Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 7 năm 2020 | 18:0

Tin NN: Giá lợn vẫn neo cao dù đã nhập hàng nghìn con lợn ngoại

Đến thời điểm hiện tại, 4.800 con lợn Thái Lan đã nhập về Việt Nam nhưng giá lợn hơi trong nước lại có xu hướng tăng, lợn thương phẩm vẫn neo giá mức cao.

Theo ghi nhận, giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục tăng nhẹ. Cụ thể, toàn miền có duy nhất tỉnh Vĩnh Phúc giá lợn báo tăng 2.000 đồng/kg lên 91.000 đồng/kg.

Tại Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, giá lợn không thay đổi, hiện dao động 90.000 - 92.000 đồng/kg.

lo.jpg
Lợn nhập từ Thái Lan đã về đến Việt Nam song giá lợn thương phẩm trong nước vẫn cao.

 

Giá lợn hơi tại Trung - Tây Nguyên giảm 2.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, giá lợn đồng loạt giảm 2.000 đồng/kg, hiện được thu mua trong khoảng 74.000 - 77.000 đồng/kg.

Tương tự miền Trung, giá lợn tại miền Nam cũng ghi nhận giảm nhẹ. Cụ thể, tại tỉnh An Giang, giá lợn báo giảm 2.000 đồng/kg, xuống 84.000 đồng/kg.

Còn tại Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, giá lợn được thu mua với mức thấp hơn từ 83.000 - 85.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi tại miền Nam dao động trong khoảng từ 83.000 - 88.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này, đã có khoảng 4.800 con lợn cả hậu bị và lợn thịt được nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam. Lợn nhập từng lô 300-500 con nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hơn nữa, việc nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của kiểm dịch thú y nên không thể nhập ồ ạt, thiếu kiểm soát.

Đến thời điểm này, mới có 500 con lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan được giết mổ bán ra thị trường nên nguồn cung chủ yếu vẫn là lợn nuôi trong nước. Theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn heo cả nước hiện đạt gần 2,5 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh Dịch tả heo châu Phi.

Sản lượng lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,64 triệu tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn cả nước mỗi quý từ 900-910 nghìn tấn trong bối cảnh các trang trại, doanh nghiệp cung cấp chỉ khoảng hơn 811 nghìn tấn, dẫn tới nguồn cung vẫn thiếu, kéo theo giá thịt lợn hơi vẫn tăng, nhất là tại các tỉnh miền Bắc.

Giá lợn hơi vẫn duy trì mức cao nên giá lợn thành phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn duy trì oử mức 150.000- 200.000 đồng/kg.

 

Dịch tả lợn châu Phi tái phát, cả nước tiêu hủy 34 nghìn lợn bệnh

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) phát sinh tại 773 xã tại 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là 34.000 con.

photo1593567027801-1593567028012-crop-1593567042209568176675.jpg
Chăm sóc đàn lợn nuôi. (Ảnh: IT)

 

Trong đó, có 25 xã có ổ dịch phát sinh mới, 228 xã tái phát dịch và 520 xã có dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020. Hiện nay, cả nước có 238 xã thuộc 60 huyện của 18 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày.

Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Bi thư, chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống dịch, tránh chủ quan, lơ là nhằm kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng.

Ông Tiến cũng đề nghị các Sở NN&PTNT thành lập ngay các đoàn công tác, phối hợp với chính quyền ở địa phương, xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng ở ổ dịch chưa qua 30 ngày. Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP.

Thứ trưởng Tiến lưu ý, các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.

Các địa phương cần báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn bản đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn giống để nuôi và lợn thịt đến các cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các địa phương giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp qua biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở, từ các nước Lào, Campuchia…nhằm ngăn chặn nguy  cơ các dịch bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn châu Phi, Lở mồm Long móng vào Việt Nam.

Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển bất hợp pháp, phải tiêu hủy theo quy định.

 

Ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung. Cụ thể, sản xuất Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi dần được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm.

Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, năng suất lúa vụ đông xuân 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp bắt đầu hồi phục từ tháng 5. Sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu giảm mạnh và giá cá, tôm nguyên liệu giảm.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, đàn trâu cả nước trong tháng Sáu tiếp tục giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019 do hiệu quả kinh tế không cao; đàn bò phát triển khá với mức tăng 3,4%.

Đàn lợn dần được khôi phục nhưng việc tái đàn còn chậm, giá lợn giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất, các hộ có đủ điều kiện lại thận trọng tái đàn do tâm lý lo ngại dịch quay trở lại.

Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng 6/2020 giảm 7,5% so với cùng thời điểm năm 2019. Tổng đàn và sản lượng gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ mở rộng quy mô chăn nuôi và khu vực doanh nghiệp phát triển tốt. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 6/2020 tăng 7,4% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 702,1 nghìn tấn, tăng 12,3%; sản lượng trứng gia cầm đạt 7,2 tỷ quả, tăng 11%.

Cùng đó, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 3.864 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước (quý II đạt 2.360,9 nghìn tấn, tăng 1,3%), bao gồm cá đạt 2.890,5 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 422,8 nghìn tấn, tăng 4%; thủy sản khác đạt 550,7 nghìn tấn, tăng 2,5%...

"Kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời, vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh”, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh./.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top