Trên cơ sở phân tích về điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng, Viện Nông nghiệp tỉnh, liên kết với Cty CP Phân bón Sông Mã triển khai thực hiện mô hình trồng cây khoai môn chỉ tím trên đất lúa.
Đồng thời, Công ty chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân. Các hộ dân góp đất, trực tiếp thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch và sơ chế sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp trước khi xuất bán.
Sau hơn 6 tháng trồng, chăm sóc, cho đến nay các hộ dân bắt đầu thu hoạch lứa khoai môn chỉ tím đầu tiên cho năng xuất cao ngoài mong đợi của người nông dân. Bà Lê Thị Mai, thôn Hậu Hiền, xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân chia sẻ: Gia đình tôi có 5 sào đất trồng lúa, đã chuyển sang trồng cây khoai môn chỉ tím. Nhờ tuân thủ nghiêm và thực hiện đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn của doanh nghiệp, nên diện tích khoai môn chỉ tím của gia đình bà sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 1,2 tấn/sào.
Cũng theo chia sẻ của một số hộ dân tham gia mô hình, trồng cây khoai môn chỉ tím trồng khá dễ, cây ít sâu bệnh, có khả năng chịu úng ngập tốt và không mất nhiều công chăm sóc, do vậy khá phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của người dân. Để diện tích trồng khoai môn chỉ tím đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, người trồng cần chú ý làm sạch cỏ, giữ đủ nước trên bề mặt ruộng để cây sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh gây hại.
Đánh giá về triển vọng của mô hình trồng cây khoai môn chỉ tím, ông Nguyễn Trọng Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Cây khoai môn chỉ tím có mặt ở nhiều tiểu vùng sinh thái trong cả nước, như: Đà Lạt, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp. Sản phẩm của cây khoai môn chỉ tím được sử dụng trong chế biến, nhất là làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm.
Còn ở Thanh Hóa, trước đây người dân chủ yếu trồng khoai môn bản địa năng xuất còn thấp, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung. Trên cơ sở phân tích, khảo sát, trung tâm nhận thấy, cây khoai môn chỉ tím phù hợp trên đất lúa kém hiệu quả ở tỉnh và mở ra tiềm năng để phát triển. Điều này cũng phù hợp với định hướng của tỉnh trong việc giảm diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sau khi thu hoạch, bà con nông dân đang làm sạch theo yêu cầu của Cty thua mua khoai môn chỉ tím.
Do đó, Trung tâm đã mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình theo phương thức liên kết với doanh nghiệp. Quá trình triển khai thực hiện mô hình, cho thấy: Cây khoai môn chỉ tím được trồng trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả kinh tế, sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất bình quân đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ, tương đương với doanh thu từ 160 đến 200 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 120 đến 140 triệu đồng/ha/vụ.
Điều đáng nói là sản phẩm khoai môn chỉ tím hiện có nhu cầu thị trường tiêu thụ khá rộng lớn tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, đây là cây trồng cần được trồng trên diện tích sản xuất nông nghiệp chủ động được nguồn nước để bảo đảm năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, ông Quyền cho biết thêm.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.