Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 8 năm 2020 | 14:57

Tỷ phú... bưởi đầu tiên ở Tuyên Hóa

Gần 20 năm bám trụ với cây bưởi, nhưng trước đó, có thời kỳ ông Nguyễn Văn Minh, thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) lại rẻ rúng nó và từng nghĩ đến việc chặt bỏ, vì hiệu quả thấp.

Và giờ đây, ông trở thành tỷ phú... bưởi đầu tiên của huyện miền núi Tuyên Hóa.

Hành trình nhọc nhằn...

Ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Minh nằm lọt thỏm giữa vườn bưởi xanh um với hàng trăm gốc, lủng lẳng những quả. Chỉ còn gần 2 tháng nữa là vườn bưởi này cho thu hoạch.

 

t16.jpg
Bưởi của vườn nhà ông Minh đã có tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn VietGAP.

 

Dẫn chúng tôi đi xem khu vườn, ông Minh tính chắc mẩm, năm nay, vườn bưởi nhà ông tiếp tục bội thu. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp, cây bưởi mang lại cho ông nguồn thu nhập mà những năm trước dù có mơ ông cũng không nghĩ đến.

Kể từ năm 2016-2019, vườn bưởi nhà ông cho thu nhập đều đặn 400-500 triệu đồng/năm. Ông tính, vài năm tới, với 640 gốc bưởi, trung bình mỗi cây 150 quả (giá mỗi quả 30-35 nghìn đồng), mỗi năm ông sẽ thu được tiền tỷ.

Gần 20 năm trồng bưởi, nhưng chỉ 5 năm trở lại đây, vườn bưởi nhà ông mới thực sự mang lại nguồn thu lớn như vậy. Nhưng ít ai biết được rằng, hành trình để cây bưởi đứng vững và khẳng định giá trị trong khu vườn của người nông dân này cũng gặp không ít nhọc nhằn. Đã hơn một lần, ông Minh nghĩ đến việc chặt bỏ nó. Ông Minh kể, cũng giống như bao người khác trước đây, trên mảnh đất này, gia đình ông cũng chỉ quẩn quanh với vòng quay luân phiên của những vụ lạc, ngô, lúa.

Tưởng chừng, vùng đất dưới chân lèn đá sẽ khó có sự lựa chọn nào khác. Làm việc quần quật quanh năm, suốt tháng mà cả gia đình vẫn chỉ đủ ăn. Nếu cứ bám riết lấy lạc, ngô, lúa... thì sẽ khó mà nuôi nổi 8 người con đang tuổi ăn, tuổi học, chứ chưa nói tới chuyện làm giàu.

Nghĩ hết cách, cuối cùng ông quyết định sẽ tìm kiếm, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho thu nhập kinh tế cao hơn. Đầu tiên, ông trồng vải. Thời điểm đó, số cây vải trong vườn đã lên đến 200 gốc. Ông Minh trở thành một trong những điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Tuyên Hóa. Dù cho cây vải đã cho thu nhập khá so với các loại cây trồng trước đó, thế nhưng cũng chỉ được một thời gian, loại cây này vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của ông.

Bởi cứ 2-3 năm, cây vải mới cho một vụ quả. Rồi 50 gốc cam trồng kế đó cũng chỉ cho thu nhập nhỏ giọt. Cuối cùng, ông mới tìm đến cây bưởi. Ông Minh kể, lý do chọn cây bưởi, bởi thời điểm ấy giống bưởi Phúc Trạch đã nức tiếng và mang lại cho người nông dân ở tỉnh Hà Tĩnh nguồn thu nhập rất cao. Trong khi đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Kim Hóa cũng tương đồng với các địa phương trồng bưởi ở Hà Tĩnh. Ông tin vùng đất quê ông cũng trồng được cây bưởi Phúc Trạch.

Trồng bưởi từ năm thứ 4 trở đi, năm nào cây bưởi cũng cho quả đều đều và thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm, cao hơn hẳn trồng vải và các loại cây ngắn ngày trước đó. Ông bảo, cũng nhờ vườn bưởi này mà ông có tiền nuôi 8 người con ăn học đến nơi đến chốn.

Mở hướng cho kinh tế vườn đồi

Suốt hơn 10 năm, câu chuyện ông Minh trồng bưởi đối với người dân nơi đây cũng chỉ là “hiện tượng” bình thường. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, từ khi vườn bưởi của ông cho thu nhập lên đến nửa tỷ đồng mỗi năm, mọi người mới chú ý đến. Ông Minh cho hay, đã có lúc, ông nghĩ đến việc chặt bỏ vườn bưởi, bởi không hiểu vì sao, vườn bưởi nhà ông lại cho rất ít quả. Để tăng thêm thu nhập, ông cũng đã trồng xen thêm cây keo, tràm vào giữa vườn cây ăn quả của nhà mình.

 

t17.jpg
Vườn bưởi của ông Minh mở ra hướng phát triển kinh tế rừng trồng mới cho người dân trên địa bàn xã Kim Hóa và nhiều xã của huyện Tuyên Hóa.

 

Năm 2015, ông tìm đến những vườn bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh để học hỏi và tìm câu trả lời. Sau khi dò hỏi một thời gian, ông mới biết bấy lâu mình trồng bưởi nhưng không biết cách chăm sóc, kỹ thuật thụ phấn. Tìm được nguyên nhân, ông mời 3 kỹ sư nông nghiệp chuyên về cây bưởi đến tận nhà hướng dẫn.

Sau khi ông thực hiện đầy đủ các kỹ thuật, năm 2016, vườn bưởi nhà ông đã sai trĩu cành. Năm đó, cũng là năm gia đình ông thu được thắng lợi rất lớn. Từ chỗ chỉ vài chục triệu đồng/năm, năm 2016, ông thu hơn 400 triệu đồng. Năm 2017, ông mạnh dạn trồng thêm 400 gốc. Và năm nay, 400 gốc bưởi này đã cho lứa quả đầu tiên.

Năm 2019, vườn bưởi Phúc Trạch của ông Nguyễn Văn Minh đã xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn VietGAP. Đây là “cánh cửa” mở ra cơ hội lớn cho quả bưởi của gia đình ông và khẳng định chỗ đứng trên thị trường nông sản. “Bưởi của tôi đã có đầy đủ tiêu chuẩn, chứng nhận, tôi muốn quả bưởi của tôi bán ra thị trường phải có tên tuổi bưởi “ông Minh” chứ không bị trộn lẫn”, ông Minh cho biết.

Giờ đây, cứ đến vụ bưởi, không cần gọi điện, thương lái đã tự tìm đến nhà ông để thu mua. Cứ thỏa thuận xong giá, thương lái tự hái và mang đi tiêu thụ.

Sự thành công từ vườn bưởi của ông Minh đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới không chỉ trên địa bàn xã Kim Hóa, mà còn ở nhiều xã của huyện Tuyên Hóa.

Chủ tịch UBND xã Kim Hóa Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiệu quả kinh tế cao từ cây bưởi của ông Nguyễn Văn Minh đã gợi mở cho chính quyền địa phương hướng phát triển kinh tế mới.

Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi bò lai, trồng rừng gỗ lớn, xã đang tiến hành quy hoạch khu vực trồng các loại cây ăn quả có múi tập trung, như: bưởi, cam... với khoảng 100ha. Hiện tại, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ keo, tràm sang trồng bưởi với diện tích hơn 37ha. Về lâu dài, xã Kim Hóa cũng sẽ cho thành lập hợp tác xã để các gia đình tổ chức, hợp tác sản xuất hàng hóa các sản phẩm cây có múi với quy mô lớn, chất lượng cao, gắn liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương, mục tiêu, định hướng cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của huyện Tuyên Hóa trong lĩnh vực trồng trọt là sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, trồng rừng theo hướng phát triển các loại cây trồng thích hợp với biến đổi khí hậu vùng đồi, như: cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây có múi, cây dược liệu...

 

 

 

Dương Công Hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top