Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 10 năm 2022 | 13:50

Để vụ Đông tiêu thụ hết sản phẩm

Hiện, vụ Đông đang bắt đầu, đây là vụ mùa được xác định là quan trọng, do đó cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ đông theo hướng giảm dần các cây trồng truyền thống sang các loại cây trồng có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường... để sản phẩm của vụ đông tiêu thụ hết.

Đa dạng hóa cây trồng trong vụ Đông

Với đặc điểm của khí hậu miền Bắc rất thích hợp cho trồng nhiều loại cây rau màu, do đó sau khi nông dân thu hoạch vụ lúa mùa thì vụ Đông là thời điểm để nông dân tăng thu nhập bằng việc trồng rau màu cây vụ Đông, đa dạng hóa các loại cây trồng trong thời điểm vụ Đông này đang là cách nông dân ở các tỉnh miền Trung lựa chọn.

Ông Mai Trọng Thơi (xã Hồng Lộc) tranh thủ làm đất để xuống giống rau, củ vụ đông.

Gia đình của ông Mai Trọng Thơi (73 tuổi, ở thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc) đang làm các công đoạn để trồng rau cải mầm, rau khoai, đậu bắp, hành, bầu, bí và các loại rau thơm.

Theo ông Thơi, đặc thù thời tiết nên lứa rau vụ đông này sẽ được gia đình ông trồng và chăm sóc cẩn thận, luôn chú ý tạo độ ẩm phù hợp cho đất trước khi xuống giống, bỏ nhiều phân chuồng, lên luống cao chống ngập úng, sử dụng rơm rạ tấp luống chống xói mòn, khơi thông các rãnh thoát nước đề phòng mưa lớn, sử dụng các loại giống có chất lượng...

“Với khu vườn có diện tích 600 m2 vừa làm niềm vui vừa tăng thu nhập, rau trồng được chăm sóc cẩn thận, có hệ thống tưới tiêu đầy đủ, sản xuất theo phương thức mùa nào thứ nấy nên khu vườn có sản phẩm quanh năm, đủ rau sạch để dùng và bán được khoảng 35 triệu đồng/năm, đủ để chi tiêu tuổi già”. Ông Thơi nói.

Ở huyện Lộc Hà của tỉnh Hà Tĩnh hiện nay có 302 vườn đã đạt chuẩn,  lấy sản xuất rau, củ, quả làm chủ đạo trong phát triển kinh tế vườn. Tùy từng khu vực, từng chất đất, từng mùa vụ mà người nông dân trồng các loại rau, củ, quả khác nhau (chủ yếu là các loại rau cải, rau thơm, dưa chuột, dưa hấu, dưa lê, dưa lưới, ớt cay...) để đảm bảo năng suất và hiệu quả tốt.

Các khu vườn hộ của ông Nguyễn Đức Lưu, Nguyễn Đức Tiện (xã Phù Lưu); Hoàng Văn Hồng, Nguyễn Đức Tú (xã Thịnh Lộc); Lê Doãn Trường, Lê Thị Hoa (xã Mai Phụ)...

Dưa chuột trồng trong nhà lưới ở xã Hồng Lộc cho năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng.

Sản phẩm rau màu ở Lộc Hà được chia làm 3 nhóm chính là rau lấy thân lá (cải lấy lá các loại, bắp cải, súp lơ, hẹ, các loại rau thơm…) ở các vùng chuyên canh, vườn hộ và trồng xen trên khoai lang đông; nhóm rau lấy củ (củ cải, hành, kiệu, cà rốt...) ở những vùng đất cao, thoát nước tốt; nhóm quả (cà chua, đậu cove, đậu đũa, bí đỏ, bí xanh, cà dừa, ớt…) chủ yếu ở các vùng chuyên canh, trong các nhà màng.

Ngoài các khu vườn hộ thì trên địa bàn còn có hàng nghìn nông hộ trồng rau quy mô từ 0,5 - 1,5 sào/vụ (với tổng diện tích khoảng 300 ha) ở các vùng đất màu và 9 mô hình nhà màng chuyên sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao.

Hiện nay, các xã có nhiều lợi thế và có diện tích sản xuất các loại rau, củ, quả lớn ở huyện Lộc Hà là Bình An, Thịnh Lộc, Phù Lưu, Mai Phụ, Hồng Lộc, Thạch Châu và thị trấn Lộc Hà... Các loại rau màu được làm quanh năm, không chỉ có ở vườn hộ mà còn ở khắp các vùng đồng cao ráo. Riêng vụ đông được xem là khó khăn nhất nhưng năm nay, toàn huyện vẫn có kế hoạch làm 242 ha rau, củ, quả các loại, phấn đấu đạt năng suất 74,1 tạ/ha và có sản lượng 1.793 tấn.

Nhân rộng mô hình trồng vụ Đông liên kết   

Xác định vụ đông là vụ sản xuất quan trọng, các địa phương đã chú trọng nâng cao giá trị kinh tế thông qua liên kết sản xuất. Qua đó, thu hút các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ đông theo hướng giảm dần các cây trồng truyền thống sang các loại cây trồng có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường...

Trồng rau gia vị hàng hoá trong sản xuất vụ đông ở xã Diễn Xuân (Diễn Châu). Ảnh: Thanh Phúc

Từ hiệu quả mà mô hình mang lại, năm nay, huyện Nam Đàn đã kết nối với doanh nghiệp và Viện Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục mở rộng diện tích liên kết trồng khoai tây ở các xã Thượng Tân Lộc, Trung Phúc Cường, Xuân Lâm, Hùng Tiến với tổng diện tích gần 50 ha. Ngoài ra, còn có các mô hình liên kết trồng ớt cay ở xã Khánh Sơn với diện tích khoảng 15 ha.

Vụ đông năm 2021, 4 hộ dân ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) liên kết với Công ty Đồng Xanh trồng thử nghiệm cây dưa lê Wonyeong của Hàn Quốc trên diện tích 2.000 m2 trong nhà lưới tại xóm Kim Nghĩa. Theo đó, bà con được hỗ trợ giống, được chuyển giao kỹ thuật trồng dưa, được bao tiêu sản phẩm theo giá cam kết. Mặc dù mới trồng thử nghiệm, nhưng vụ đông năm 2021, cây dưa lê Wonyeong của Hàn Quốc rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây ra hoa đều và trái to, tỷ lệ đậu trái đạt trên 90%. Dưa trồng trong nhà lưới nên quản lý được sâu hại, dịch bệnh, giúp tiết kiệm công lao động. Nếu như trên diện tích đất trước đây trồng hoa màu mỗi vụ chỉ lãi 10 - 15 triệu đồng, thì cũng với diện tích này, mỗi vụ thu về từ 50-55 triệu đồng.

Với định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững, vụ đông năm 2022, huyện Diễn Châu ổn định diện tích 4.200 ha, trong đó, có 300 ha trồng khoai tây và 1.600 ha ngô sinh khối theo mô hình liên kết.

Đến nay, huyện Diễn Châu đã xây dựng được 30 mô hình mới, từ đó hình thành được 7 vùng chuyên canh vụ đông có diện tích từ 6- 40 ha với thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng/ha, như mô hình trồng ớt cay, khoai tây, bí đỏ, dưa chuột, hành, tỏi, rau cao cấp... Khi tham gia các mô hình mới, nông dân huyện Diễn Châu đều được hưởng các cơ chế hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là quan tâm đến đầu ra và giá thành sản phẩm, tạo sự yên tâm cho nông dân”.

Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Nếu như trước đây, người dân huyện Diễn Châu sản xuất vụ đông nhỏ lẻ, chưa hình thành các vùng hàng hóa, còn diễn ra tình trạng ế ẩm, tồn động các sản phẩm, thì những năm gần đây, thông qua các mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) nên giá trị vụ đông được nâng cao.

Sản xuất đến đâu tiêu thụ hết sản phẩm đến đó

Bắt đầu từ vụ đông năm 2021, anh Trần Văn Thắng thuê 19 ha đất bãi bồi ở xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) để sản xuất khoai tây theo mô hình liên kết với doanh nghiệp là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm ORION và Viện Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, anh được doanh nghiệp hỗ trợ một phần tiền giống, cho vay giống, phân bón trả chậm và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ký cam kết là 7.000 đồng/kg. Kết thúc vụ đông năm 2021, trên diện tích 19 ha, cây khoai tây cho năng suất 15 tấn/ha.

Cây khoai tây trên vùng bãi Trung Phúc Cường vụ đông 2021. Ảnh: Thanh Phúc

“So với trồng ngô sinh khối hay các loại cây trồng khác thì giá trị kinh tế mà cây khoai tây mang lại cao gấp 2-2,5 lần. Điều quan trọng là sản phẩm làm ra được bao tiêu toàn bộ, thu hoạch đến đâu, doanh nghiệp về thu mua đến đó, trả ngay tiền tươi”, anh Trần Văn Thắng cho biết.

Thay cho trồng các loại cây màu truyền thống, nông dân xã Diễn Phong (Diễn Châu)     đã dồn đất trồng khoai tây theo mô hình liên kết. Với năng suất 8 tạ/sào, bán với giá doanh nghiệp đã ký kết đặt hàng trước với giá 7.000-7.500 đồng/kg (tuỳ từng năm), mỗi sào mang lại cho người dân thu nhập 3,5 – 4 triệu đồng. Điều đáng nói là sản xuất ra bao nhiêu, doanh nghiệp thu mua bấy nhiêu, không lo ế ẩm, tồn đọng như trước nên người dân rất yên tâm.

Còn ở Hưng Nguyên người dân vùng bãi đã mạnh dạn chuyển đổi, đưa cây ngô sinh khối vào trồng. Vụ đông năm 2021, có khoảng 400-450 ha đất vùng bãi bồi dọc sông Lam thuộc địa phận huyện Hưng Nguyên được bà con đưa vào trồng ngô sinh khối. Ngô đến kỳ thu hoạch, xe của các trang trại, các công ty chăn nuôi đến tận nơi thu mua theo giá thị trường.

Để vụ đông đảm bảo thắng lợi, đạt được mục tiêu đề ra, bà con tập trung nhân lực, vật lực và tranh thủ thời tiết thuận lợi sản xuất gieo trồng kịp thời vụ. Cùng với đó, thực hiện điều tiết nước hợp lý cho từng vùng, duy trì mực nước thường xuyên để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top