Có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp truyền thống, mô hình nuôi cá “sông trong ao” của anh Trần Công Thạo, ở thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh - Quảng Trị) mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Mạnh dạn đột phá
Anh Thạo cho hay, năm 2020, sau khi được Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh cho đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi cá “sông trong ao” tại các tỉnh phía Bắc, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, tháng 6/2020, anh mạnh dạn đầu tư, thử nghiệm nuôi với 2 bể có tổng diện tích 250m2. Kinh phí thực hiện trên 300 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 200 triệu đồng.
Trên diện tích này, anh Thạo đổ bờ ao kiên cố bằng bê tông, vị trí trung tâm bố trí hai bể nuôi cá có kích thước chiều dài, chiều rộng, chiều sâu tương ứng 25 x 5 x 2m. Ngăn cách bên ngoài hai bể nuôi là dòng nước chảy lưu thông theo hình tròn. Cách bố trí này là điểm khác biệt lớn so với ao nuôi truyền thống. Mỗi bể nuôi cá có đáy thảm bê tông cứng và được trang bị thêm máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy. Các máy này liên tục hoạt động tạo thành trục sông có tường bê tông ngăn nước.
Trong sông có sóng và dòng chảy tuần hoàn, nước luân chuyển khắp ao bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Toàn bộ chất thải của cá theo dòng nước chảy trong bể và đọng lại ở bể tĩnh phía sau. Tại đây, định kỳ 1 lần/tháng các chất thải sẽ được hút, thu gom. Nhờ vậy, môi trường nước ao nuôi luôn giữ được trong, sạch, cá sinh trưởng nhanh và ổn định.
Anh Thạo chia sẻ thêm, ở nhiều địa phương khác, người dân thường nuôi theo hình thức nuôi cá lấy thịt. Nhưng nắm bắt được nhu cầu của người dân trên địa bàn hiện nay cần cung ứng giống nuôi, trong khi đó các cơ sở ương giống cá trên địa bàn rất ít, vì vậy, anh mạnh dạn đầu tư theo hướng nuôi ương cá giống. Đối tượng thả ương là cá chép, cá trắm, cá rô phi, cá lăng, cá trắm đen.
Giống ương được anh mua về ngay lúc mới nở (giai đoạn này gọi là cá bột), được ương trong ao đất 20 ngày, lúc này thức ăn chủ yếu của cá là trứng gà, trứng vịt và bột mì. Đến giai đoạn 2 (giai đoạn này gọi là cá hương), cá có kích thước khoảng 4 phân và vẫn được nuôi ở ao đất, cho đến khi cá phát triển kích thước 10 - 15 phân thì sẽ được chuyển qua “bể sông” để nuôi. Lúc này thức ăn chính của cá là cỏ và bột dành cho cá.
Cũng theo anh Thạo, mô hình nuôi có chu kỳ chăn nuôi ngắn, chỉ 4 - 5 tháng là cá có thể xuất bán. Sau thu hoạch, cho phép thả con giống mới ngay mà không cần phải xử lý đáy ao... Bên cạnh đó, nuôi cá theo cách này, nước bể nuôi luôn sạch, không có mùi tanh, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm
Năm 2020, anh Thạo xuất bán hơn 3,2 tấn cá giống, trừ chi phí, thu lãi trên 120 triệu đồng.
Anh Thạo chia sẻ, trước đây trên diện tích này gia đình luân phiên canh tác theo mô hình lúa - cá nhưng tính tổng thu nhập cũng chỉ đạt 45 triệu đồng/năm, trong khi bỏ ra khá nhiều chi phí cũng như công chăm sóc. Đó là chưa kể có khi thất thu do ảnh hưởng của thời tiết hoặc dịch bệnh. Như vậy, với mô hình này đem lại cho gia đình anh nguồn thu cao gấp nhiều lần. Hiện, anh đang thả nuôi ươm lứa cá thứ hai, cũng đang trong thời kỳ xuất bán.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” của anh Thạo được nhiều người nuôi thủy sản ở trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục, mô hình nuôi cá “sông trong ao” mang lại hiệu quả cao hơn so với hình thức chăn nuôi truyền thống, đặc biệt là đảm bảo được các yếu tố vệ sinh môi trường. Mô hình mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở những địa phương vốn có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.