Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phòng và trị bệnh nuôi cá nước ngọt”, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nuôi và trị bệnh cho cá nước ngọt...
Cách làm hay giúp tăng lợi nhuận
Theo Tổng cục Thủy sản, tiềm năng nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc còn rất lớn với hơn 300 nghìn hecta; trong đó, 90% diện tích nuôi nước ngọt. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn có hàng trăm nghìn hecta mặt nước hồ thủy điện, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá. Năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc đạt gần 200 nghìn hecta, sản lượng hơn 900 nghìn tấn.
Tuy nhiên, việc phát triển ngành thủy sản ở các tỉnh phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: thời tiết bất thường, dễ phát sinh dịch bệnh; chất lượng con giống khó kiểm soát, điều kiện sản xuất của các cơ sở kinh doanh giống thủy sản còn gặp nhiều khó khăn; công tác giám sát vùng nuôi, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất tại nhiều địa phương chưa hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên, chia sẻ, toàn tỉnh có hơn 5.600ha nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, có khoảng 350 lồng nuôi cá trên sông và 50 bể áp dụng công nghệ “sông trong ao” nước tĩnh.
Những năm gần đây, tỉnh triển khai nhiều dự án mang lại hiệu quả cao như “Nuôi cá lồng trên sông”, mô hình sản xuất lúa - cá và nuôi cá theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy, năng suất nuôi thủy sản trung bình đạt 8 tấn/ha/chu kỳ nuôi, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha/chu kỳ. Sản lượng cá thương phẩm năm 2019 của toàn tỉnh ước đạt hơn 40 nghìn tấn.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay như: kinh nghiệm nuôi cá “sông trong ao” tại Hải Dương; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Bắc Ninh, Thái Bình; ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi cá rô phi thâm canh tại Bắc Giang.
Trong khuôn khổ diễn đàn, đại biểu của 5 tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên đã đi thăm mô hình sản xuất cá giống và cá thương phẩm của HTX thủy sản Hưng Phát - đơn vị tiên phong trong việc áp dụng mô hình nuôi cá “sông trong ao” và được sự hỗ trợ vốn cũng như công nghệ từ Chi cục Thủy sản tỉnh Hưng Yên; mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng.
Tại đây, các đại biểu được nghe chủ hộ giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm về nuôi cá đạt hiệu quả cao đối với cá lăng, cá chày mắt đỏ, cá quả, bống, trắm cỏ… Các chuyên gia trả lời những thắc mắc xung quanh các vấn đề phòng và trị bệnh nuôi cá nước ngọt, thức ăn, môi trường, phòng trị bệnh...
Giải tỏa băn khoăn
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã thực hiện phần thao tác trực tiếp trên mẫu vật. Đây là lần đầu tiên trong chuỗi các sự kiện khuyến nông được đổi mới về hình thức tổ chức, trong đó chú trọng sự tương tác giữa các chuyên gia, nhà khoa học với nông dân qua thao tác trực tiếp trên mẫu vật nhằm nâng cao hiệu quả phòng và trị bệnh cho cá nước ngọt.
Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn cá giống, các dụng cụ để chuyên gia thao tác hướng dẫn mổ cá bệnh, giới thiệu các dấu hiệu nhận biết và cách phòng trị bệnh. Qua hình ảnh chiếu trên màn hình, người nuôi có thể dễ dàng nhận biết một số loại bệnh thường gặp trên cá nuôi nước ngọt.
Theo ông Kinh Văn Vạn, Trưởng khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), khác với các vật nuôi trên cạn, khi cá bị bệnh, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm. Khi đã phát hiện được bệnh của cá thì việc điều trị bệnh cũng không đơn giản và dễ dàng, không phải điều trị từng con mà phải cả đàn trong ao. Mặt khác, khi trị bệnh cá, không phải lúc nào cũng có kết quả như mong muốn và ít nhiều ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cá, ảnh hưởng đến thức ăn tự nhiên và môi trường nước. Ngoài ra, một số thuốc có thể tích lũy trong cơ thể cá và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Chính vì vậy, trong quá trình nuôi cá nước ngọt, việc phòng trị bệnh vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lâu dài và quyết định.
Theo nhận định của các đại biểu, diễn đàn lần này được tổ chức quy mô và thực sự hiệu quả, giúp người nuôi có thể tiếp thu nhanh và đúng về kỹ thuật nuôi cũng như nhận biết bệnh của cá nuôi nước ngọt.
Bên cạnh đó còn giúp bà con giải tỏa băn khoăn bấy lâu về việc làm thế nào để phòng trị một số bệnh thông thường mà trước đây chưa biết cách gọi tên bệnh dịch đó. Mong các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiều hơn nữa những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật theo hình thức trực quan sinh động như thế này.
Giải pháp phòng và trị bệnh cho cá nước ngọt
Kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đưa ra một số giải pháp phòng và trị bệnh cho cá nước ngọt:
Phải làm tốt công tác thiết kế ao nuôi đồng bộ, căn cứ từ hướng gió, hướng nước, cống ra vào… Chuẩn bị ao thực hiện theo 8 chữ: Tháo cạn - Vét bùn - Khử trùng - Phơi khô.
Chọn con giống tốt, đảm bảo chất lượng, khỏe mạnh, tươi sáng, đều con…; mua tại cơ sở con giống uy tín.
Tạo nguồn thước ăn tự nhiên trong ao trước khi thả cá và duy trì thước ăn trong suốt quá trình nuôi.
Duy trì các vi sinh vật có lợi thông qua việc dùng chế phẩm sinh học…
Tăng sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách sử dụng vitamin C, cỏ tươi, thảo dược.
Cho cá ăn đảm bảo nguyên tắc 3 xem (Xem điều kiện thời tiết khi cho ăn, Xem biến động các yếu tố môi trường, Xem tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi), 4 định (Định chất lượng, Định số lượng, Định thời gian, Định địa điểm).
Đồng thời thực hiện tốt “5 cao, 3 thấp”, đó là Tốc độ sinh trưởng khá cao, Tỉ lệ sống cao, Năng suất cao, Hiệu quả cao, Số vụ thành công cao; Chi phí thấp nhất; Phiền hà thấp nhất; Ô nhiễm môi trường thấp nhất. Trong đó khuyến cáo người nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh dùng trong môi trường cũng như trong thức ăn. Chế phẩm vi sinh dùng trong môi trường được dùng để tạo được các vi sinh vật có lợi, ức chế các vi sinh vật có hại, phân hủy thức ăn thừa, giúp ổn định môi trường nước, giảm rủi ro. Đối với chế phẩm vi sinh dùng trong thước ăn, giúp tăng trưởng nhanh hơn, hạn chế các bệnh thường gặp, tăng sức đề kháng, tăng sức cạnh tranh đối vói sản phẩm cá nuôi.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần xây dựng các mô hình hiệu quả, thích ứng với môi trường khí hậu để chuyển giao cho nông dân, ví dụ như nuôi công nghệ cao, nuôi sinh thái, nuôi theo quy trình VietGAP. Tổ chức đào tạo để nhân rộng mô hình theo phương châm “một người làm, một ngàn người biết, một trăm người làm theo”.
Đặc biệt, chú ý đào tạo đội ngũ cán bộ, tập huấn cho nông dân, phải giỏi về phương pháp và tập huấn một cách khoa học, chặt chẽ, logic, giỏi chuyên môn để tập huấn cho nông dân một cách ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm.
Đối với nông dân, trước khi nuôi cá nước ngọt, cần tham quan mô hình hiệu quả trước khi làm, thậm chí làm rồi vẫn phải tham quan, khi đã tham quan thì phải mạnh dạn áp dụng. Chuẩn bị đủ vật chất và tinh thần, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, bí quyết, phải có tinh thần say mê, nhiệt tình và sự quyết tâm. Phải làm từ quy mô nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, không nên làm lớn từ đầu, khi làm nhỏ sẽ cho ta bài học kinh nghiệm, am hiểu kỹ thuật thì mới làm lớn được. Chủ động, sáng tạo và ghi chép trung thực để chia sẻ mô hình với nông dân, với nhà quản lý.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.