Trong lúc chờ các nhà khoa học nghiên cứu ra vắcxin thì biện pháp tổng hợp hữu hiệu nhất phòng bệnh tả lợn châu Phi vẫn là áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến thời điểm này phải xác định "sống chung" với nó.
Đồng thời, trong lúc chờ các nhà khoa học nghiên cứu ra vắcxin thì biện pháp tổng hợp hữu hiệu nhất vẫn là áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học."
Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 11/7 tại Hà Nội.
Chăn nuôi an toàn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tất cả các trang trại chăn nuôi lớn, chiếm 55% tổng đàn lợn của Việt Nam thì cần phải ý thức hơn về việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng phải thực hiện giải pháp này thì mới có thể khống chế được dịch tả lợn châu Phi.
Thực tế, nếu thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì dịch bệnh không thể xâm nhập vào được các trang trại này.
Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp khác như sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn...
Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (Tập Đoàn Quế Lâm) tại Thừa Thiên Huế là một trong những doanh nghiệp áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh đã mang lại hiệu quả.
Đến nay, các trang trại lợn của doanh nghiệp này vẫn an toàn trước dịch tả lợn châu Phi.
Đại diện Tập đoàn Quế Lâm cho biết, đây là một quy trình chăn nuôi áp dụng tổng hòa các giải pháp, ứng dụng công nghệ vi sinh trên nền hữu cơ chất lượng cao và hoàn toàn không kháng sinh/hóa chất.
Lợn nuôi là con giống sạch bệnh, nguồn gốc từ cơ sở an toàn dịch bệnh. Chuồng nuôi phải thiết kế (mùa đông ấm, mùa hè thoáng mát), có đệm lót, bổ sung chế phẩm vi sinh hoạt lực cao thường xuyên, do đó không mùi hôi, không nước thải, tiết kiệm nước tối đa.
Đệm lót bổ sung vi sinh vật thường xuyên, không cho cơ hội để virus/vi sinh vật gây bệnh tấn công nơi ở của lợn.
Bên cạnh đó, chuồng nuôi được bổ sung hệ thống phun mù, giảm nhiệt độ chuồng nuôi (bổ sung chế phẩm vi sinh, tránh sốc nhiệt cho vật nuôi và quan trọng hơn cả là bảo vệ cơ thể bên ngoài vật nuôi để virus/sinh vật gây bệnh không có cơ hội tấn công vật nuôi qua con đường tiếp xúc.
Đối với thức ăn, Tập đoàn sử dụng thêm men vi sinh để tăng sức đề kháng cho lợn, đồng thời thực hiện tiêu độc, khử trùng thường xuyên xung quanh chuồng trại...
Theo Tập đoàn Quế Lâm, chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh là một quy trình tổng hòa, khá hoàn chỉnh về kỹ thuật, từ chuồng nuôi, con giống, thức ăn, nước uống.. ở hầu hết các khâu của quy trình đều được bổ xung chế phẩm vi sinh với liều lượng phù hợp đã cải thiện sức đề kháng cho đàn lợn.
Đến thời điểm này (tháng 7/2019) các hộ gia đình liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh với Tập đoàn Quế Lâm theo chuỗi vẫn an toàn trước dịch tả lợn châu Phi.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, cần phải thay đổi lại tập quán chăn nuôi, bởi dịch tả lợn châu Phi xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Do đó, cần phải giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung, bởi hiện nay phần lớn vẫn là các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng chính là nguyên nhân mầm bệnh phát tán.
Hiện tỉnh Quảng Ninh chưa thực hiện việc tái đàn mà hướng dẫn người dân chuyển sang chăn nuôi các vật nuôi khác và thuỷ sản. Bên cạnh đó, Quảng Ninh, đang thực hiện việc di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tới đây, Bộ sẽ có khuyến nghị, định hướng rõ, nơi nào đảm bảo an toàn sinh học cao, những hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn làm chủ được công nghệ hoàn toàn trong quy trình an toàn sinh học thì phát triển; tiếp tục gia tăng đàn.
Những nơi có ổ dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày mà đảm bảo an toàn sinh học, kiểm tra cả môi trường xung quanh, cả điều kiện ý thức của dân, mối liên kết có doanh nghiệp… thì những chỗ đó có thể phát triển chăn nuôi lại được.
Không để xảy ra tình trạng "sốt" thực phẩm
Liên quan đến nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nếu không thực hiện các biện pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất tốt, thì cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn.
Do đó, ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có giải pháp cùng với các địa phương phải tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại. Riêng 6 tháng đầu năm, nhóm gia cầm đã tăng 7,2%.
Đối với nhóm đại gia súc sẽ phải thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất. Do dó, phải có chủ trương ngay từ bây giờ để làm sao kéo dài thời gian nuôi, tập trung chăm sóc.
Đây chính là nguồn thực phẩm tốt để bù đắp lại lượng thịt lợn bị thiếu hụt. Cuối cùng là đẩy mạnh phát triển nhóm thuỷ sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, khi phát triển 3 nhóm thực phẩm này phải hết sức chú ý 3 nguyên tắc.
Nguyên tắc đầu tiên là phải tổ chức xây dựng chuỗi an toàn, không để xảy ra dịch bệnh. Thứ hai là đảm bảo cân đối cung cầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt không kiểm soát, thừa sản phẩm. Cuối cùng là phải tạo sinh kế cho người bị thiệt hại chăn nuôi lợn để có việc làm mới.
"Như vậy, bằng nhiều biện pháp thực hiện cho được mục tiêu từ nay đến cuối năm không để xảy ra tình trạng sốt thực phẩm" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Về lâu dài, tháng 10/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức tổng kết chiến lược chăn nuôi 10 năm (2008-2018), để chuẩn bị cho những năm tới cơ cấu chăn nuôi Việt Nam, đảm bảo thích ứng được với biến đổi khí hậu, an toàn sinh học và đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.
Theo Cục Thú y, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 8/7/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là hơn 3,3 triệu con.
Cả nước còn tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đáng chú ý, có 116 xã thuộc 73 huyện của 23 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…