Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 12 năm 2023 | 10:38

Để Cà Mau phát triển toàn diện

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, quyết liệt triển khai để hoàn thành các dự án trọng điểm, như cao tốc, sân bay, mở rộng cụm dự án khí, điện đạm, khai thác tối đa 3 lợi thế nổi bật của Cà Mau về thủy sản, du lịch và năng lượng tái tạo, tạo bước đột phá phát triển toàn diện.

Phát huy lợi thế nổi bật

Tại Hội nghị “Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau”, diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí Thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, địa phương có 3 mặt giáp biển cùng với ngư trường rộng lớn và nguồn lợi thủy sản phong phú. Cà Mau được xem là vùng “thủ phủ” tôm của cả nước với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 300.000 ha và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD. Tỉnh có lợi để phát triển trở thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước; tìm năng, lợi thế trong phát triển năng lượng tái tạo và du lịch.

Cà Mau được xem là vùng “thủ phủ” tôm của cả nước với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 300.000 ha.

Thời gian qua, kinh tế - xã hội tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2023 ước đạt hơn 45.400 tỉ đồng; GRDP 2023 ước tăng 7,83%, vượt kế hoạch đề ra (7%); bình quân đầu người ước đạt gần 70 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 24.000 tỉ đồng. Tỉnh thực hiện hoàn thành 18/19 chỉ tiêu Nghị quyết, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt (chi ngân sách Nhà nước đạt 98,2%).

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục phục hồi, phát triển tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so cùng kỳ. Khu vực thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh, tăng 8,5% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vượt 10% kế hoạch, tăng 4,2% so cùng kỳ. Thu hút khoảng 2 triệu lượt khách tham quan du lịch, vượt 13,5% kế hoạch, tăng 18% so cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt: Đến ngày 7/12, đã giải ngân đạt 3.447 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch vốn; ước đến ngày 31/1/2024, giải ngân đạt 95% kế hoạch.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích, làm rõ thêm về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Cà Mau, với 3 lĩnh vực nổi bật là thủy sản, du lịch và năng lượng tái tạo. Theo đó, Cà Mau là tỉnh có vị trí địa kinh tế hết sức thuận lợi, giao thương phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á. Là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km; diện tích tự nhiên hơn 5.200 km2, chiếm 13,15% diện tích vùng ĐBSCL.

Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước, phát triển năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Ngư trường Cà Mau khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy sản phong phú; khu vực nuôi trồng thủy sản hơn 300.000 ha. Rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm U Minh Hạ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Khu Ramsar của thế giới.

Việc kết hợp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi, điện mặt trời kết hợp trên đất nuôi trông thủy sản, điện sinh khối... là rất tiềm năng, cơ hội cho Cà Mau xuất khẩu điện sang nhiều nước trong khu vực.

Phát triển du lịch là một trong những lợi thế của Cà Mau.

Tỉnh có dự trữ khoáng sản lớn, có triển vọng khai thác. Vùng biển Cà Mau với trữ lượng dầu khí khá lớn, có triển vọng khai thác và phát triển công nghiệp dầu khí. Vùng than bùn U Minh Hạ là một trong những vùng chứa than bùn lớn nhất Việt Nam, với trữ lượng khoảng 14,1 triệu tấn…

Các đại biểu cho rằng, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và nguồn lực phong phú, đa dạng, tỉnh Cà Mau hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, xanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan đã báo cáo về tiến độ một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn như cao tốc Bắc-Nam đoạn qua Cần Thơ, nâng cấp, cải tạo sân bay Cà Mau... và trả lời các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Tạo bước đột phá phát triển toàn diện

Tại buổi làm việc mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ quan trọng mà Cà Mau và các bộ ngành cần tập trung thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh nguồn lực có hạn, lại chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở...

Theo đó, cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị (về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL), chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quy hoạch vùng ĐBSCL và quy hoạch tỉnh Cà Mau, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo bước đột phá phát triển toàn diện cho Cà Mau.

Thủ tướng khảo sát việc nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Cà Mau, tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Cà Mau và cụm dự án Khí-điện-đạm Cà Mau.

Thứ hai, tỉnh phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Thứ ba, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển năng lượng tái tạo (mở rộng khu công nghiệp khí điện đạm Cà Mau), phát triển du lịch dựa vào văn hóa, con người, thiên nhiên, thương hiệu Đất Mũi, phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, đặc biệt là ngành tôm.

Thứ tư, đẩy mạnh đột phá hạ tầng giao thông, cụ thể là nâng cấp sân bay Cà Mau, xây dựng các tuyến đường cao tốc và phát triển đường thủy nội địa, đường biển (cảng Hòn Khoai).

Thứ năm, tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục khẳng định khát vọng mạnh mẽ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thủ tướng yêu cầu cần đặc biệt chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, bảo đảm kết nối nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế. Địa phương phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Phải làm bằng được tuyến cao tốc Bắc Nam, trong đó có đoạn qua Cà Mau, trong nhiệm kỳ này, không lùi tiến độ. Và dứt khoát tháng 6/2025 phải hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo sân bay Cà Mau.

Năng lượng tái tạo là một trong 3 lợi thế tạo bước đột phá phát triển toàn diện tỉnh Cà Mau.

Đồng thời, chuẩn bị dự án cao tốc TP. Cà Mau-Đất Mũi theo hướng ngắn nhất, thẳng nhất có thể và cân nhắc việc nâng cấp phù hợp Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Cà Mau... Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc, đề nghị Cà Mau chủ động chuẩn bị xây dựng dự án cảng Hòn Khoai.

Cùng với đó, chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... Nghiên cứu, xây dựng đề án, dự án cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở trên cơ sở những mô hình, cách làm tốt đã được tỉnh triển khai thời gian qua; vận động và hỗ trợ người dân xây nhà "3 cứng"...

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các công việc cần thiết để mở rộng cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau bởi mọi điều kiện đã đầy đủ và sẵn sàng, nhất là sau khi những vướng mắc liên quan các chuỗi dự án khí Lô B đã được tháo gỡ. Cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP). Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, cần chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top