Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 11 năm 2021 | 9:55

Thu nhập cao từ nuôi dê thâm canh

Nhờ nhạy bén trong chuyển đổi vật nuôi, ông Nguyễn Văn Tư ở bản Đồng Gia, xã Xuân Lương (Yên Thế - Bắc Giang) đã thực hiện thành công mô hình nuôi dê thâm canh, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chủ động chuyển đổi

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Yên Thế đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, lấy chăn nuôi làm khâu đột phá trong sản xuất để nâng cao thu nhập. Mô hình nuôi dê thâm canh của ông Nguyễn Văn Tư là một ví dụ.

Những năm trước, gia đình ông Tư khá thành công với mô hình nuôi lợn nái và lợn thương phẩm. Có thời điểm mỗi lứa nuôi tới gần 150 con lợn thương phẩm, 20 con lợn nái. Tuy nhiên, năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, mặc dù ông đã kịp xuất bán hết toàn bộ số lợn đủ tuổi, song số lợn còn lại vẫn phải tiêu hủy, thiệt hại hơn 500 triệu đồng.

Xác định dịch còn có thể kéo dài, mặt khác, chăn nuôi lợn cũng dễ bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên ông Tư quyết định chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Nhận thấy địa phương có thế mạnh về vườn đồi, diện tích đồng cỏ khá lớn, có nguồn thức ăn dồi dào cho chăn nuôi dê, sau khi tham khảo một số mô hình tại Tuyên Quang, Lạng Sơn cùng với sự tìm tòi học hỏi trên báo, đài…, ông mạnh dạn cải tạo toàn bộ hệ thống chuồng nuôi lợn thành chuồng nuôi dê.

 

1.JPG
Mô hình chăn nuôi dê thâm canh của gia đình ông Tư cho thu nhập cao, được  người dân trong vùng đến tham quan, học hỏi.

 

Bỏ ra hơn 250 triệu đồng đầu tư mua 100 con dê cỏ về nuôi, sau 5 tháng xuất bán, trừ chi phí, gia đình ông Tư thu lãi 80 triệu đồng. Tuy nhiên, việc nuôi dê cỏ đòi hỏi thời gian dài, 4-5 tháng, trọng lượng thấp, nên lợi nhuận không cao. Do vậy, đầu năm 2020, ông chuyển hoàn toàn sang nuôi giống dê Boer Thái Lan với quy mô ban đầu 170 con. Sau 3 tháng xuất bán, thu lãi 150 triệu đồng.

Thành công bước đầu đã tạo động lực cho ông tiếp tục tìm tòi, mở rộng quy mô sản xuất, vừa nuôi, vừa tích lũy vốn, kinh nghiệm. Từ mô hình nuôi dê Boer Thái Lan, năm 2020, gia đình ông Tư xuất bán 17-18 tấn dê, trừ chi phí, thu lãi trên 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhờ được vay vốn ưu đãi, ông đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng nuôi kiên cố, sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, duy trì đàn dê trên 250 con.

Hướng tới thành lập HTX

Ông Tư tâm sự, với đặc điểm là vùng gò đồi thuận lợi phát triển chăn nuôi dê, nhất là nguồn thức ăn phong phú, nuôi dê nhốt chuồng hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại vật nuôi khác. Ngoài việc tận dụng các loại lá trên rừng, lá mít, lá xoan trong vườn, tôi còn trồng thêm cỏ để đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn cho dê. Dê là động vật có sức đề kháng cao nên rất ít khi bị bệnh, quan trọng là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ; thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh, dê nuôi 4 tháng là có thể xuất bán. Đặc biệt, thị trường đầu ra khá ổn định, giá bán trung bình 150.000 - 160.000 đồng/kg.

Cùng với đó, được sự quan tâm giúp đỡ của Hội Làm vườn, Hội Nông dân xã và cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, năm 2019, Tổ hợp tác xã dê núi - ngựa bạch Xuân Lương được thành lập với 10 thành viên, quy mô nuôi trung bình 3.700 con dê thương phẩm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên hiện tại Tổ hợp tác xã duy trì đàn dê 1.500 con. Việc thành lập Tổ hợp tác xã đã tạo điều kiện để hội viên chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi, giúp nhau về con giống, hỗ trợ vốn…, từ đó thúc đẩy chăn nuôi dê của địa phương phát triển.

Ông Đoàn Xuân Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lương, cho biết, hiện nay phong trào nuôi dê phát triển khá mạnh. Mô hình của ông Nguyễn Văn Tư là mô hình tiêu biểu, được Hội Nông dân xã chỉ đạo các chi hội tổ chức cho hội viên, nông dân đến tham quan, học tập và làm theo.

Phát huy kinh nghiệm, kết quả đạt được, thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tư cùng Tổ hợp tác xã tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô đàn dê lên 3.000-4.000 con, thành lập Hợp tác xã Dê núi Xuân Lương, tiến tới đăng ký nhãn hiệu Dê Xuân Lương và Cao ngựa bạch Xuân Lương, từ đó tạo chuỗi sản xuất khép kín cung ứng ra thị trường nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở địa phương.

 

Đình Tùng
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top