Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 12 năm 2023 | 14:48

GDP năm 2023 đạt 5,05%, nông nghiệp là điểm sáng tăng trưởng

Công bố số liệu sáng 29/12 của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý IV ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực và tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp 42,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 49,91%. Về sử dụng GDP quý IV/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 53,18% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,21%, đóng góp 44,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,76%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 2,64%.

GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực, trong đó kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2023 tăng 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,74% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,71%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).

Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tăng trưởng tích cực, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Diện tích lúa cả năm ước đạt 7,12 triệu ha, tăng 10,1 nghìn ha so với năm trước, năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn. Sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt 47,9 triệu tấn, tăng 790 nghìn tấn so với năm 2022, trong đó sản lượng ngô đạt 4,4 triệu tấn, giảm 4,7 nghìn tấn.

Lúa đông xuân: Diện tích gieo trồng lúa đông xuân năm 2023 ước đạt 2.952,5 nghìn ha, giảm 39,8 nghìn ha so với năm trước nhưng do năng suất đạt 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha nên sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, tăng 213,3 nghìn tấn.

Lúa hè thu: Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm 2023 đạt 1.912,8 nghìn ha, giảm 2,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2022; năng suất đạt 57,6 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng 181,5 nghìn tấn.

Lúa thu đông: Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm nay ước đạt 708,8 nghìn ha, tăng 60,4 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước; năng suất đạt 56,6 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt 4 triệu tấn, tăng 392 nghìn tấn.

 Lúa mùa: Vụ mùa năm nay cả nước gieo cấy được 1.545,3 nghìn ha, giảm 7,7 nghìn ha so với vụ mùa năm trước; năng suất ước đạt 53,2 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8,23 triệu tấn, tương đương vụ mùa năm trước.

Cây hằng năm: Diện tích gieo trồng một số cây hoa màu như ngô, khoai lang, lạc, đậu tương giảm so với năm trước do hiệu quả kinh tế không cao, nông dân thu hẹp sản xuất để tập trung vào trồng rau hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc cây làm thức ăn chăn nuôi, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%.

Cây lâu năm: Năm 2023, diện tích trồng cây lâu năm đạt 3.760,3 nghìn ha, tăng 1,1% so với năm 2022, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.161,4 nghìn ha, giảm 0,9%; nhóm cây ăn quả đạt 1.267,3 nghìn ha, tăng 4,1%.

Về chăn nuôi: Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Ngoài ra, trong quý IV/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 103,5 nghìn ha, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 130.5 ha, giảm 41%. Tính chung năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 298,2 nghìn ha, giảm 2,7% so với năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.722,3 ha, tăng 53,5%.

Bên cạnh đó, sản lượng thủy sản quý IV/2023 ước đạt 2.516,3 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 9.312,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.455,8 nghìn tấn, tăng 4,2%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.856,5 nghìn tấn, giảm 0,5%.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng mặc dù tăng trưởng GDP cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (6,5%) nhưng là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Hương, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực và tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Về thăm làng miến gạo Quy Chính

    Về thăm làng miến gạo Quy Chính

    Trong cái nắng hanh hao của những ngày đầu đông, chúng tôi tìm về khối Quy Chính, thị trấn Nam Đàn (Nam Đàn, Nghệ An) để thấu hiểu sự vất vả, sáng tạo của người dân nơi đây trong việc làm ra những sợi miến thơm ngon, sạch sẽ.

  • Tôm Cà Mau rộng đường xuất khẩu

    Tôm Cà Mau rộng đường xuất khẩu

    Nhiều năm trở lại đây, con tôm Cà Mau đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế tại nơi sản xuất. Điều này mở ra cánh cửa mới cho người nuôi vì giá cả và chất lượng đảm bảo khi sản phẩm đi vào những thị trường khó tính.

  • Kon Tum phát triển bền vững từ nông nghiệp công nghệ cao

    Kon Tum phát triển bền vững từ nông nghiệp công nghệ cao

    Tỉnh hiện có 17.000 ha cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong quá trình sản xuất. Cùng với tăng hiệu quả kinh tế, các mô hình nông nghiệp này còn là đòn bẩy đối với toàn tỉnh, mở ra tiềm năng du lịch canh nông hiện đại và bền vững.

Top