Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 3 năm 2023 | 9:53

Để cà phê Việt mang lại giá trị cao hơn: Xây dựng và phát triển phân khúc đặc sản

Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê nhưng Việt Nam vẫn đang xuất khẩu thô nhiều năm nay. Không gian mênh mông để tạo ra giá trị cho cà phê bị chúng ta bỏ trống hoàn toàn hoặc chỉ mới manh nha khai thác…

Thế giới tiếp cận cà phê không chỉ là một loại thức uống, cà phê còn là một nét văn hóa. Xây dựng thương hiệu cà phê phải đi từ cảm xúc gắn với văn hoá.

Đó là nhận định về cà phê Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan.

Cà phê Việt đang ở đâu?

Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,78 triệu tấn, kim ngạch hơn 4 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.293 USD/tấn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, người Việt Nam thường chê cà phê ở châu Âu chua chua, nhạt nhạt, trong khi mấy trăm năm nay, họ vẫn uống như vậy; cũng như người dân nông thôn Việt Nam chê cà phê nguyên chất nhạt. Đây là câu chuyện chúng ta cần thảo luận.

Có khi chúng ta đang ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới, trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta. Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? Đây là cái chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục tái canh, tạo thương hiệu, chế biến tinh sản phẩm… Thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại lại mạnh về cà phê Robusta.

Thế giới tiếp cận cà phê không chỉ là một loại thức uống. Rất nhiều giá trị kinh tế từ cây cà phê, như: mật ong hoa cà phê, phân bón từ bã cà phê; thuốc nhuộm vải, sợi, giày… cũng có thể làm từ cà phê. Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê nhưng chúng ta còn đang làm thô. Còn không gian mênh mông để chúng ta tạo ra giá trị cà phê. Không gian này chúng ta bỏ trống hoàn toàn hoặc chỉ mới manh nha khai thác.

Xây dựng thương hiệu cà phê phải đi từ cảm xúc gắn với văn hoá. Cà phê là một nét văn hóa. Tôi muốn nói với doanh nghiệp rằng, muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc người tiêu dùng.

Rất nhiều doanh nghiệp cà phê lớn không tham gia Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam. Ngay như con cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay thống lĩnh thị trường thế giới, không ai cạnh tranh lại mà cũng có lúc trồi sụt, không bền vững trong khi cà phê chịu nhiều cạnh tranh. Muốn cạnh tranh thì phải xây dựng thương hiệu.

Người Thái Lan quảng cáo gạo Thái là “think rice, think Thái Lan” (nghĩ về gạo là nhớ tới Thái Lan). Vậy, thông điệp của cà phê Việt Nam có thể là “drink coffee, feel Việt Nam” (uống cà phê, phiêu Việt Nam) không?

Chúng ta muốn truyền thông điệp tăng giá trị cà phê lên 5-10 lần thì phải định vị lại dòng sản phẩm, xu thế thị trường nhu cầu thị trường. Nếu chúng ta nói câu chuyện chế biến tinh thì cần tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để cung cấp sản phẩm phù hợp.

Điểm yếu

Theo ông Thái Như Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000ha, nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000ha và chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp.

Thực tế thời gian qua, giá trị bền vững trong lĩnh vực cà phê đã tăng từng năm, khoảng 23% trong 2 năm qua với nhiều chương trình phát triển cà phê bền vững. Có điều, chúng ta chỉ đang phát triển phần ngọn và chưa quan tâm giải quyết phần gốc. Cần chung tay để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng.

Là địa phương đứng thứ 3 về diện tích canh tác cà phê trên cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết: Hiện nay, diện tích cà phê tại Đắk Nông ước đạt 140.000ha (sau Đắk Lắk và Lâm Đồng). Năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 356.612 tấn. Cà phê được trồng tại Đắk Nông chủ yếu là cà phê vối Robusta (chiếm 99% diện tích).

Theo ông Mười, điểm yếu của ngành cà phê Đắk Nông là chưa chuyên sâu, còn manh mún, nhỏ lẻ. Nếu không khắc phục được tình trạng này, rất khó nâng cao giá trị ngành cà phê. Rất mong Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ tỉnh có bộ giống cây cà phê tốt. Tỉnh vừa cấp phép cho một doanh nghiệp cà phê sạch, cây cà phê trồng dưới tán rừng, dùng công nghệ sấy thăng hoa, giúp phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Đại biểu quốc tế tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê bên lề hội thảo. Ảnh: Hoài Thu

Tỉnh Gia Lai cũng đang trồng khoảng 99.000ha cà phê, trong đó có 46.000ha cà phê theo các tiêu chuẩn 4C, organic, áp dụng công nghệ tưới tiêu cho cà phê.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, giá trị xuất khẩu cà phê của Gia Lai hiện đạt 490 triệu USD, tăng từ mức 323 triệu USD (năm 2021) cho thấy sự tăng trưởng nhanh về giá trị xuất khẩu.

Gia Lai cũng định hướng tới năm 2030 tiếp tục ổn định diện tích khoảng 100.000ha. Tại địa phương, có khoảng 80 nhà máy và các cơ sở chế biến cà phê. Tỷ lệ cà phê qua chế biến khoảng 5,7%, còn lại xuất khẩu thô.

Ông Có cho rằng, để tăng giá trị cho cây cà phê cần xuyên suốt thực hiện từ tăng giá trị đầu vào, giá trị đầu ra của sản phẩm. Trước tiên là vật tư nông nghiệp, như: giống, vì muốn giảm chi phí, tăng cạnh tranh cần phát triển giống cà phê để tăng năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh... Đồng thời, cơ giới hóa nông nghiệp, Brazil đã cơ giới hóa, trong khi Việt Nam còn thủ công, cơ giới hóa còn chậm.

“Cần tập trung phát triển cho được sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn để đáp ứng thị trường. Còn nếu cứ làm như lâu nay, theo chất lượng tiêu chuẩn nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Muốn tạo sản lượng lớn, có chất lượng cao thì phải liên kết sản xuất. Ngoài ra, cần truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo hộ sản phẩm”, ông Có nhấn mạnh.

Theo ông Thái Như Hiệp, cần tháo gỡ nút thắt về vốn. Vì làm nông nghiệp, chúng tôi đang phải vay vốn với lãi suất 12%/năm thì làm sao làm được? Cần chính sách tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ cho các HTX, cho người nông dân, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân…

Ông Hiệp cho biết thêm, ở các quốc gia, cà phê được bảo hộ nhưng cà phê Robusta của Việt Nam lại chưa được bảo hộ. Doanh nghiệp Việt cần đứng ra bảo hộ cho cà phê Việt, tăng giá trị cho người sản xuất và 5 tỉnh Tây Nguyên - những tỉnh trọng điểm của loại cà phê Robusta.

Cần hướng dẫn người tiêu dùng cách uống cà phê Việt Nam

Ngành cà phê Việt Nam từng bước khẳng định vị thế khi lần đầu xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD trong năm qua. Kết quả hai tháng đầu năm 2023 cho thấy, xuất khẩu cà phê có nhiều khả quan, đặc biệt ở một số thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 đến 3 con số.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê đạt trên 200 nghìn tấn, trị giá 434,9 triệu USD, tăng 40,3% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với tháng 1/2023, so với tháng 2/2022 tăng 43,5% về lượng và tăng 35,3% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 342,3 nghìn tấn, trị giá 745,28 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ Bỉ, Nhật Bản. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 2 đến 3 con số, gồm: Algeria, Hà Lan, Mexico, Nga, Italy... Trong đó, ở một số thị trường nhập khẩu, thị phần cà phê Việt Nam chiếm tỉ lệ lớn. Tại thị trường Tây Ban Nha, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, năm 2022, nước này nhập khẩu cà phê từ thị trường thế giới đạt hơn 376 nghìn tấn, trị giá 1,46 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 47,5% về trị giá so với năm 2021.

Cà phê cũng là mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Theo ông Phạm Khắc Tuyên, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, thị trường Hàn Quốc được đánh giá là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Người Hàn Quốc trung bình sử dụng 2 cốc cà phê/ngày, quy mô thị trường đạt 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đa phần là cà phê nguyên liệu, sản phẩm cà phê hòa tan, đóng lon, trong thi đó thị phần cà phê này chỉ khoảng 2,5 tỷ USD và có sự gia tăng không nhiều. Dòng sản phẩm cà phê uống trực tiếp tại các cửa hàng quy mô thị trường đạt khoảng 4 tỷ USD. Đây là thị trường cà phê Việt Nam có thể thâm nhập và phát triển trong thời gian tới.

Để làm được điều đó, ông Phạm Khắc Tuyên cho rằng, cần hướng dẫn người tiêu dùng cách uống cà phê Việt Nam. Hiện nay, việc mở các cửa hàng nhỏ theo chuỗi đang là xu hướng của các doanh nghiệp khởi nghiệp của Hàn Quốc. Do đó, thông qua kênh kết nối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là cơ hội để quảng bá văn hóa uống cà phê Việt Nam. Với việc mở rộng được thị trường xuất khẩu, thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu cà phê không chỉ dừng lại con số 92 triệu USD năm 2022 mà sẽ tăng lên nhanh chóng khi định hướng được người tiêu dùng của Hàn Quốc.

Xây dựng và phát triển phân khúc cà phê đặc sản Việt Nam

Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam,  nhận định, ngành cà phê Việt Nam còn nhiều thách thức về cán cân cung - cầu cà phê; sự thịnh vượng của người trồng cà phê; trách nhiệm giải trình; tiêu dùng nội địa; biến đổi khí hậu và các quy định mới của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, đó cũng là những cơ hội cho ngành cà phê Việt khi quản lý kinh doanh ngày càng tốt hơn; các biện pháp thực hành sản xuất tốt được áp dụng rộng rãi; ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh cà phê.

Cà phê đặc sản của Việt Nam được đánh giá và chấm điểm.

Tại Lễ khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu, cần đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao; gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân.
 

Nên tạo lập Sở giao dịch cà phê

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, có 5 lý do để giải thích vì sao Việt Nam cần một Sở giao dịch cà phê.

Thứ nhất, Việt Nam là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Thứ hai, khoảng cách giữa cái nhất của mình và quốc gia đứng thứ 2 là rất xa.

Thứ ba, thông thường lẽ ra, Việt Nam phải là bên quyết định giá cà phê Robusta vì chúng ta chiếm tới 60% thị phần thế giới.

Thứ tư, dù xuất khẩu cà phê lớn nhưng chuỗi giá trị gia tăng cho người trồng cà phê Việt Nam rất nhỏ. Giá bán cà phê ở thị trường cà phê rang xay Bắc Mỹ cao hơn nhiều so với Việt Nam.

Thứ năm, cà phê của Việt Nam không có thương hiệu, giá trị gia tăng của nông dân cực thấp so với người bán lẻ, người rang xay.

Vậy tại sao chúng ta không làm được Sở giao dịch cà phê?

Chúng tôi từng đi khảo sát và thấy rằng cần phải làm một sở giao dịch nhưng có nhiều khó khăn chưa thể thực hiện. Ví dụ, cần có kho ngoại quan ngay ở Đông Nam Bộ, cần thuê cảng - cho không chỉ cà phê mà các loại nông sản khác - giao dịch online và có hàng ở kho để giao hàng vật chất ngay khi khách hàng cần... Từ đó, chúng ta sẽ là người tạo lập giá chứ không phải đi theo giá của họ.

Nhưng, có một thực tế liên quan đến quản lý ngoại hối. Đó là phía Ngân hàng Nhà nước nhận định cần phải cân đối tiền vào tiền ra nên đến giờ vẫn đang vướng mắc chưa xử lý được.

Cuối cùng, trong đề án thị trường tài chính của TP.HCM, tôi cho rằng, phải có đủ 4 yếu tố, gồm: thị trường ngoại hối, thị trường vốn, thị trường hàng hóa và giờ là thị trường tiền kỹ thuật số. Việt Nam và TP.HCM muốn làm một thị trường tài chính, nếu cứ tập trung vào thị trường ngoại hối và thị trường vốn sẽ rất khó.

Muốn VNĐ có giá trị, phải đi từ thị trường hàng hóa như cà phê, gạo, cao su… có thể mua bán bằng VNĐ. Việc thành lập Sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam với mặt hàng đầu tiên là cà phê sẽ góp phần nâng giá trị cho VNĐ, sẽ từng bước xây dựng thị trường tài chính đi từ thị trường hàng hóa.

Chính vì vậy, việc tiếp tục xây dựng và phát triển phân khúc cà phê đặc sản Việt Nam, mang thương hiệu của Việt Nam là công tác cần tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đó là các công tác liên quan trực tiếp từ khâu giống, nghiên cứu, tuyển chọn được những giống cho chất lượng cà phê ngon. Đồng thời, quan tâm đến các vấn đề từ khâu canh tác, chăm bón, tưới và thu hái,…để đảm bảo chất lượng của cà phê.

Đặc biệt, cần trang bị kiến thức, kỹ năng về chế biến sau thu hoạch, gồm chế biến ra cà phê nhân và rang xay. Đây là những hiểu biết, thực hành rất quan trọng tạo ra cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản thường bị xem nhẹ trong sản xuất, chế biến cà phê thương mại thông thường.

Để xây dựng và phát triển mạnh cà phê đặc sản của Việt Nam không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, tuy nhiên, đây cũng là công tác cần được quan tâm khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng hướng đến chất lượng ngon hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ. Do đó, nếu xác định được các bước đi cần thiết và bắt tay vào triển khai với các giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao cùng với sự quan tâm của Nhà nước cũng như của chính các doanh nghiệp, người nông dân…, chúng ta có quyền chờ đón phân khúc sản phẩm cà phê đặc sản sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, để người tiêu dùng thế giới biến đến nhiều hơn cà phê Việt Nam và mang lại giá trị cao hơn nữa cho chuỗi ngành hàng cà phê.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top