Bộ Công Thương nhìn nhận, thương chiến Mỹ - Trung với diễn biến khó lường sẽ tác động đến kinh tế thế giới. Đặc biệt, Bộ này dự báo, xuất khẩu nông sản sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông - lâm - thủy sản khó đạt mức tăng trưởng cao.
Kỳ 1: Thị trường khó lường với nhiều điều kiện
Do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu (XK) vào 2 thị trường này liên tục đảo chiều.
XK thủy sản sang Trung Quốc liên tục gặp khó
Tiếp tục xu hướng giảm của năm 2018, XK thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc nửa đầu năm 2019 giảm 2,3%, trong đó, XK tôm giảm gần 5%. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân trước hết do Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm tra an toàn thực phẩm.
Từ ngày 1/5/2018, sau khi Hải quan Trung Quốc phụ trách việc kiểm soát ATTP đối với thủy - hải sản, họ siết chặt thương mại nông - thủy sản qua đường tiểu ngạch, thắt chặt kiểm tra ATTP đối với thủy sản XK qua đường chính ngạch. Nhiều doanh nghiệp nhỏ vốn quen XK tiểu ngạch, thiếu thông tin về những quy định XK qua đường chính ngạch nên bị bất ngờ, thụ động trước tình huống bị cấm XK tiểu ngạch.
Hải quan Trung Quốc còn yêu cầu thủy - hải sản XK của Việt Nam phải nằm trong danh mục 120 loài đã được đánh giá và cho phép nhập khẩu vào nước này; doanh nghiệp phải xuất trình được chứng nhận kiểm dịch, C/O, bao bì đóng gói có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc…
Nhiều doanh nghiệp XK không nắm rõ quy định này nên không đưa được hàng vào Trung Quốc. Đơn cử, mực khô không xuất được, vì không có trong danh mục sản phẩm được XK chính ngạch, kết quả 6 tháng đầu năm nay bị giảm 80%.
Lợi thế cho cá ngừ và tôm ở thị trường Mỹ
VASEP cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng rất mạnh với mức tăng tới 61% so với cùng kỳ 2018 và đạt 159 triệu USD. Mỹ là thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam.
Mức tăng trưởng mạnh nói trên đã tác động rất tích cực tới tăng trưởng XK chung của cá ngừ. Trong 6 tháng đầu năm nay, XK cá ngừ đi tất cả các thị trường đạt hơn 366 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng mạnh là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Bắt đầu từ ngày 10/5, Mỹ áp mức thuế mới 25% với cá ngừ nhập khẩu từ Trung Quốc, thay cho mức 10% trước đây.
Trung Quốc vốn là nước cung cấp cá ngừ lớn nhất cho thị trường Mỹ. Vì thế, sau khi cá ngừ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị nâng thuế, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã buộc phải đi tìm nguồn cung thay thế từ các nước như châu Á khác như Việt Nam, Thái Lan…
Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng khá mạnh (tăng 61% so với cùng kỳ năm 2018).
Tương tự, XK tôm bao bột của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh có phần không nhỏ do tôm bao bột từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị tăng thuế lên 25%.
Hiện, Việt Nam đang cùng với Trung Quốc và Thái Lan là 3 nước XK tôm bao bột lớn nhất sang Mỹ. So với tôm bao bột Trung Quốc, tôm bao bột Việt Nam đang có lợi thế lớn về thuế. Còn so với tôm bao bột Thái Lan, tôm bao bột Việt Nam lại cạnh tranh hơn về giá.
Nông sản bị ép giá
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 8, lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ, đạt 246 triệu USD, 8 tháng đầu năm đạt 2,53 tỷ USD. Thị trường XK rau quả Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc với 70% thị phần, kim ngạch hơn 1,65 tỷ USD; tiếp theo là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), Trung Quốc phá giá đồng NDT nhằm hỗ trợ XK, nhưng đối với nhập khẩu thì họ bị ảnh hưởng. Cụ thể, hiện nước này muốn mua 1 USD phải mất 7 NDT thay vì 6 NDT như trước. Do đó thương lái của họ sẽ ép giá thu mua. Do bị ép giá, trị giá gạo XK giảm, doanh nghiệp phải cân đối lại mức giá thu mua lúa từ nông dân cho hợp lý, dẫn đến giá lúa giảm. Những tháng đầu năm 2019, dù sản lượng gạo XK giảm không đáng kể so với cùng kỳ nhưng trị giá giảm đến hơn 20%. Ngoài mặt hàng gạo, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết, xét ở góc độ kinh tế, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT có ảnh hưởng rất lớn, vì đây là thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhiều loại nông, thủy sản của Việt Nam. Ảnh hưởng lớn nhất là giá trị sản phẩm XK của Việt Nam bị sụt giảm, vì bị thương nhân Trung Quốc ép giá.
Mặt khác, thay đổi chính sách lớn nhất ở thị trường Trung Quốc là việc kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu tiểu ngạch. Đơn cử như mặt hàng sầu riêng, khi đến cửa khẩu mà không có đủ thủ tục, hồ sơ thông quan, doanh nghiệp phải mang về bán đổ, bán tháo.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cảnh báo, XK hàng rau quả những tháng cuối năm 2019 sẽ có khó khăn do kinh tế thế giới bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.
Điều kiện tiên quyết để XK vào Trung Quốc
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ hàng nông, thủy sản số 1 của Việt Nam, chiếm 27,3% tổng kim ngạch XK nhóm hàng này năm 2018. Tuy nhiên, nhiều yêu cầu ngày càng chặt chẽ được đưa ra với hàng NK vào Trung Quốc.
Theo các cam kết khi gia nhập các tổ chức quốc tế và khuôn khổ luật pháp quốc tế, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu nhằm bảo hộ thị trường và ngành sản xuất trong nước; lô hàng ngoài hạn ngạch nhập khẩu sẽ bị áp thuế rất cao so với hàng nhập khẩu trong hạn ngạch.
Mặt khác, việc mở cửa thị trường các quốc gia này cho các mặt hàng nông sản XK (như mặt hàng trái cây) của Việt Nam cũng cần trải qua các quy trình về đánh giá rủi ro dịch bệnh và căn cứ theo thứ tự ưu tiên đối với từng mặt hàng riêng lẻ với thời gian dài trước khi có thể ký kết Nghị định thư cho phép XK chính thức (thông thường mất 3-4 năm để hoàn tất thủ tục cho 1 loại mặt hàng).
Ngoài một số quy định theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu riêng biệt như: chỉ định cửa khẩu nhập khẩu, bao gồm cửa khẩu đường bộ, hàng không và đường thủy đối với các mặt hàng cụ thể như trái cây, thủy sản, lương thực... Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đối với nông - thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp XK sữa tiên phong sang thị trường Trung Quốc, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk, cho rằng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sữa đứng thứ 2 thế giới. Hiện, Trung Quốc chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu.
Tuy nhiên, sự khan hiếm nguồn cung không đồng nghĩa với việc Trung Quốc nới lỏng các tiêu chí. Theo ông Hải, thực tế những quy định và yêu cầu của Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Các quy định, quy chuẩn về sản xuất sản phẩm sữa cũng như các bài kiểm tra an toàn, hệ thống pháp luật quản lý chất lượng sản phẩm sữa của Trung Quốc chặt chẽ nhất thế giới.
Do vậy, các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, khi XK sản phẩm nông sản và sữa sang Trung Quốc phải vượt qua các yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc.
Với mặt hàng nông sản, bà Oanh cho rằng, cần tăng cường quản lý, giám sát chất lượng hàng XK từ khâu sản xuất đến gia công theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và thị trường XK. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP (những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm).
Bà Oanh nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy tiếp cận và không nên coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, từ đó, chú trọng đến chất lượng hàng nông sản và thực hiện nghiêm các quy định.
Theo VASEP, có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp XK cá tra, basa, gần 50 doanh nghiệp XK tôm và một số doanh nghiệp hải sản. Một số lượng đáng kể doanh nghiệp XK sang thị trường này bị ảnh hưởng sẽ làm giảm doanh số thủy sản XK nói chung. Xu hướng giảm XK dự báo còn tiếp tục vì chưa thể khắc phục ngay những khó khăn của thị trường. Dự báo, kim ngạch XK thủy sản sang Trung Quốc năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD, tương đương năm 2018. |
Kỳ 2: Thách thức đi liền với cơ hội
Các lĩnh vực của ngành nông nghiệp (NN) đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tuy nhiên, quá trình số hóa đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ nông dân có khả năng tiếp cận và áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất (SX) vẫn còn rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp và hộ SX nhỏ chưa có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư vào các hệ thống NN thông minh. Điều này tạo ra rào cản trong việc ứng dụng công nghệ số vào SX NN.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.