Năm 2019, huyện Bắc Yên phấn đấu trồng mới 500 ha cây ăn quả các loại.
Huyện Bắc Yên (Sơn La) hiện có 2.300ha sơn tra, tập trung tại các xã: Tà Xùa, Làng Chếu, Háng Đồng, Xím Vàng, Hang Chú và 2.600 ha các loại cây ăn quả khác, tập trung tại các xã: Phiêng Ban, Song Pe, Mường Khoa, Chim Vàn, Pắc Ngà, Phiêng Côn, Chiềng Sại, Tạ Khoa. Năm 2018, sản lượng các loại quả đạt 6.436 tấn.
Nhân dân bản Xím Vàng, xã Xím Vàng thu hoạch sơn tra. Ảnh: Báo Sơn La
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để mở rộng diện tích cây ăn quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, liên kết các hộ gia đình trồng cây ăn quả hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu, liên kết với các doanh nghiệp trong việc đầu tư sản xuất đến chế biến bảo quản, bao tiêu sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, ổn định lâu dài, bền vững; hỗ trợ các HTX tham gia quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
Nông dân Làng Giàng háo hức xuống đồng thu hoạch “lộc xuân”
Kết thúc kỳ nghỉ tết, nông dân xã Làng Giàng (Văn Bàn) háo hức xuống đồng thu hoạch khoai tây thương phẩm. Vụ khoai tây này được mùa, nên bà con trong xã phấn khởi hơn, coi đó là “lộc xuân”.
Nông dân khẩn trương thu hoạch khoai tây. Ảnh: Báo Lào Cai
Vụ đông xuân 2018 – 2019 là vụ đầu tiên xã Làng Giàng triển khai trồng khoai tây trên chân ruộng 2 vụ theo hình thức liên kết doanh nghiệp - nông dân.
Công ty An Việt (Thanh Hóa) đầu tư giống và cam kết thu mua với giá 5.000 đồng/kg khoai tây thương phẩm. Nông dân bỏ công làm đất, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm.
Tổng diện tích trồng khoai tây theo hình thức liên kết là 20 ha, tại 6 thôn: An, Hô Phai, Nà Bay, Nà Tiềm, Lập Thành, Nậm Bó. Năng suất đạt 8 tạ củ/sào, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/sào, gấp 2 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị canh tác.
Hiện, Công ty An Việt vừa tiến hành thu mua khoai tây thương phẩm, vừa sản xuất khoai tây giống để cung ứng cho bà con xã Làng Giàng trồng trong vụ đông xuân 2019 - 2020, với diện tích dự kiến từ 20 - 25 ha.
Hyện Kỳ Sơn sẵn sàn cho một năm bội thu
Đoàn công tác kiểm tra mô hình trồng dưa chuột tại xã Dân Hạ, Kỳ Sơn. Ảnh: Báo Hòa Bình
Để chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ đông xuân, đến thời điểm này công tác làm đất, chuẩn bị giống, phân bón của huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) cơ bản hoàn tất. Các địa phương đã chuẩn bị đủ giống theo diện tích kế hoạch đề ra với lượng giống gieo là 45 tấn, trong đó giống lúa lai chiếm 25% diện tích, lúa thuần chiếm 70% diện tích, các giống địa phương chiếm 5% diện tích.
Toàn huyện có trên 1.000 máy nông nghiệp nên khâu làm đất được cơ giới hóa 80-85%, vận chuyển sau thu hoạch 90%. Do điều kiện thời tiết nắng ấm nên không có mạ và lúa bị chết rét, tiến độ cấy của huyện đạt 550 ha. Dự kiến đến hết tháng 2 sẽ hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa xuân. Có khoảng 5 ha đất lúa nguy cơ bị hạn được chuyển sang trồng các loại cây có giá trị cao.
Với công tác chăn nuôi thú y, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát. Tình hình nuôi trồng thủy sản ổn định với 140 ha nuôi thả cá. Công tác bảo vệ và PCCR được thực hiện nghiêm chỉnh, hiện các địa phương đã chuẩn bị cây giống khoảng 150.000 cây (đạt 25% kế hoạch) và hiện trường trồng rừng khoảng 150 ha (đạt 30% kế hoạch).
Về công tác thủy lợi, huyện đã triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước chủ động thực hiện công tác phòng chống hạn vụ xuân 2019; tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất. Trước trong và sau tết công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được quan tâm để đảm bảo an toàn sản phẩm nông sản. Về công tác xây dựng NTM, toàn huyện có 5 xã đạt 19/19 tiêu chí. Năm 2019, xã Phú Minh phấn đấu về đích NTM. Hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, cải tạo vườn tạp được tiếp tục triển khai thực hiện.
Bạch Thông tập trung nâng cao chất lượng cây cam sành
Với sản lượng đạt trên 1.000 tấn mỗi năm, cây cam sành ở Bạch Thông (Bắc Kạn) tiếp tục khẳng định giá trị kinh tế, đem lại thu nhập khó cho người dân. Vì vậy việc cải tạo thâm canh, nâng cao chất lượng cây trồng này là chủ trương được huyện quan tâm.
Vườn cam của ông Bùi Xuân Thu ở thôn Bản Chàn, xã Dương Phong có sản lượng bình quân mỗi năm trên 10 tấn. Ảnh: Báo Bắc Kạn.
Diện tích cây cam sành trên địa bàn Bạch Thông hiện chỉ chiếm sau cây quýt với khoảng 200ha, phần đa là các diện tích cam có tuổi đời trên 10 năm, lâu thì trên 20 năm, tập trung chủ yếu ở các xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong.
Trước đây bà con chủ yếu gieo ươm từ hạt và cây giống chiết, một số ít thì sử dụng giống ghép do vậy năng suất, sản lượng không cao. Qua nhiều năm khai thác, thu hoạch, một số vườn cây lâu năm đã có hiện tượng thoái hóa, còi cọc hoặc sâu bệnh. Tuy nhiên cây cam sàng vẫn mang lại giá trị khá cao, trở thành cây đặc sản hàng hóa giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Theo tính toán, sản lượng cam mỗi năm toàn vùng đạt trên 1.000 tấn, giá trị thu về khoảng 20 tỷ đồng, giá cam luôn duy trì từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.
Mặc dù là cây chủ lực, mang lại nguồn thu nhập khá nhưng mấy năm nay cũng giống như quýt ta, cam sành địa phương cũng chịu sức ép không nhỏ từ thị trường, nhất là về giá cả, lý do là sản phẩm cạnh tranh lớn với cam ở các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Hà Giang. Nhằm giải quyết khó khăn này, năm 2018 huyện Bạch Thông đã triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển cây cam sành Bắc Kạn” với mục tiêu là ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển giống cam sành tại Bắc Kạn thành vùng sản xuất cam hàng hóa, có năng suất cao, giá trị tốt. Thời gian thực hiện của Dự án kéo dài đến năm 2020 với mục tiêu trồng mới 20ha và thâm canh cải tạo 10ha.
Ông Bùi Xuân Thu ở thôn Bản Chàn, xã Dương Phong là một trong những thành viên tham gia vào Dự án phát triển cây cam sành cho biết: “Tham gia dự án, chúng tôi đã biết áp dụng canh tác cam theo quy trình kỹ thuật của VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn lao động và bảo vệ môi trường, qua đó mẫu mã và chất lượng sản phẩm được nâng lên, thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ”. Được biết diện tích vườn cam của ông Thu có trên 1ha, dự kiến vụ này thu về trên 12-15 tấn quả.
Ông Đinh Quang Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chủ trương của huyện hiện nay là không mở rộng diện tích quýt, mà đầu tư nguồn lực vào việc thâm canh, chuyển hướng mở rộng cây cam. Vì vậy trên cơ sở của Dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển cây cam sành với thời hạn chỉ có 3 năm, các đơn vị chuyên môn cần thực hiệu quả trên mọi khâu, từ quản lý tốt cây đầu dòng, duy trì được hình thức tổ chức sản xuất, thường xuyên có trao đổi, bán sát thị trường, tìm đầu ra. Đặc biệt là phải tuân thủ theo hướng VietGAP có như vậy mới phát huy thế mạnh, tiềm năng của cây đặc sản, mang lại giá trị bền vững”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.