Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai được cấp 114 mã số vùng trồng (nhiều hơn 19 mã so với cả giai đoạn 2018-2022) và 11 mã số cơ sở đóng gói nông sản (tăng 11 mã so với cả giai đoạn 2018-2022).
Với tổng cộng 209 mã số vùng trồng và 33 mã số cơ sở đóng gói được cấp đến thời điểm này, nhiều loại nông sản của Gia Lai đã có “hộ chiếu” để rộng đường xuất ngoại.
“Chìa khóa” để xuất khẩu nông sản
Huyện Đak Đoa là một trong những địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đến nay, toàn huyện đã được cấp 26 mã số vùng trồng (11 mã chanh dây, 4 mã sầu riêng, 8 mã chuối và 3 mã hồ tiêu) với diện tích hơn 867 ha và 4 mã số cơ sở đóng gói.
Theo ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: Đây là điều kiện để các mặt hàng nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch. Việc xây dựng mã số vùng trồng còn góp phần quản lý người sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.
Công nhân sơ chế chuối để xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa). Ảnh: HÀ DUY
Huyện Chư Păh hiện cũng đã được cấp 4 mã số vùng trồng chanh dây, 1 mã số vùng trồng mít, 1 mã số vùng trồng chuối và 4 mã số vùng trồng sầu riêng. Đi đầu trong việc xây dựng mã số vùng trồng ở địa phương này là HTX Thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông).
Hiện HTX đang liên kết với nông dân trồng chanh dây, sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và đã xây dựng mã số vùng trồng để hướng đến xuất khẩu. Đến nay, HTX đã liên kết với người dân xây dựng được 3 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 105 ha và đang chờ cấp thêm 3 mã số vùng trồng sầu riêng nữa.
Tương tự, để xuất khẩu được sản phẩm sầu riêng theo đường chính ngạch, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) đã xây dựng 6 mã số vùng trồng với diện tích hơn 177,4 ha.
Ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX-cho hay: Hợp tác xã xác định mục tiêu liên kết người dân phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ nhằm xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, HTX đang liên hệ doanh nghiệp để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và xuất khẩu sầu riêng trong năm tới.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay, Gia Lai đã được cấp 209 mã số vùng trồng (tăng 114 mã so với giai đoạn 2018-2022) chanh dây, chuối, xoài, thanh long, dưa hấu, mít, ớt, sầu riêng, khoai lang, hồ tiêu với tổng diện tích 9.281 ha.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 33 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1.345-1.495 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…
Đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng cho cây trồng chủ lực
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho hay: “Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, HTX, doanh nghiệp triển khai xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phát triển nông nghiệp bền vững.
Đây là việc làm cần thiết, phù hợp với định hướng của huyện trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài các loại cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, Phòng Nông nghiệp và PTNT đang kết nối với một số doanh nghiệp lớn để xây dựng mã số vùng trồng cho cây cà phê, hướng đến xuất khẩu”.
Còn ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh thì cho biết: “Để hướng đến mục tiêu xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm trái cây theo đường chính ngạch, huyện đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói”.
Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản hướng dẫn về xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.
Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người dân, HTX, doanh nghiệp thay đổi nhận thức trong sản xuất, chủ động liên kết để đảm bảo các tiêu chí về diện tích, an toàn thực phẩm, biện pháp quản lý, có sổ tay ghi chép, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sử dụng một quy trình quản lý sinh vật hại… để được cấp mã số vùng trồng.
Nhờ đó, nhiều loại nông sản của tỉnh như: sầu riêng, chuối, ớt, khoai lang, thanh long, dưa hấu, hồ tiêu, chanh dây, mít, xoài được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Đây là điều kiện tất yếu để nông sản Gia Lai xuất khẩu trực tiếp đến các nước, có sự cạnh tranh bình đẳng với sản phẩm của các nước trên thế giới.
“Hiện, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, mì… Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số.
Đặc biệt, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc cũng như sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”-ông Khải thông tin thêm.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.