Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 10 năm 2020 | 14:42

Phát triển kinh tế vườn để tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững

Kinh tế vườn (VAC) theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động sản xuất trồng trọt (Vườn - V) , nuôi trồng thủy sản (Ao - A) và chăn nuôi gia súc, gia cầm (Chuồng - C).

t34.jpg
Khu vườn hơn 10.000m2 của ông Phạm Văn Toàn ở thôn Mậu Hòa, xã Duy Trung (Duy Xuyên - Quảng Nam) mỗi năm cho thu  nhập hơn 200 triệu đồng. Ảnh: Tuyết Lê

 

Vườn truyền thống là hệ sinh thái tuần hoàn  khép kín của các hoạt động sản xuất V-A-C diễn ra trong một  không gian gắn liền với nhà ở, mục đích chủ yếu là tự cung cấp các loại thực  phẩm thiết yếu để cải thiện đời sống của hộ gia đình và một phần cho xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân.

Cùng với tiến trình phát triển nền nông nghiệp nước ta, phạm vi của kinh tế vườn ngày càng mở rộng. Từ thập niên cuối của thế kỷ XX, không gian của kinh tế vườn đã vượt ra ngoài khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, bên cạnh việc cải tạo các vườn tạp truyền thống thành vườn hàng hóa,  các mô hình "vườn ruộng", "vườn đồi, vườn rừng" (VACR) sản xuất hàng hóa chuyên canh hoặc đa canh ngày càng phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, từ khi thực hiện  Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/ QĐ- TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ chế chính sách quan trọng về đất đai, huy động nguồn lực đầu tư, vốn, khuyến nông, phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất, đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ,… đã được ban hành, triển khai kịp thời và thường xuyên cập nhật, hoàn thiện, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nông nghiệp nói chung và kinh tế vườn nói riêng rất hiệu quả.

Theo kết quả tổng hợp của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong 3 năm 2017- 2019, cả nước đã có gần 525.700 lượt hecta đất lúa được chuyển đổi, trong đó chuyển sang trồng cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao hơn là 370.780 lượt hecta, chuyển trồng cây lâu năm (chủ yếu là cây ăn quả) khoảng 57.650ha, chuyển  nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa 81.280ha. Hai vùng chủ lực chuyển đổi đất lúa là: Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chiếm xấp xỉ 76,0 % tổng diện tích chuyển sang cây lâu năm và 83 % tổng diện tích chuyển kết hợp trồng lúa và nuôi thủy sản của cả nước. Vùng miền núi phía Bắc, bên cạnh việc chuyển đổi đất lúa nước kém hiệu quả, một diện tích đáng kể đất đồi núi trồng lúa nương,  ngô cũng được chuyển sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm.

Nhiều mô hình chuyển đổi đất trồng cây lương thực sang cây trồng khác có  hoặc kết hợp nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế khá cao, bền vững.

Tỉnh Hưng Yên, từ 2015 đến hết 2017, đã chuyển đổi 3,2 ngàn hecta đất lúa ở cùng trũng, trong đó chuyển sang sang trồng cây ăn quả lâu năm như: nhãn, vải, cam, bưởi được trên 1,5 nghìn hecta, tập trung chủ yếu tại các huyện: Khoái Châu, Phù Cừ, Văn Giang và Ân Thi, chuyển sang trồng cây ăn quả hàng năm gần 500ha, trồng các loại cây hàng năm khác như hoa, cây cảnh, cây dược liệu, rau màu các loại trên 770ha và trồng lúa kết hợp nuôi thả thủy sản 286ha. Theo đánh giá của địa phương, diện tích sau chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó diện tích chuyển sang trồng cây ăn quả hàng năm, hoa, cây cảnh, cây dược liệu cho thu nhập từ 300 – 350 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 7 – 10 lần so với trồng lúa. Những diện tích trước đây chỉ gieo cấy 1 vụ lúa, sau khi chuyển sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi và nuôi thả thủy sản cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Tại Đồng Tháp, từ 2017 đến 2019, diện tích đất  lúa chuyển sang trồng cây ăn trái  là 7.025 ha, đưa tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh lên 29.200ha. Bên cạnh các sản phẩm trái cây nổi tiếng là thế mạnh của tỉnh như: xoài , vú sữa, quýt đường, cam xoàn, mận (miền Bắc gọi là quả gioi)…, một số loại mới như mít Thái cũng đang phát triển mạnh ở các huyện Tháp Mười,  Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh. Hiện Đồng Tháp có có  gần 930ha cây ăn trái được cấp chứng nhận VietGAP, 33ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Toàn tỉnh hiện có 476,2ha được cấp mã vùng trồng cây ăn trái đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Địa phương cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tăng cường đầu tư chế biến nông sản tại chỗ thông qua các chương trình như: chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư về lĩnh vực chế biến nông sản. Nhiều mô hình HTX nông nghiệp liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoạt động có hiệu quả. Điển hình như HTX nông sản sạch Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, bình quân mỗi năm cung cấp khoảng 800 - 900 tấn trái cây các loại cho hệ thống siêu thị Vinmart. Một số nông dân ở Đồng Tháp thực hiện mô hình kết hợp nông nghiệp và du lịch để tăng hiệu quả kinh tế  và thu nhập. Mô hình “Hội quán” đang phát triển rộng ở Đồng Tháp, giúp nông dân nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin kinh nghiệm sản xuất kinh doanh thiết thực và hiệu quả.

Tỉnh miền núi Sơn La, năm 2015, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh là trên 39.000ha, chủ yếu là các giống địa phương, sản lượng và chất lượng thấp chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trước thực trạng đó, tỉnh đã đề ra những giải pháp chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh  của địa phương để sản xuất hàng hoá gắn với công nghiệp chế biến, khuyến khích và hỗ trợ thành lập các HTX nông nghiệp và kết nối với doanh nghiệp, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao để sản xuất  các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2019, tổng diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đạt 31.896 ha. Trong đó trên 90 % chuyển từ đất trồng ngô, còn lại là đất chuyển từ trồng sắn, lúa nương, cà phê chè đã già cỗi. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất như: sử dụng giống cây ăn quả mới năng suất cao, chất lượng tốt (nhãn chín sớm, chín muộn, xoài Đài Loan, xoài Úc, bơ Booth..), thực hiện ghép cải tạo vườn cây bằng giống mới; hệ thống tưới nước tiết kiệm, trồng cây trong nhà màng, nhà lưới….

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có  gần 200 HTX trồng cây ăn quả với diện tích 5.280 ha; đã hỗ trợ xây dựng 39 chuỗi cung ứng sản phẩm quả an toàn với diện tích 807 ha tại các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La, Thuận Châu; đã có 70 doanh nghiệp, HTX cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh Qr-Code. Năm 2018, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La đạt 115 triệu USD sang thị trường 12 nước, trong đó có những thị trường khó tính như: Mỹ, Pháp, Australia, UAE…, trong đó cây ăn quả chiếm tỷ trọng đáng kể.

Tại Hà Tĩnh, phong trào xây dựng “Vườn mẫu” đã và đang được nhân rộng, không những tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải tạo vườn tạp thành vườn hàng hóa có thu nhập cao, mà còn là mô hình sáng tạo góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm tới, trên cơ sở phát huy những thành tựu và kinh nghiệm đã đạt được từ thực tiễn vừa qua, từng địa phương, tổ chức kinh tế, trang trại và hộ gia đình cần nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt  thời cơ và tiềm năng thế mạnh, khắc phục khó khăn, thách thức, tăng cường hợp tác, liên kết cùng chung tay thúc đẩy kinh tế vườn phát triển lên tầm cao mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn..

 

Kinh tế vườn đã và đang trở thành hướng phát triển chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nước ta, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phá thế độc canh cây lương thực, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa đa dạng phục vụ tiêu dùng trong nước và chế biến, xuất khẩu để  gia tăng giá trị thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.  

 

 

 

Phan Huy Thông
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top