dừng việc học để phụ giúp gia đình làm kinh tế. Gắn bó với nương rẫy qua nhiều năm, anh Nhật nhận thấy chi phí đầu tư vào rẫy cà phê, hồ tiêu cao, nhưng giá cả bấp bênh, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp.
Sau nhiều trăn trở, năm 2017, anh Nhật bắt đầu chuyển hướng làm kinh tế bằng chăn nuôi. Sau quá trình đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ các mô hình trong và ngoài tỉnh, anh quyết định chọn nuôi gà để khởi nghiệp.
Anh Nhật chia sẻ, gia đình nuôi gà từ khi anh còn nhỏ. Chính vì thế, anh có thể nhìn nhận rằng gà là loài dễ nuôi, dễ chăm sóc, lượng thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Anh bắt tay vào làm chuồng trại và mua 1.000 con gà lấy thịt về nuôi. Sau thời gian chăm sóc, đến ngày xuất bán thì đầu ra gặp khó khăn, lượng gà tiêu thụ chậm, giá thấp, nên nguồn thu nhập không cao.
Sau khi tìm hiểu thêm, anh nhận thấy thị trường trứng gà trên địa bàn huyện đầy tiềm năng. Do đó, anh đã quyết định chuyển hướng mua giống gà siêu trứng về nuôi. Bước đầu nuôi 1.000 con gà giống, qua thực tế nguồn thu nhập đem lại khá cao, nên anh tiếp tục mở rộng mô hình. Đến nay, quy mô chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh Nhật đã lên đến 4.000 con.
Trên diện tích gần 1.000m2, anh Nhật xây dựng chuồng trại với hệ thống máng nước tự động, quạt gió để chuồng nuôi luôn thông thoáng. Mỗi khu chăn nuôi, anh chia thành các giàn, mỗi giàn được chia thành các ô nhỏ để dễ chăm sóc gà.
Anh Nhật chia sẻ: "Yếu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi gà là chuồng trại và giống, nên lúc mua giống, phải chọn những cơ sở uy tín. Còn chuồng trại phải làm sao luôn thoáng mát, mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Ngoài ra, người nuôi gà cần chú ý đến phòng dịch bệnh bằng cách thường xuyên khử trùng chuồng trại và tăng sức đề kháng cho gà".
Địa chỉ học tập của nhiều đoàn viên, thanh niên
Với 4.000 con gà mái đẻ, trung bình mỗi ngày, gia đình anh Nhật cung cấp ra thị trường hơn 3.600 quả trứng. Với giá bán từ 1.600 đồng/quả trứng, mỗi tháng gia đình anh thu nhập 50 triệu đồng trừ chi phí. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập hơn 700 triệu đồng trừ chi phí.
Theo anh Nhật, muốn gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt, môi trường phải thoáng mát. Để gà ăn khỏe, đẻ khỏe, cần cung cấp đủ thức ăn và bảo đảm nước uống sạch cho gà. Người chăn nuôi gà cũng phải nắm vững kỹ thuật và cần có nhiều kinh nghiệm để chăm sóc gà theo từng giai đoạn cụ thể, nhất là khâu chọn lựa con giống, nuôi dưỡng gà.
Hiện, anh Nhật đang nuôi giống gà siêu trứng ngoại nhập từ Công ty CP Đồng Nai. Gà có ưu điểm đẻ liên tục 14 – 16 tháng, hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn. Sau khi khai thác trứng, đàn gà có thể bán thịt với giá 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, với 4.000 con gà, mỗi tuần anh Nhật còn lấy được 3 tấn phân, với giá bán 2 triệu đồng/tấn, giúp anh có thêm khoản phụ thu đáng kể.
Anh Trần Anh Ba, Phó Bí thư Huyện đoàn Krông Nô cho biết, mô hình nuôi gà của anh Nhật mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thanh niên địa phương. Đây là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu để nhiều thanh niên tại địa phương học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
Thời gian qua, đoàn thanh niên các xã đã tổ chức cho các thanh niên đến mô hình nuôi gà của anh Nhật để thăm quan, học hỏi, chuyển giao kỹ thuật, học tập kinh nghiệm nuôi gà. "Mô hình của anh Nhật đã góp phần đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, sản xuất giỏi tại địa phương", anh Ba cho biết.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.