PGS.TS. Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam đề nghị HLV tỉnh Nghệ An tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.
Đồng thời, cần chú trọng đưa các loại cây - con đặc sản có giá trị kinh tế cao của địa phương vào sản xuất.
Sáng tạo trong xây dựng vườn chuẩn NTM
Trong chuyến công tác khu vực Bắc miền Trung, PGS.TS Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đã tham quan một số mô hình kinh tế nông nghiệp và làm việc với HLV Nghệ An, Chủ tịch HLV Việt Nam Lê Quốc Doanh rất ấn tượng và đánh giá cao mô hình vườn chuẩn NTM của gia đình anh Trần Ngọc Quyết (xóm Trung Mỹ, xã Hưng Đông, TP. Vinh).
Là người kinh doanh hoa, cây cảnh lâu năm, gia đình anh Quyết là hộ điển hình trong phát triển kinh tế vườn. Trên diện tích 1.200m2, đầu tiên anh quy hoạch lại vườn theo tư vấn của HLV tỉnh và tham gia các lớp tập huấn để có thêm kiến thức về xây dựng vườn mẫu nông thôn mới.
Chủ tịch HLV Việt Nam Lê Quốc Doanh thăm và làm việc với HLV tỉnh Nghệ An.
Đồng thời, đầu tư kinh phí để chỉnh trang lại vườn, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động; xây dựng 2 bể ủ phân vi sinh; bố trí các nhà màng, nhà lưới hiện đại với từng ô, thửa khoa học. Trong đó, có một nhà lưới chuyên ươm trồng hoa giống (cúc, ly, tuy lip, thược dược…) để cung ứng cho các nhà vườn khác; một nhà lưới chuyên trồng hoa cắt cành để bán ra thị trường, một nhà màng chuyên trồng rau ngắn ngày và một ao vừa nuôi cá, vừa là nguồn nước tưới cho hoa, cho rau…
Thu nhập từ kinh tế vườn của gia đình anh Quyết lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động. Có được thành quả đó, một phần là nhờ áp dụng các kiến thức xây dựng vườn mẫu nông thôn mới với phát triển kinh tế vườn.
Anh Quyết cho biết: “Các khu nuôi trồng được quy hoạch khoa học, hợp lý. Theo đó, trong khu vực trồng hoa cũng bố trí lại, chỗ nào trồng hoa cúc, chỗ nào trồng ly, chỗ nào trồng thược dược; khu vực trồng rau; khu vực nuôi cá… Phân ra rõ ràng như vậy giúp mình điều tiết nước tưới phù hợp, tiện chăm sóc từ làm cỏ, bón phân đến thu hoạch. “Mùa nào thức nấy”, vườn có sản phẩm bán ra thị trường 4 mùa, đem lại thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/năm, là sinh kế chính của gia đình”.
Không dừng lại đó, với kinh nghiệm trồng hoa lâu năm và nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh Quyết đã thuê lại diện tích trồng lúa không hiệu quả của người dân để trồng hoa hướng dương. Với diện tích hơn 2.000m2 đầu tư trồng hoa hướng dương theo kiểu cuốn chiếu. Hàng ngày, hoa được gia đình anh cắt bán ra thị trường với giá 5.000 - 7.000 đồng/bông, mỗi lần cắt 150 - 200 bông, sau khi trừ mọi chi phí (làm đất, giống, phân bón, nước tưới), gia đình anh còn thu khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Đây cũng là một trong những cách làm sáng tạo được Chủ tịch HLV Việt Nam rất ấn tượng. Ông nhận định, sự phát triển của các mô hình kinh tế đã cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, cách làm hay của nông dân biết vận dụng chọn lựa những cây trồng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Thăm quan mô hình vườn chuẩn NTM của anh Trần Ngọc Quyết.
Khẳng định vai trò của HLV các cấp
Theo báo cáo của HLV Nghệ An, 9 tháng qua, với sự nỗ lực cao của cán bộ, hội viên, công tác Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh có sự chuyển biến khá tích cực, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Các cơ sở Hội đã tích cực kết nạp phát triển thêm được 1.484 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 239.923 người. Chất lượng hội viên từng bước được nâng lên, hội viên HLV là những chủ hộ nông dân làm kinh tế VAC, trang trại, có kiến thức nhất định để có thể tiếp thu tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hội viên nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của Hội, là lực lượng nòng cốt trong phong trào phát triển kinh tế VAC và trang trại của nông dân.
Triển khai thực hiện quả 71 mô hình như: nuôi chạch, ốc bươu đen; các mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới; trồng và chế biến một số sản phẩm từ cây xạ đen tại xã Thanh Phong (Thanh Chương); chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An Võ Thị Nhung đánh giá, những kết quả ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của HLV các cấp. HLV tỉnh Nghệ An đã có nhiều cách làm mới, phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi góp phần vào thực hiện có hiệu quả mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Chú trọng thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân
Theo PGS.TS Lê Quốc Doanh, Chủ tịch HLV Việt Nam, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, đề án lớn xây dựng các mô hình, thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn. HLV các cấp trong tỉnh có trách nhiệm rất lớn trong việc triển khai thực hiện các chủ trương đó.
Chủ tịch Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả toàn diện trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. HLV tỉnh Nghệ An có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả phát huy được vai trò của tổ chức Hội hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập, tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tham quan vườn cam Xã Đoài của gia đình ông Phạm Đinh Tiến tại xóm Phượng Sơn, xã Nghi Diên (Nghi Lộc).
Chủ tịch HLV Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể tỉnh Nghệ An đối với công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. HLV Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các cấp HLV thực hiện các nhiệm vụ; đồng thời mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các phong trào của Hội ngày càng phát triển.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Lê Quốc Doanh đề nghị HLV tỉnh Nghệ An quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên trong thực hiện các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng với đó là làm tốt công tác tuyên truyền chuyển đổi tư duy sản xuất cho nông dân, hỗ trợ và hướng dẫn hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.
Tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường kỹ năng cho nông dân thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo dạy nghề,…
Tăng cường sự phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông… để nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả cao, mở rộng quy mô, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông nghiệp công nghệ cao vào canh tác và đóng gói sản phẩm. Cần chú trọng đưa các loại cây con đặc sản có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như mô hình cam Xã Đoài của gia đình ông Phạm Đinh Tiến tại xóm Phượng Sơn, xã Nghi Diên (Nghi Lộc, Nghệ An) và đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tham mưu giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.
Trắng tay sau siêu bão Yagi nhưng người dân nuôi trồng thủy hải sản ở biển Quảng Ninh vẫn quyết bám trụ với nghề. Bởi họ yêu biển, hiểu biển và bao đời này sống nhờ biển. Với hơn 6.100km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn, tạo ra cơ hội lớn cho người dân phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.