Theo học kiến trúc chuyên ngành cấp thoát nước Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhưng từ một cơ duyên, anh Nguyễn Trọng Bằng ở xã Công Lý (Lý Nhân - Hà Nam) đã được chọn là 1 trong 63 nhà nông tiêu biểu, đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021.
Anh Bằng chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp, tôi đi làm cho một công ty chuyên làm cấp thoát nước đúng chuyên ngành được đào tạo, nhưng thu nhập thấp. Trong khi đó, tại địa phương tôi sinh sống, người ta rầm rộ phong trào đi xuất khẩu lao động. Với gia cảnh khó khăn, những ngành nghề khác đòi hỏi rất cao, nên tôi chỉ có thể chọn đi theo ngành nghề nông nghiệp. Mục đích ban đầu của tôi là đi làm kiếm ít vốn liếng về nước làm gì thì sẽ tính sau”.
Gian nan lập nghiệp
Anh Bằng kể, sang Hàn Quốc, anh được đưa vào làm cho một công ty chuyên nuôi cấy, trồng các sản phẩm nấm lớn nhất nhì Hàn Quốc. Làm tại công ty này được 3 năm, anh đúc rút ra một số kinh nghiệm về nuôi cấy trồng nấm. Nhưng để có kinh nghiệm chuyên sâu và có thể tự làm ra được sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo tại Việt Nam, anh ra ngoài, vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm để sau này về Việt Nam có thể tự mở công ty.
Sau khi tìm hiểu, anh được biết, Đông trùng hạ thảo xuất phát từ Tây Tạng, được ghi nhận trong thư tịch của Tây Tạng và Trung Quốc cách đây khoảng 1.500 năm và người ta ghi nhận đây là vị thuốc dược liệu có dạng hình con sâu và nấm sẽ mọc lên từ đầu con sâu, chỉ mọc 1 nhánh duy nhất với tên gọi khoa học là Cordyceps sinensis, nó thường phân bố ở vùng rất khắc nghiệt, độ cao 3.500 - 5.000m ở vùng núi Hymalaya. Và sau khi phát hiện ra Đông trùng hạ thảo thì người ta cũng phát hiện ra chủng nấm này có rất nhiều “anh em”. Chủng nấm Cordyceps militaris, tên hay gọi là Nhộng trùng thảo, thường có ký chủ là con nhộng, màu vàng cam và được nuôi trồng rất phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam. Ở Hàn Quốc thì có phát triển một loại nấm có tên là Bông tuyết trùng thảo Isaria tenuipes (Cordyceps takaomontana) có màu trắng như bông tuyết ở tự nhiên. Tất cả các chủng nấm kể trên được xếp vào nhóm nấm kí sinh côn trùng hay gọi là nấm trùng thảo. Nhìn về mặt hình thái của chủng nấm thì chúng ta cũng sẽ biết được đâu là nấm Đông trùng hạ thảo và đâu là Nhộng trùng thảo hay Bông tuyết trùng thảo, nó sẽ khác nhau hoàn toàn.
Đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis tự nhiên có giá rất đắt, dao động từ 1,5 đến 3 tỷ đồng, càng ngày giá càng tăng vì độ khan hiếm của nó. Còn về nấm Nhộng trùng thảo Cordyceps militaris thì do được nuôi trồng nhân tạo rất phổ biến nên giá thấp hơn rất nhiều, thị trường dao động từ 25 đến 100 triệu đồng/kg.
“Sau một thời gian về nước, do vốn liếng không nhiều, nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi lựa chọn phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cấy trồng nấm ngay tại quê nhà. Chặng đường phát triển nấm Đông trùng hạ thảo của tôi khá vất vả, để có vốn, tôi phải vay mượn khắp nơi mới có được 1,5 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị các phòng lạnh, nhập máy móc thiết bị phục vụ nuôi cấy nấm Đông trùng hạ thảo từ nước ngoài về.
Trong vòng 6-7 tháng đầu sản phẩm không cho kết quả, thiệt hại đến 70% vốn đầu tư ban đầu, nản lắm chứ. Nản, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ. Tôi nghĩ mình sẽ phải làm chậm lại, để nghiên cứu kỹ hơn về loại nấm dược liệu đặc biệt này. Nhiều đêm, tôi không sao ngủ được, trong đầu luôn luôn tự hỏi tại sao bản thân nắm chắc kỹ thuật trồng nấm Đông trùng hạ thảo tại Hàn Quốc làm được như thế mà khi về Việt Nam làm lại không ra sản phẩm?”, anh Bằng chia sẻ.
Sau thời gian tìm tòi nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng nấm Đông trùng hạ thảo ở một vài cơ sở trong nước; thậm chí anh còn sang cả Thái Lan để tham quan, tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng nấm Đông trùng hạ thảo xem họ nuôi cấy ra sao, cuối cùng anh cũng tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Đầu tiên là sự khác biệt của môi trường của Việt Nam và Hàn Quốc. Bởi vì quy trình, kỹ thuật trồng nấm Đông trùng hạ thảo đều đúng nhưng điều kiện thời tiết, khí hậu, độ ẩm khác nhau, nguồn nguyên liệu ở Hàn Quốc cũng rất khác và trong quá trình phân lập giống nấm Đông trùng hạ thảo anh đã lựa chọn giống không khỏe, bị nhiễm bệnh dẫn đến việc nuôi cấy bị hỏng. Từ đó, anh đã thay đổi quy trình nuôi cấy và nhập nguồn giống của Nhật Bản.
Anh Bằng tiếp tục câu chuyện, sản phẩm tạo ra tốt thật đấy, nhưng làm sao để người dân họ tin, họ dùng và ủng hộ lại là chuyện không đơn giản. Thời gian đầu, anh đi quảng bá, giới thiệu liên tục, gần như sự kiện nào anh cũng có mặt. Có hôm chạy xô tham gia hội chợ, triển lãm ở huyện, lại đến tỉnh. Dần dần, anh cũng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm.
Các sản phẩm từ nấm Đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Trọng Bằng.
Từ kiến trúc sư trở thành Nông dân xuất sắc
Mặc dù chuyên ngành được đào tạo ban đầu không phải là kỹ sư nông nghiệp, nhưng bước đầu anh Bằng thành công trong lĩnh vực nông nghiệp. Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Nam, cho biết: Mô hình trồng nấm dược liệu Đông trùng hạ thảo của anh Bằng dù mới đưa vào sản xuất, tiêu thụ, nhưng đã được các cấp, các ngành đánh giá rất cao. Đây thực sự là một trong những điển hình nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Mô hình mới thực sự phát huy hiệu quả và cần được nhân rộng để trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Hà Nam.
Nấm Đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Trọng Bằng đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) đánh giá cao và có kết quả dược tính cao gần tương đương với loại trong tự nhiên, năm 2020, sản phẩm của này cũng được tỉnh Hà Nam cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP.
Tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, Nguyễn Trọng Bằng đã được chọn là một trong 63 nhà nông tiêu biểu của cả nước đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
Chia sẻ những thành quả bước đầu với phóng viên anh Bằng nói: Để có được những thành quả nêu trên tôi cảm ơn gia đình, bạn bè đã ủng hộ, giúp đỡ tôi về tinh thần, vật chất và những lời động viên chia sẻ. Cùng với đó, tôi cảm ơn chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện giúp tôi phát triển giống nấm Đông trùng hạ thảo này cả về kỹ thuật cũng như giúp đỡ tôi đưa sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo này lên sàn điện tử. Từ những tình cảm đó, tôi nguyện sẽ nghiên cứu nuôi cấy nấm Đông trùng hạ thảo này ngày càng có chất lượng tốt hơn để xứng đáng với sự tin yêu của khách hàng.
Anh Bằng còn cho biết thêm, thời gian tới, anh sẽ nuôi cấy, trồng thêm nhiều loại nấm ăn đặc biệt khác nữa.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.