Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 7 năm 2021 | 15:16

Sông Mã chủ động phương án chế biến, tiêu thụ 71.000 tấn nhãn

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Sông Mã (Sơn La) đã xây dựng phương án chế biến, tiêu thụ 71.000 tấn nhãn, trong đó, khoảng 70% sản lượng sẽ được sấy khô. Việc chủ động xây dựng phương án sấy long nhãn sẽ giúp nhà vườn nâng cao thu nhập.

t9.jpg
Trước tình hình phức tạp của dịch covid-19, việc tiêu thụ quả nhãn tươi chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

 

Nâng cao chất lượng quả nhãn

Vụ nhãn năm 2021, huyện Sông Mã có 7.286 ha nhãn, sản lượng ước đạt 71.000 tấn quả tươi, dự kiến từ ngày 10/7/2021 bắt đầu cho thu hoạch. Ngay từ đầu vụ, Sông Mã đã phối hợp với các sở, ngành, HTX, nhà vườn tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn như: VietGAP, Global GAP…;  tổ chức tập huấn quy trình chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến để sản xuất ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nhãn tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, duy trì, kết nối với các doanh nghiệp, thương lái tiêu thụ sản phẩm.

Chị Phạm Thuỳ Trang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh (huyện Sông Mã) cho biết, ngay từ đầu vụ, HTX đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn các thành viên áp dụng quy trình sản xuất VietGAP; tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất. Tuyên truyền cho người trồng nhãn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiêm cấm sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết, để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng, thời gian qua huyện đã quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng cây ăn quả an toàn tập trung, giám sát quy trình sản xuất, nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đặc biệt tại các vùng đã được cấp mã vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu, giám sát quy trình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP và các quy chuẩn tương đương để nâng cao hơn nữa là theo hướng hữu cơ.

“Cùng với đó, chính quyền địa phương hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho các HTX, gắn với đó hỗ trợ họ tham gia các chuỗi sự kiện xúc tiến, giới thiệu, quảng bá nông sản. Mời doanh nghiệp vào địa bàn để khảo sát, tìm hiểu quy trình sản xuất, thống nhất phương án thu mua cho các HTX”, ông Phương cho biết thêm.

Chủ động xây dựng phương án chế biến

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sông Mã đã xây dựng 2 phương án tiêu thụ sản phẩm nhãn.

Phương án 1, khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, huyện sẽ tiêu thụ, xuất khẩu 30% sản lượng nhãn tươi, 70% làm long nhãn.

Phương án 2, nếu dịch được khống chế, 70% sản lượng sẽ tiêu thụ tươi, 30% làm long nhãn.

 

t9a.JPG

Sông Mã chủ động xây dựng phương án sấy 70% sản lượng (tương đương khoảng 50.000 tấn) sẽ hạn chế được thiệt hại khi tiêu thụ quả tươi.

 

Với tình hình dịch như hiện nay, Sông Mã xác định 70% sản lượng sẽ chế biến thành long nhãn, 30 % sẽ tiêu thụ tươi tại thị trường trong nước.

Chị Phạm Thuỳ Trang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, cho biết, năm 2020, sản lượng xuất khẩu của HTX đạt  500-600 tấn. Do dịch Covid-19, nhân công sấy nhãn và tiêu thụ tươi sẽ gặp khăn khăn, HTX đang xây dựng kho lạnh trị giá khoảng 2 tỷ đồng để bảo quản hàng. Khi xây dựng xong, kho sẽ bảo quản được 60 tấn quả tươi và sản phẫm nhãn đã sơ chế.

Chị Trang cho biết thêm, năm nay xác định rất khó tiêu thụ nhãn tươi nên HTX sẽ sấy toàn bộ 600 tấn nhãn tươi. Ngoài ra, thu mua thêm nhãn để sấy, giúp người dân giảm bớt áp lực tiêu thụ. Hiện, HTX có 15 lò sấy, công suất 1,5 tấn tươi/lò/ngày đêm. Sau khi sấy khô, long nhãn sẽ không lo đầu ra vì bán dễ hơn.

Ông Nguyễn Văn Phương cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc mời các doanh nghiệp vào địa bàn sẽ gặp khó khăn, nhất là thương lái, doanh nghiệp từ vùng dịch về địa phương để thu mua họ phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch nên rất khó. Đặc biệt, tỉnh, huyện không tham gia, tổ chức được các chuỗi sự kiện xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm.

Trước khó khăn như trên, huyện đã chủ động xây dựng phương án chế biến, tiêu thụ, dự kiến 70% quả tươi sẽ chuyển sang sơ chế tại chỗ, 30% tiêu thụ quả tươi trong nước. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người dân đầu tư lò sấy long nhãn và kho lạnh để bảo quản. Sau khi sấy long nhãn bảo quản từ 6 tháng đến một năm, lúc này thuận lợi hơn trong việc tiêu thu.

“Hiện, Sông Mã có gần 800 lò sấy long nhãn. Tỉnh có chủ trương hỗ trợ xây dựng kho lạnh rộng từ 100m2 trở lên với mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/kho (dự kiến cả tỉnh hỗ trợ xây dựng  12 kho). Huyện cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ bà con đầu tư xây mới 260 lò sấy, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/lò trị giá 150 triệu đồng”, ông Phương cho biết thêm.

Với diện tích 7.286 ha, sản lượng ước đạt 71.000 tấn quả tươi, Sông Mã trở thành địa phương có diện tích, sản lượng nhãn lớn nhất nước. Việc chủ động xây dựng phương án chế biến, tiêu thụ nhãn khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp cho thấy sự linh hoạt, chủ động, kịp thời của huyện Sông Mã, từ đó giúp nhà vườn giảm thiểu thiệt hại.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top