Nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định bắt buộc trái cây tươi từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng nhằm truy xuất được nguồn gốc.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nông dân trồng cây ăn trái tại ĐBSCL đã xây dựng mã số vùng trồng cho vườn cây, bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Song, do còn gặp nhiều khó khăn nên diện tích vườn cây ăn trái đã cấp mã số vùng trồng còn hạn chế so với tổng diện tích chung, cần kịp thời gỡ khó để nhân rộng.
Mang lại nhiều lợi ích
Việc xây dựng mã số vùng trồng cho vườn cây ăn trái không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong ghi nhật ký sản xuất, theo dõi chặt quá trình sản xuất và có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cùng với hạ giá thành sản xuất. Qua đó, mang đến tác động và hiệu quả tích cực trong nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản xuất khẩu, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.
Ông Văn Tấn Phương, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) thanh long Mỹ Tịnh An ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết: “Trước đây, khi chưa được cấp mã số vùng trồng, trái thanh long của HTX không thể xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ và Úc vì họ yêu cầu phải có mã số vùng trồng. Từ năm 2015, được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP thì thanh long của HTX đã được xuất khẩu vào Mỹ, Úc và mở rộng thị trường xuất khẩu tại nhiều nước ở châu Á và châu Âu. Nhờ vậy, thị trường xuất khẩu của HTX đa dạng hơn, uy tín của HTX được nâng cao, khách hàng của HTX ngày càng nhiều, giúp thành viên của HTX ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, cấp và quản lý mã số vùng trồng là yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu Covid-19. Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng đã cấp, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm nhằm phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương xây dựng mã số vùng trồng để có đầy đủ dữ liệu về quy mô sản lượng, mùa vụ, thời điểm thu hoạch... qua đó chủ động kết nối thông tin với thị trường nhập khẩu. |
HTX thanh long Mỹ Tịnh An thành lập năm 2009, có 100 thành viên, tăng 60 thành viên so lúc đầu, với tổng diện tích sản xuất 120ha.
Khởi đầu từ tổ hợp tác sản xuất trồng cây ăn trái, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX cây ăn trái Thái Thanh thành lập vào năm 2018 tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ. HTX có 20 xã viên, với 120ha trồng cây ăn trái. Nhờ tăng cường liên kết để trồng cây ăn trái theo hướng chất lượng, an toàn và có mã số vùng trồng, mặt hàng thanh nhãn của HTX cây ăn trái Thái Thanh cũng đã được xuất khẩu sang Singapore và các thị trường khó tính như Mỹ và Úc.
Theo ông Lê Văn Suốt, Giám đốc HTX cây ăn trái Thái Thanh, HTX tham gia xuất khẩu thanh nhãn đi thị trường các nước thông qua hợp đồng mua bán với Công ty Chánh Thu và Công ty Vina T&T. Cụ thể, thanh nhãn của HTX xuất khẩu đi Mỹ năm 2018-2019, Úc và Singapore năm 2020, dự kiến, năm 2022 sẽ là thị trường Nhật. Sản lượng thanh nhãn xuất khẩu mỗi năm khoảng 30 tấn. Đến nay, hầu hết diện tích vùng trồng của HTX đã được cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên, các vùng trồng có mã số này đều thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp do các công ty đăng ký và quản lý sử dụng mã số.
Ông Suốt cho biết thêm: “Trước đây, khi các hộ dân còn tự ai nấy làm, ít chịu tìm hiểu và chia sẻ, học hỏi lẫn nhau thì mẫu mã, chất lượng trái nhãn không đồng đều và bán giá thấp do hầu hết bán xô và tiêu thụ nội địa là chính. Tuy nhiên, sau khi liên kết sản xuất và có mã số vùng trồng, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và cách khắc phục những vấn đề gặp phải trong sản xuất, giúp tạo ra sản phẩm chất lượng đồng đều và được doanh nghiệp xuất khẩu thu mua với giá cao hơn 20% so với bán cho thương lái tiêu thụ nội địa”.
Cần hỗ trợ nông dân
Trái cây muốn xuất khẩu tại nhiều nước và bán giá cao tại các siêu thị và kênh bán hàng cấp cao, đòi hỏi phải đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, do chưa rành về các quy trình xây dựng và thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp mã số vùng trồng nên nông dân còn lúng túng trong thực hiện. Nông dân trồng cây ăn trái tại nhiều địa phương còn gặp khó do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và chưa liên kết giữa các hộ trồng. Ngoài ra, nông dân tại nhiều HTX trồng cây ăn trái xuất khẩu cũng chưa chủ động xây dựng mã số cho riêng mình mà để doanh nghiệp liên kết thu mua xuất khẩu tự đăng ký, dẫn đến HTX chưa có quyền sở hữu mã số...
Do đó, ngành chức năng cần quan tâm khuyến khích, hỗ trợ người dân tăng cường liên kết trong sản xuất và đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn, giúp người dân tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để sớm xây dựng được mã số vùng trồng.
Thời gian qua, việc thiết lập và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được nước ta thực hiện đối với nhiều sản phẩm cây trồng xuất khẩu để đáp ứng theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Để quản lý vùng trồng, Quốc hội cũng đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật Trồng trọt năm 2018. Bộ Nông nghiệp và PTNT được giao hướng dẫn cho công tác cấp mã số vùng trồng. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) có trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn, xây dựng tài liệu tập huấn cho các địa phương thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời, chịu trách nhiệm cấp mã số, đàm phán với các nước chấp nhận mã số và là đầu mối làm việc với các cơ quan thanh tra, kiểm tra của các nước nhập khẩu...
Theo Cục Bảo vệ thực vật, ĐBSCL có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất so với các vùng miền khác trong cả nước, với 1.258 mã số, chiếm gần 37% trên tổng mã số đã cấp trên toàn quốc. Toàn bộ các mã này đều được cấp cho cây ăn trái. Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang đẩy mạnh phân cấp và tăng cường năng lực cho địa phương về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, cũng như quản lý, giám sát và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Phấn đấu đến năm 2025, số lượng vùng trồng tại các tỉnh, thành ĐBSCL được cấp mã số tăng 3-5 lần so với hiện nay, mở rộng đối tượng cây trồng cấp mã số sang cây lúa, rau màu, khoai lang… cả cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Quy trình cấp mã số vùng trồng Sau khi kiểm tra và khảo sát, nếu vùng trồng đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chí kỹ thuật, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) sẽ tiến hành cấp mã số vùng trồng. Mã số vùng trồng là gì? Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Các bước cấp MSVT Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản làm đơn đề nghị cấp MSVT lên Cục Bảo vệ thực vật. Cục Bảo vệ thực vật xem xét, rà soát các tài liệu do tổ chức, cá nhân cung cấp. Nếu các tài liệu cần thiết đã được đáp ứng, cục sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát vùng trồng xin cấp mã số. Sau khi khảo sát, nếu vùng trồng đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chí kỹ thuật, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành cấp MSVT. Trong trường hợp vùng trồng chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, Cục sẽ chỉ đạo các biện pháp khắc phục. Tổ chức, cá nhân xin cấp có thể tiếp tục đăng ký sau khi đã hoàn thiện các yêu cầu còn thiếu. Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo MSVT cho tổ chức, cá nhân đăng ký và gửi mã số đó sang cơ quan bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu. Điều kiện để cấp MSVT Đối với tổ chức, cá nhân xin cấp mã số cần có đơn xin cấp MSVT kèm theo các giấy tờ cá nhân của người đại diện. Giấy chứng nhận VietGAP cho vùng trồng xin cấp mã số (nếu có). Diện tích vùng trồng có thể dao động từ 6-10 ha/mã nhưng không được quá 12 ha/mã để tiện cho việc quản lý. Vùng trồng xuất khẩu có thể không có chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ tương đương nhưng việc canh tác trong vùng phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương. Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, chăn thả gia súc, gia cầm bên trong vùng trồng. Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất một loại cây. Tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách ghi lại đầy đủ, rõ ràng quy trình canh tác. Xung quanh và bên trong vùng trồng phải sạch cỏ dại, đặc biệt là bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc bảo vệ thực vật phải có khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy. Cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành điều tra, thu mẫu và giám định thành phần dịch hại đang có trên vùng trồng xuất khẩu. Vùng trồng chỉ được cấp mã khi không có loài dịch hại nào là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ để giám sát vấn đề dịch hại. Vùng trồng chỉ được sử dụng 1 bộ thuốc bảo vệ thực vật (trừ bệnh, trừ sâu và trừ cỏ) bảo đảm không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm. Bộ thuốc sử dụng này phải được sự xác nhận của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại địa phương. NGUYỄN MƠ (tổng hợp) |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.