Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Bình Giang (Hải Dương), UBND thị trấn Kẻ Sặt đang tiến hành rà soát và giải quyết dứt điểm các vi phạm về đất đai trên địa bàn, xây dựng kế hoạch để giải tỏa vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp tại khu vực cánh Mả Mái...
Ban hành nghị quyết xử lý vi phạm về đất đai
Sau loạt bài phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn và các cơ quan báo chí khác về những vi phạm trong quản lý đất đai của Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt, Huyện ủy Bình Giang đã ban hành các quyết định thi hành kỷ luật một số cán bộ.
Ngày 16/3/2022, UBND huyện Bình Giang ra Thông báo số 28/TB-VP Kết luận của đồng chí Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch UBND huyện. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện giao UBND thị trấn Kẻ Sặt tiếp tục rà soát, thống kê chi tiết, đảm bảo không bỏ sót các vi phạm về đất đai đến thời điểm hiện tại. Đảng ủy thị trấn đề ra Nghị quyết chuyên đề chung về giải quyết các vi phạm về đất đai trên địa bàn thị trấn.
Trước mắt trong tháng 5/2022, UBND thị trấn báo cáo Đảng ủy về vi phạm và giải tỏa vi phạm tại khu vực cánh Mả Mái và Chè Nét. UBND thị trấn xây dựng kế hoạch giải tỏa chi tiết và báo cáo các cơ quan liên quan phối hợp hỗ trợ. Thời gian thực hiện giải tỏa xong trước ngày 15/6/2022.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, Đảng ủy thị trấn Kẻ Sặt đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/ĐU ngày 02/6/2022 về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xử lý các vi phạm về đất đai trên địa bàn thị trấn. Trong đó yêu cầu UBND thị trấn thực hiện nghiêm, đúng nội dung, đảm bảo tiến độ theo Thông báo số 28/TB-VP Kết luận của đồng chí Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch UBND huyện.
Xây dựng kế hoạch xử lý các vi phạm tại khu vực Mả Mái, Chè Nét; khu vực đầu đường 38 từ đầu cầu Kẻ Sặt đến ngã ba Giáp Tranh; khu vực bờ sông Bạch Đằng; khu vực Mả Vường, Triều Viềng…
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế nông thôn, khu vực Chè Nét có tổng diện tích 6.233m2, là đất lúa, đất thủy lợi và giao thông do UBND thị trấn Kẻ Sặt quản lý. Hiện nay, khu vực này đã bị san lấp toàn bộ do ông Quách Đại Thuật quản lý 135m2; phần còn lại được chia thành 30 lô đều nhau nhưng chưa rõ người sử dụng?.
Còn khoảng 5.000m2 tại các vị trí khác của Chè Nét cũng bị san lấp và đã có người sử dụng.
Khu vực Mả Mái có khoảng 650m2 đất mặt nước cũng do UBND thị trấn quản lý, nhưng đã bị san lấp và hiện có 02 hộ đang sử dụng.
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Kẻ Sặt, sau khi rà soát và kiểm tra, chính quyền sẽ thực hiện cưỡng chế các công trình xây dựng vi phạm, lấn chiếm đất nông nghiệp do nhà nước quản lý.
Không có chuyện gia đình bà Đỗ Thị Lý lấn chiếm đất dự án để xây nhà
Trong quá trình tìm hiểu việc xử lý những vi phạm về đất đai trên địa bàn thị trấn Kẻ Sặt, phóng viên được biết, có đơn tố cáo gia đình bà Đỗ Thị Lý lấn chiếm đất của Dự án Khu dân cư để xây dựng nhà ở.
Để tìm hiểu có hay không việc gia đình bà Lý lấn chiếm đất của Dự án xây dựng nhà, phóng viên đã gặp gỡ và trao đổi với ông Phạm Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Gia và được biết: Dự án khu dân cư đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt, lên phương án bồi thường xong. Công ty TNHH Toàn Gia chỉ là đơn vị trúng thầu san lấp, xây dựng hạ tầng của dự án. Trường hợp của gia đình bà Đỗ Thị Lý nằm trong khu vực đất của dự án, đã được UBND huyện Bình Giang bồi thường xong.
Trả lời câu hỏi của phóng viên. “Vì sao công ty không thực hiện giải phóng mặt bằng đối với nhà của gia đình bà Lý?”, ông Vinh cho biết: “Không phải chúng tôi không di dời, mà ngôi nhà đó của bà Lý chúng tôi để lại làm mốc ranh giới giữa khu đất của dự án với khu đất của dân”.
Ông Vinh cũng chia sẻ, hiện nay, chúng tôi đang rất khó khăn khi thực hiện dự án, bởi đã có “bài học” xương máu cho chúng tôi, đó là khi giải phóng xong mặt bằng, đã có một hộ dân tái lấn chiếm, đến nay chính quyền vẫn chưa giải quyết dứt điểm sự việc này.
Việc ai đó cho rằng gia đình bà Lý đổ đất lấn chiếm và xây dựng nhà lên khu vực đất của dự án là không đúng. “Tôi khẳng định, gia đình bà Lý không lấn chiếm đất thuộc dự án để xây dựng nhà trái phép”, ông Vinh nói.
Việc ai đó tố cáo với chính quyền thị trấn Kẻ Sặt về việc gia đình bà Lý lấn chiếm, để làm cho việc cưỡng chế các khu vực khác gặp khó khăn theo sự chỉ đạo của UBND huyện là không đúng, chúng tôi đề nghị chính quyền thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND huyện.
Sau loạt bài báo phản ánh của Kinh tế nông thôn và các cơ quan báo chí khác về vi phạm trong quản lý đất đai tại thị trấn Kẻ Sặt, động thái chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện Bình Giang vừa qua phần nào lấy lại được niềm tin của người dân vào cán bộ và chính quyền địa phương.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.