Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 2 năm 2023 | 21:27

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan làm việc với Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ

Bộ trưởng Lê Minh Hoan vừa làm việc với 2 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là Alexis Taylor và Jenny Moffitt, trao đổi về hợp tác thương mại và khoa học trong nông nghiệp.

Trong buổi làm việc vào ngày 27/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời chào đến đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ông nói, dù cách nhau đến 12 múi giờ nhưng không có khoảng cách trong quan hệ của ngành nông nghiệp 2 nước.

Theo ông, thời gian qua, 2 bên đã mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi của Hoa Kỳ vào Việt Nam và cũng đang xem xét để thúc đẩy mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với 2 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ

 

Bộ trưởng chia sẻ thêm: “Chiều ngược lại, chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ có thể tạo điều kiện, hỗ trợ để các sản phẩm thủy sản, lâm nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu tốt hơn sang thị trường các bạn, đặc biệt là các vấn đề kỹ thuật”.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh mong muốn phía Hoa Kỳ khi đưa ra các chuẩn mực với sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng hỗ trợ nâng cao năng lực cho nhân lực trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp để có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các chuẩn mực đó.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nông nghiệp Việt Nam không chỉ là ngành hàng kinh tế mà còn là một cấu trúc xã hội, gắn liền với cuộc sống của nhiều người nông dân, do đó, mỗi sự thay đổi trong thương mại cũng ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân.

“Do đó, chúng tôi rất cảm ơn Hoa Kỳ đã lắng nghe và thay đổi trong mức áp thuế chống phá giá với sản phẩm mật ong”, ông nói và nhấn mạnh thêm, mong muốn Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có sự thấu hiểu mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về phần mình, Thứ trưởng Alexis Taylor cho biết, bà rất vui mừng khi tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hai nước đã đạt 10 tỷ USD, cho thấy các sản phẩm nông nghiệp 2 quốc gia mang tính bổ trợ cho nhau. Trong khi đó, Thứ trưởng Jenny Moffitt nói, 2 nước đã đạt được những thành tựu ngoài thương mại, như về chia sẻ kiến thức, bảo vệ, phát triển nền nông nghiệp của nhau, ví dụ như việc nghiên cứu và thử nghiệm thành công vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Hai Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là Alexis Taylor và Jenny Moffitt tặng Bộ trưởng Lê Minh Hoan những trái bưởi chùm, nông sản Hoa Kỳ.

Liên quan đến vấn đề mức áp thuế chống phá giá với sản phẩm mật ong, bà Alexis Taylor nói, với mặt hàng mật ong, Hoa Kỳ cam kết sẽ minh bạch các vấn đề pháp lý liên quan để phía Việt Nam, đặc biệt là người nuôi ong, có thể hiểu rõ được vấn đề này và chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan phụ trách về thuế.

“Chúng ta có thể hy vọng về những tiến triển tốt trong việc xuất khẩu các sản phẩm lâm nghiệp của Việt Nam sang Hoa Kỳ”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chia sẻ thêm.

Tiếp đó, về  việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp, ông Lê Minh Hoan nói Việt Nam cam kết sẽ xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm trong giao thương quốc tế, trong đó có giao thương với Hoa Kỳ. “Tương tự đối với các sản phẩm biến đổi gen, Việt Nam có tư duy rất mở và sẽ thúc đẩy quá trình đánh giá các sản phẩm này”, Bộ trưởng khẳng định.

Về phía Hoa Kỳ, Thứ trưởng Alexis Taylor nói rất vui mừng với những tiến triển trong thời gian vừa qua trong vấn đề phê duyệt, tuy nhiên thời gian gần đây đang bị chững lại.

“Theo thông tin của tôi, có 4 hồ sơ đã được phía Hoa Kỳ trình với Bộ Nông nghiệp và PTNT nhưng chưa có thông tin đã nhận được hay chưa và 6 hồ sơ khác cũng đang chờ phê duyệt, chúng tôi mong muốn sớm có thông tin cập nhật về những hồ sơ này”, bà nói.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt được 52 hồ sơ về sản phẩm biến đổi gen với 4 hồ sơ bà vừa nói, Việt Nam sẽ sớm thành lập hội đồng để đánh giá. “Thời gian vừa qua, tiến trình đánh giá bị chững lại do chúng tôi đang có một số sắp xếp nên chưa thể tổ chức được hội đồng liên Bộ này”, ông nói.

Đánh giá về các giải pháp khoa học hiện nay, bà Alexis Taylor cho rằng, trước các vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, công nghệ đóng một vai trò rất quan trọng. Do đó, chúng ta thấy rằng công nghệ sinh học đóng một vai trò nhất định trong việc mang lại lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng cũng như đối phó với biến đổi khí hậu. “Theo tôi, trong năm nay, chúng ta sẽ có thêm nhiều diễn đàn để trao đổi thêm về vấn đề này và rất mong có sự tham gia của Bộ trưởng và Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đề xuất.

Hai Thứ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ 'chấm' điểm 10 cho bưởi Diễn

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Hoan đề xuất, trong thời gian tới cần kết nối các doanh nghiệp 2 nước thông qua các diễn đàn song phương để khai thác tiềm năng giữa 2 nước, vừa thúc đẩy giao thương, vừa thúc đẩy đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Qua đó có thể chia sẻ kiến thức về các sản phẩm biến đổi gen, chỉnh sửa gen, đặc biệt là tính an toàn của các sản phẩm này.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 28/2,  hai Thứ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thưởng thức bưởi Diễn tại vườn trồng ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Hai Thứ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ ấn tượng với hương vị của trái cây này. Đồng thời, mang theo những trái bưởi từ bang Texas đến tặng nông dân Việt Nam.

Hoạt động này nhằm bày tỏ sự trân trọng với mối quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp của hai nước Việt - Hoa Kỳ, thông qua việc trao tặng hai loại quả mới đây đã được hai nước chấp thuận xuất khẩu sang thị trường của nhau.

Trong chuyến thăm,  hai Thứ trưởng Taylor và Moffitt được nghe các cán bộ địa phương và nông dân chia sẻ về cách trồng và chăm sóc bưởi Diễn, cũng như giống bưởi địa phương tại làng Cát Quế. 

Sau khi thưởng thức trái bưởi Việt Nam, Thứ trưởng Taylor đã bày tỏ cảm xúc:  "Tuyệt vời. 10/10. Tôi trông đợi được thấy loại bưởi này trong các cửa hàng tại Hoa Kỳ và mua nó với tư cách là người tiêu dùng địa phương". 

Khi một chủ vườn bưởi đề nghị giới chức Hoa Kỳ hỗ trợ chuyển giao công nghệ trồng trọt, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bưởi sang thị trường Hoa Kỳ, bà Moffitt, Thứ trưởng phụ trách marketing và quản lý của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho hay đây là lĩnh vực được cơ quan chức năng hai nước quan tâm.

Được biết, bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được nhập khẩu vào Hoa Kỳ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Lô hơn 100 tấn bưởi Việt Nam đầu tiên đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ hồi tháng 11/2022 bằng đường biển và hàng không.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top