Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 12 năm 2021 | 11:2

Sự chuyển hướng kịp thời: Kinh tế vượt qua “bạo bệnh”

Sau gần 2 tháng thực hiện chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhiều doanh nghiệp – tế bào của nền kinh tế đã hồi phục, tạo nên gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế.

Sau gần 2 tháng thực hiện chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (Nghị quyết 128 của Chính phủ, ban hành ngày 11/10/2021), nhiều doanh nghiệp – tế bào của nền kinh tế đã hồi phục, tạo nên gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế, tạo đà cho tháng cuối năm và năm 2022 dù tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp với biến thể Delta và biến thể Omicron mới xuất hiện.

Nhiều chuyên gia kinh tế, chủ doanh nghiệp, doanh nhân nhận định: Sự thay đổi cách thức phòng chống dịch của Chính phủ, nhất là gỡ bỏ rào cản “cát cứ” trong lưu thông được ví như liều thuốc đặc trị đối với các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung. Thêm nữa, họ ví các gói hỗ trợ của Chính phủ, các chính sách giảm lãi suất, giảm thuế, phí, khoanh nợ và đẩy mạnh đầu tư công,… như liều vitamin bổ sung để hồi phục “sức khỏe” cho doanh nghiệp, nền kinh tế sau cơn “bạo bệnh”.

Thực tế cho thấy, các chỉ số kinh tế tháng 10 và tháng 11 đã có chuyển biến tích cực và rất rõ ràng, trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Báo cáo của Tổng cục Thống kê tháng 10 và tháng 11 cho thấy rõ điều đó.

Theo báo cáo quý III/2021 của Tổng cục thống kê, đợt dịch thứ tư kéo dài từ đầu tháng 5 đến hết tháng 9 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế, các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống. Cụ thể, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, bình quân mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tuy nhiên, sang tháng 10, với việc Chính phủ đã thực hiện chính sách “sống chung an toàn, linh hoạt với Covid-19”, đẩy nhanh và mạnh tốc độ tiêm  vắcxin phòng Covid-19 cho người dân, đặc biệt tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp lớn… đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp  quay trở lại sản xuất.

Sang tháng 11, độ phủ tiêm vắcxin phòng Covid-19 mở rộng - gần 130 triệu liều được tiêm, đã giúp sản xuất tiếp tục khởi sắc, hoạt động xuất - nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực… 

Ước tính tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu quay trở lại. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 11 tháng đạt 599,12 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.  

Trong tháng 11, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá so với tháng trước cả về số lượng (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước.

 

xk.jpg
 

Bên cạnh những kết quả trên, phải kể đến một số tín hiệu rất tích cực nữa của kinh tế, đó là: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 397.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước; dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn được duy trì ổn định với 26,46 tỷ USD tính từ đầu năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm (CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020).

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 11 tháng đạt 43,5 tỷ USD. Mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD đặt ra trong năm nay chắc chắn sẽ được vượt qua.

Mặc dù vậy, để có thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6 đến 6,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.900 USD là thách thức không nhỏ bởi dịch bệnh vẫn đang đe dọa các quốc gia bạn hàng lớn của ta, số ca nhiễm mới trong nước vẫn gia tăng và một bộ phận không nhỏ người dân có thái độ chủ quan với dịch bệnh, nhiều rào cản cơ chế còn tồn tại,...

Chỉ có nâng cao ý thức tuân thủ nghiêm quy định 5K, tăng tỷ lệ tiêm vắcxin phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng và tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, tạo điều kiện để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nhất là các nguồn lực đất đai, tài chính, con người, chúng ta mới có thể đạt mục tiêu đề ra và không lỡ nhịp.

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top